Bước tới nội dung

Đế quốc Đại Minh/Chính quyền/Quân đội

Tủ sách mở Wikibooks

Tổ chức

[sửa]
Bức tranh Bình phiên đắc thắng đồ, thời Minh Thần Tông.

Charles Hucker cho rằng thành phần đơn lẻ lớn nhất cấu thành bộ máy nhân sự nhà nước của nhà Minh là lực lượng quân đội. Giữa thế kỷ 16, những ước tính sơ bộ cho thấy quân đội nhà Minh có tới 10 vạn sĩ quan và 4 triệu binh lính. So với những con số ước đoán trên, con số thực tế có thể chỉ bằng phân nửa. Quân nhân phục vụ trong các vệ sở (5.600 người), thiên hộ sở (1.120 người), và bách hộ sở (112 người). Số lượng vệ sở thay đổi theo thời gian, thường dao động quanh con số 300 trong phần lớn triều đại. Tại mỗi tỉnh thành, một Đô Chỉ huy sứ ty sẽ giám sát việc quản lý các vệ sở. Cuối cùng, hoạt động giám sát tất cả các đơn vị được phân chia cho năm Đô Đốc phủ có trụ sở đặt tại kinh đô – thành lập vào năm 1380 như một phần nỗ lực nhằm ngăn chặn bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có đủ quyền lực để âm mưu đảo chính.

Tiếp nối truyền thống của nhà Nguyên, nhà Minh sử dụng chế độ quân hộ cha truyền con nối để tổ chức phần lớn nhân lực phục vụ quân đội. Có trách nhiệm cung cấp một nam giới đảm bảo thể trạng nhập ngũ vào mọi thời điểm, quân hộ phải chịu sự giám sát sâu rộng của nhà nước. Quá trình triển khai, thăng chức, cách chức và hoạt động chiến đấu của mỗi binh lính kể từ khi gia đình họ trở thành một quân hộ đều được ghi chép thành những tập hồ sơ lưu trữ ở các bộ tại kinh đô và các cơ quan hành chính trực thuộc vệ sở địa phương do các sĩ quan chỉ huy đứng đầu. Những cơ quan hành chính quân sự này không chỉ chịu trách nhiệm triển khai, huấn luyện quân đội mà còn kiểm tra tình trạng thuế của binh lính, hỗ trợ tài chính cho những binh lính già yếu hoặc vợ góa, con côi của những binh lính đã tử trận, theo dõi việc sở hữu đất đai của quân nhân, xét xử tội hình sự và tương tác với người quản lý dân sự trong khu vực.

Như hầu hết các triều đại Trung Hoa, nhà Minh không sở hữu lực lượng quân đội chuyên nghiệp. Triều đình không trả lương cho sĩ quan mà ban phát đồn điền cho họ, binh lính cũng được cấp ruộng để trồng trọt, mỗi năm chỉ thao luyện một thời gian, khi có biến thì mới phải chiến đấu. Do đó, cuối triều đại, sau hơn hai trăm năm thái bình, năng lực chiến đấu của quân đội nhà Minh đã trở nên rất kém cỏi.

Vũ khí thuốc súng

[sửa]
Ngự lâm quân nhà Minh.
Tường thành cổ Bình Dao.

Nhà Minh là đế chế thuốc súng đầu tiên trong lịch sử. Trong những năm Hồng Vũ, quân đội nhà Minh có quân số từ 1,2 đến 1,8 triệu người với khoảng 10% trong số đó được trang bị súng ngắn. Năm 1450, 50% đơn vị đóng quân tại biên giới phía bắc sở hữu súng thần công. Năm 1466, một phần ba binh sĩ nhà Minh có thể đã được trang bị súng cầm tay. Thần Cơ doanh do Minh Thành Tổ thành lập là sư đoàn huấn luyện súng cầm tay đầu tiên trên thế giới. Áp dụng hữu hiệu súng cầm tay là một trong những nhân tố đem lại sự thành công vượt bậc cho các chiến dịch quân sự đầu triều đại.

Từ thế kỷ 15, công nghệ quốc phòng Trung Quốc bắt đầu trì trệ. Nguyên nhân là do quân nhân có địa vị xã hội thấp, quân đội không phải đương đầu với những kẻ thù đủ tinh vi để kích thích sự phát triển, và các hoàng đế theo đường lối Minh Thái Tổ thì ngờ vực sự cách tân vì cho rằng nó có thể làm suy yếu quyền lực nhà nước. Mặc dù ở châu Âu, thuốc súng đã tăng cường quyền kiểm soát của hoàng gia bằng cách giúp chính quyền phá hủy lâu đài của giới quý tộc, ở Trung Quốc, thuốc súng lại có xu hướng bổ trợ cho công sự phòng thủ; độ dày phi thường của các công sự đất nện có thể chống lại hỏa lực từ súng thần công theo cái cách mà những bức tường đá dựng đứng ở phương Tây không thể làm được.

Cuối thời nhà Minh, có nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề súng cầm tay. Nhìn chung, người ta nhất trí rằng nên tăng số lượng súng cầm tay ở bất cứ nơi nào khả dĩ. Năm 1530, một đề xuất đã được đệ trình về việc nên thay thế các lực lượng đồn trú bằng những khẩu súng thần công nhỏ, mỗi khẩu do ba người điều khiển, qua đó giải phóng 90% quân lực để dành cho các hoạt động nông nghiệp. Trong những giai đoạn tiếp theo, pháo truyền thống Trung Quốc bắt đầu được thay thế bằng pháo phương Tây. Các loại súng hỏa mai tiên tiến du nhập vào Tây Bắc Trung Quốc từ Đế quốc Ottoman thông qua người Thỗ Lổ Phiên, và phổ biến rộng khắp đất nước vào những năm 1540 nhờ cướp biển Nhật Bản. Triều đình nhà Minh từng phong chức quan cho bốn nhà bác học phương Tây ở Ma Cao để họ giúp chế tạo súng ống. Hồng Di pháo, một loại súng thần công có xuất sứ từ Hà Lan, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến giữa nhà Minh với người Mãn Châu.