Thuật lừa để thắng tranh biện/Thuật lừa 7

Tủ sách mở Wikibooks

7. Viện đến lòng thương hại (hay sự cảm thông)

Những kẻ thao túng biết cách tự mô tả bản thân (và hoàn cảnh của họ) theo một cách khiến người ta cảm thấy thương xót hay ít nhất cũng giành được sự cảm thông của người khác, nhất là khi họ không muốn chịu trách nhiệm cho những việc họ đã làm.

Hãy xem một sinh viên, khi đối mặt với việc mình không làm bài tập về nhà, sẽ than van và nói những câu kiểu như:

"Thầy không hiểu cuộc sống của em khó khăn như thế nào đâu. Em phải làm rất nhiều việc. Nên em rất khó thu xếp để làm bài tập về nhà. Em không may mắn như các bạn khác. Vì ba mẹ em không đủ sức cho em vào đại học được, nên em phải làm việc 30 tiếng một tuần để tự trả học phí. Khi đi làm về, bạn cùng phòng lại mở nhạc ầm ĩ cho đến tận khuya khiến em không thể tập trung học được. Em phải làm sao đây? Tha cho em đi Thầy ơi!"

Nguy biện viện đến lòng thương hại còn được dùng để biện hộ cho người mà kẻ thao túng cảm thấy đồng cảm, như trong câu

"Trước khi chỉ trích ngài thủ tướng, bạn hãy nhận ra rằng ông ấy có một công việc khó khăn nhất đất nước. Ông phải thức đến tận khuya, lúc nào cũng phải lo lắng về phúc lợi của chúng ta, lúc nào cũng gắng tìm cách hành động vì phúc lợi của tất cả chúng ta. Số phận (và gánh nặng) của đất nước đang đè nặng lên đôi vai ông. Làm sao ta lại đi phán xét một con người đáng thương đến thế được!"

Sử dụng cách này sẽ cho phép kẻ thao túng lái sự chú ý khỏi những những người vô tội bị thiệt hại bởi một quyết định hay chính sách của vị thủ tướng đó.