Bước tới nội dung

Đế quốc Đại Minh/Chính quyền/Thể chế và bộ máy quan chức

Tủ sách mở Wikibooks

Xu hướng thể chế

[sửa]
Tử Cấm Thành, nơi ở chính thức của hoàng tộc nhà Minh và nhà Thanh từ năm 1420 cho đến năm 1924, khi Trung Hoa Dân quốc đuổi Phổ Nghi khỏi Nội đình.

Trên cơ sở một hệ thống hành chính trung ương chính thường gọi là Tam tỉnh lục bộ, được thiết lập bởi nhiều triều đại khác nhau từ cuối thời nhà Hán (202 TCN–220 CN), chính quyền nhà Minh chỉ giữ lại một “tỉnh” duy nhất là Trung thư tỉnh có nhiệm vụ kiểm soát sáu bộ. Sau khi Tể tướng Hồ Duy Dung bị hành quyết vào năm 1380, Minh Thái Tổ bãi bỏ Trung thư tỉnh, Đô sát viện, Đô đốc phủ, đích thân phụ trách Lục bộ và Ngũ quân phủ. Do đó, gần như toàn bộ cấp quản lý trung gian đều đã bị Minh Thái Tổ xóa bỏ và chỉ được xây dựng lại một phần bởi những hoàng đế tiếp theo. Ban đầu, Nội các được thành lập, đóng vai trò như một ban thư ký hỗ trợ hoàng đế về các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính, nhưng không có sự góp mặt của thừa tướng, hoặc tể tướng.

Năm 1391, Hoàng thái tử Chu Tiêu được Minh Thái Tổ bổ nhiệm chức tuần phủ, tới Thiểm Tây để “tuần tra và phủ dụ" dân chúng. Năm 1421, Minh Thành Tổ ủy nhiệm 26 quan chức đi khắp đất nước, duy trì các nhiệm vụ thẩm tra và khâm sai tương tự. Năm 1430, tuần phủ trở thành một chức quan chính thức. Đô sát viện được tái thiết, điều hành bởi các giám sát ngự sử, sau này là các đô ngự sử. Đến năm 1453, tuần phủ đảm nhận chức phó đô ngự sử hoặc hữu đô ngự sử, có quyền gặp mặt trực tiếp hoàng đế. Cũng như các triều đại trước, chính quyền cấp tỉnh được giám sát bởi một viên thanh tra tạm thời đến từ Đô sát viện. Ngự sử có thể luận tội quan chức bất cứ lúc nào, không giống như quan chức cấp cao chỉ làm điều này với cấp dưới trong các cuộc đánh giá ba năm một lần.

Mặc dù việc phân cấp quyền lực nhà nước trong phạm vi tỉnh đã có từ đầu thời nhà Minh, nhưng xu hướng các quan chức trung ương được ủy nhiệm về các tỉnh với vai trò “tổng đốc ảo” vẫn bắt đầu diễn ra vào những năm 1420. Cuối thời nhà Minh, có những quan chức dân sự trung ương được kiêm nhiệm chức tổng đốc ở hai hoặc nhiều tỉnh. Điều này tạo ra một hệ thống mà ở đó, quyền lực và sức ảnh hưởng của quân đội bị kiểm soát bởi lực lượng dân sự.

Nội các và Lục bộ

[sửa]
Bức chân dung Giang Thuấn Phu, một quan chức dưới thời Hoằng Trị Đế, hiện nằm ở Bảo tàng Nam Kinh. Bổ tử hình hai con hạc trên ngực áo là một "cấp hiệu" cho biết ông là một viên quan nhất phẩm.
Những bức tượng nhỏ được lấy từ lăng mộ ở Thượng Hải của một viên quan nhà Minh sống vào khoảng thể kỷ 16

