Bước tới nội dung

Những điều nên biết về Hàn Quốc/Cuộc sống/Ẩm thực

Tủ sách mở Wikibooks
ẨM THỰC HÀN QUỐC

Cơm vẫn là món ăn chủ yếu của đại đa số người Hàn Quốc nhưng trong số thế hệ trẻ ngày nay, có nhiều người thích ẩm thực kiểu phương Tây. Thông thường, cơm được ăn với nhiều loại món ăn kèm đa dạng, chủ yếu là ăn cùng với rau củ được tẩm gia vị, canh, súp, thịt v.v...

Ẩm thực truyền thống của Hàn Quốc phải có kimchi mới đầy đủ. Kimchi là món ăn trong đó các loại rau củ đa dạng như cải thảo, củ cải, dưa chuột... muối kết hợp với nhau. Có loại kimchi cay do trộn thêm ớt bột vào và cũng có loại muối mà không cho ớt bột hoặc làm kimchi nước để ăn. Thế nhưng dù là loại kimchi nào đi nữa thì cũng có tỏi để thêm hương vị.

Vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, các gia đình thường muối một lượng kimchi đủ ăn trong suốt mùa đông dài. Kimchi được muối như thế này được để trong vại lớn và chôn một phần trong đất để duy trì được nhiệt độ và vị ngon. Ngày nay, các bà nội trợ Hàn Quốc không có thời gian muối kimchi và trong nhà không đủ không gian để tích trữ lượng kimchi lớn, thế nhưng kimchi vẫn giữ một phần quan trọng trong cuộc sống của người Hàn Quốc. Những doanh nghiệp kinh doanh kimchi và tủ lạnh kimchi ngày nay gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh.

Cùng với kimchi, doenjang được biết đến có tác dụng chống ung thư nên được những học giả dinh dưỡng học ngày nay chú ý. Người Hàn Quốc làm doenjang qua quá trình luộc hạt đậu vàng ở nhà, phơi khô trong bóng mát, ngâm nước muối rồi để lên men ở chỗ có nắng. Thế nhưng thời nay chỉ có một số ít các gia đình làm doenjang với quá trình như trên. Phần lớn mọi người mua doenjang được sản xuất ở nhà máy.

Trong các món ăn từ thịt có món thịt tẩm gia vị nướng (chủ yếu là thịt bò) và sườn (thịt bò và thịt lợn) nhận được nhiều sự yêu chuộng nhất của người Hàn Quốc và người nước ngoài.

Ssal-bap (cơm): Gạo trắng là gạo người Hàn Quốc ăn nhiều nhất. Cơm vừa thổi xong ăn không cũng ngon nhưng khi ăn với các món ăn kèm, nó tôn thêm vị ngon của các món ăn đó.

Juk (cháo): Cháo là món ăn truyền thống lâu đời nhất tại Hàn Quốc. Người ta nấu ngũ cốc trong nước thật lâu để nấu cháo. Tùy theo nguyên liệu mà ta có nhiều loại cháo. Do cháo mềm, dễ ăn và nhiều chất dinh dưỡng nên là món ăn lý tưởng dành cho người bệnh. Cháo cũng là một món ăn tốt thay cho bữa sáng dành cho những con người hiện đại bận rộn.

Mì: Ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có những món mì tượng trưng cho đất nước đó như spaghetti của Ý, soba của Nhật, phở của Việt Nam. Hàn Quốc cũng có nhiều loại mì đa dạng, đặc biệt món kalguksu và mì lạnh naengmyeon rất nổi tiếng.

Súp (tang), canh (jjigae), lẩu (jeongol): Tang được nấu bằng cách cho nhiều nguyên liệu vào nồi nấu. Jjigae và jeongol cũng giống tang nhưng jjigae hơi ít nước dùng hơn tang, còn jeongol giống như món lẩu, nấu thịt và rau ăn ngay tại chỗ.

Banchan (các món ăn kèm): Ở Hàn Quốc có rất nhiều các món ăn kèm đa dạng. Cơm và canh thì được để trong bát riêng của từng người nhưng các món ăn kèm được để vào đĩa ở giữa bàn ăn để cùng ăn. Mỗi vùng lại có các loại rau và các nguyên liệu nấu nướng khác nhau nên số loại các món ăn kèm lên tới cả hàng trăm món.

Rượu truyền thống: Rượu truyền thống của Hàn Quốc được làm từ ngũ cốc lên men. Quá trình lên men quyết định mùi vị và hương của rượu nên là công đoạn quan trọng nhất trong toàn thể quá trình. Tùy theo địa phương sản sinh ra và khí hậu từng vùng mà số loại rượu truyền thống rất đa dạng. Người ta cho cả trái cây và thảo dược vào để thêm hương vị. Rượu truyền thống tiêu biểu nhất là makgeoli (rượu truyền thống làm bằng gạo), soju (rượu chưng cất nổi tiếng nhất Hàn Quốc), rượu trái cây v.v...

Món ăn các vùng: Hàn Quốc được bao bọc 3 mặt là biển và 70% lãnh thổ là vùng đồi núi. Các địa phương của Hàn Quốc có ranh giới là các dãy núi và sông. Mỗi vùng lại có điều kiện khí hậu và các sản vật tự nhiên cũng đa dạng. Nhờ tính đa dạng về mặt địa lý, khí hậu của từng địa phương mà văn hóa ẩm thực từng vùng mới phong phú được như vậy.

Tteok (bánh gạo): Thông thường, gạo được dùng như món chính nhưng người ta cũng làm thành tteok để ăn. Trong dịp lễ tết hoặc tiệc tùng, việc đặt tteok lên bàn ăn rất phổ biến. Tteok chủ yếu làm bằng bột gạo trắng và thêm ngải cứu, đậu, táo tàu, hạt dẻ… để tạo nên mùi vị độc đáo.

Tráng miệng: Khay trà và bánh kẹo truyền thống hangwa được gọi là dagwasang, được chủ yếu bày ra sau khi bữa ăn kết thúc. Dagwasang được dùng để tiếp khách nhưng cũng được dùng để ăn chơi. Các loại trà và hangwa đa dạng theo mùa. Vào mùa xuân, thu, đông, người ta bày những hangwa làm bằng hoa quả của từng mùa và trà nóng, còn mùa hè người ta dùng nước trái cây hoặc các loại trái cây tươi cùng với hangwa.

Xem thêm về cuộc sống người Hàn Quốc

[sửa]