Các thể chế chính phủ ở Trung Quốc tuân theo một mô hình tương tự nhau trong khoảng 2.000 năm, nhưng cứ mỗi triều đại lại có những văn phòng và cơ quan đặc biệt, phản ảnh các vấn đề đặc thù mà nó quan tâm. Chính quyền nhà Minh sử dụng Nội các để hỗ trợ hoàng đế. Thời Minh Thành Tổ, Nội các làm nhiệm vụ xử lý thủ tục giấy tờ. Thời Minh Nhân Tông (1424-1425), Nội các là cơ quan hàng đầu, có vai trò như thái sư, một chức vị dân sự cấp cao nhưng không nắm thực quyền. Nội các thu nhận thành viên từ Hàn lâm viện và được coi như một phần quyền lực của hoàng đế, chứ không phải của đại thần (do đó, đôi khi nó có mâu thuẫn với cả hoàng đế và các đại thần). Nội các hoạt động như một cơ quan điều phối, trong khi Lục bộ–Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ–mới là những cơ quan hành chính trực tiếp của nhà nước:

  1. Lại bộ phụ trách việc bổ nhiệm, xếp hạng khen thưởng, thăng chức và cách chức quan lại, cũng như phong tặng danh hiệu.
  2. Hộ bộ phụ trách việc thu thập dữ liệu dân số, thu thuế và xử lý các khoản thu của nhà nước. Có hai văn phòng tiền tệ trực thuộc Hộ bộ.
  3. Lễ bộ phụ trách nghi thức nhà nước, nghi lễ và lễ tế. Ngoài ra, Lễ bộ còn giám sát việc đăng ký chức tư tế Phật giáo và Đạo giáo trong triều đình, tiếp nhận sứ thần từ các quốc gia triều cống.
  4. Binh bộ phụ trách việc bổ nhiệm, thăng chức và cách chức sĩ quan quân đội, bảo trì cơ sở quân sự, thiết bị, vũ khí và hệ thống chuyển phát nhanh.
  5. Hình bộ phụ trách các quá trình tư pháp và hình sự, nhưng không có vai trò giám sát đối với Đô sát viện và Đại lý tự.
  6. Công bộ phụ trách các dự án xây dựng của chính phủ; thuê nghệ nhân, lao động phục vụ tạm thời; sản xuất thiết bị cho chính phủ; bảo trì đường sá, kênh rạch; tiêu chuẩn hóa khối lượng và đơn vị đo lường; tích lũy nguồn lực từ nông thôn.

Ty và cục phục vụ hoàng gia

[sửa]
Tiền đồng thời nhà Minh, từ thế kỷ 14 đến 17

Công việc phục vụ hoàng gia hầu như được biên chế cho hoạn quan và cung nữ với các cục riêng của họ. Nữ quan được tổ chức thành Thượng cung cục, Thượng nghi cục, Thượng phục cục, Thượng thực cục, Thượng tẩm cục, Thượng công cục và Cung chính ty. Từ những năm 1420, hoạn quan bắt đầu thay thế cung nữ, tiếp quản công việc ở các cục kể trên, cho đến khi chỉ còn lại Thượng phục cục và bốn ty trực thuộc. Ban đầu, Minh Thái Tổ chỉ thành lập Nội xử giám dành riêng cho hoạn quan. Tuy nhiên khi quyền lực của các hoạn quan ngày một gia tăng, số cơ quan hành chính của họ cũng nhiều lên. Cuối cùng, hoạn quan có 12 giám, 4 ty và 8 cục. Triều đình tuyển dụng hàng nghìn hoạn quan làm việc dưới sự quản lý của Nội xử giám. Họ lại được phân chia thành nhiều giám khác nhau, có nhiệm vụ giám sát nhân viên, nghi lễ, thực phẩm, đồ dùng, tài liệu, chuồng ngựa, con dấu, may mặc,... Bốn ty phụ trách nhiên liệu, nhã nhạc, giấy và bồn tắm. Tám cục phụ trách vũ khí, đồ bạc, đồ đồng, giặt là, mũ nón, xưởng dệt, xưởng rượu, vườn tược. Một số hoạn quan có ảnh hưởng nhất ở Nội xử giám đã trở thành những nhà độc tài thực tế của đế quốc.

Mặc dù nhân viên phục vụ hoàng gia hầu hết là cung nữ và hoạn quan, vẫn có một văn phòng dân sự gọi là Thượng bảo ty, hợp tác với các cơ quan hoạn quan trong việc duy trì con dấu, bản sao và tem bưu chính hoàng gia. Ngoài ra còn có thêm các văn phòng công vụ giám sát công việc của các vương gia.