Sơ cứu/Trách nhiệm pháp lý
Người Samaria nhân hậu
[sửa]Thuật ngữ luật người Samaria nhân hậu (Good Samaritan) dùng để chỉ một người nào đó sẵn sàng cứu giúp một kẻ khác đang bị thương hoặc có nguy cơ bị thương chỉ vì thiện chí và không hề tính toán đến chuyện được đền đáp hay bất cứ một phần thưởng nào khác. Thuật ngữ này bắt nguồn từ dụ ngôn Người Samaria nhân hậu trong sách Tin Mừng theo Thánh Luca:
“ |
Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Chúa Giê-xu rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn mà kính mến Chúa là Thiên Chúa ngươi; và yêu người lân cận như mình. Chúa Giê-xu phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống. Song thầy ấy muốn xưng mình là công bình, nên thưa cùng Chúa Giê-xu rằng: Ai là người lân cận tôi? Chúa Giê-xu lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Jerusalem xuống thành Jericho, lâm vào tay kẻ cướp, nó trấn lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để ngươi đó nửa sống nửa chết. Vả, một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Levite cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Samaria đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả công. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là người lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy. |
” |
Luật Người Samaria nhân hậu
[sửa]Luật Người Samaria nhân hậu (Good Samaritan laws) là luật giảm thiểu trách nhiệm pháp lý của những ai giúp đỡ người bị thương hoặc bị bệnh, tuy không giúp tránh khỏi bị kiện, nhưng sẽ giúp giảm trách nhiệm của sơ cứu viên một cách đáng kể. Luật này được soạn ra nhằm giúp những người xung quanh bớt do dự trong việc giúp đỡ nạn nhân hơn (vì sợ bị kiện, sợ gây ra thương tổn hoặc cái chết một cách không cố ý).
Tại Pháp và Đức, luật này buộc tội bất cứ ai thấy người gặp nạn mà không cứu giúp, từ những người gây ra tai nạn (ví dụ tài xế), đến thân nhân nạn nhân (bố mẹ, anh em trước những nguy hiểm của người thân trong nhà) đến cả những người đi qua đường.
Tại Úc, luật này miễn truy tố những thiệt hại (nếu có) do người có thiện chí cứu giúp người khác gây ra và không kết tội những người ai thấy mà không cứu giúp (trừ đối với những kẻ gây ra tai nạn).
Tại Mỹ và Canada, luật này khác nhau ở từng bang/tính.
Hãy kiểm tra các quy định của luật này trong vùng bạn đang ở. Nhìn chung, luật Người Samaria nhân hậu không bảo vệ sơ cứu viên nếu sơ cứu viên thực hiện vượt quá trình độ đào tạo của mình, hoặc nếu sơ cứu viên gây ra bất cẩn nghiêm trọng (gross negligence).
Hướng dẫn chung
[sửa]- Nếu sơ cứu viên có quan hệ bố, mẹ - con cái hoặc bác sĩ - bệnh nhân với người bị nạn từ trước (trước khi xuất hiện tình trạng bệnh/thương tổn) hoặc là người gây ra bệnh/thương tổn đó hoặc luật Người Samaria nhân hậu bắt sơ cứu viên phải làm như thế (như ở Pháp và Đức), thì sơ cứu viên bị bắt buộc phải hỗ trợ cho nạn nhân (hỗ trợ ở đây có thể dưới dạng đơn giản như gọi điện thoại cấp cứu). Còn nếu không, sơ cứu viên không cần phải làm gì cả.
- Sơ cứu viên không được tính đến chuyện đền đáp về tài chính hay được bất cứ phần thưởng nào khác. Do đó, những người hành nghề y chuyên nghiệp thường không được bảo vệ bởi luật Người Samaria nhân hậu khi thực hiện sơ cứu có quan hệ đến nghề nghiệp của mình.
- Nếu đã thực hiện, sơ cứu viên không được rời khỏi đó trừ khi:
- Cần gọi hỗ trợ y tế.
- Ai đó khác có khả năng tương đương hoặc cao hơn đến thế.
- Không an toàn nếu tiếp tục sơ cứu (như thiếu các thiết bị phòng hộ những bệnh mà nạn nhân có thể có, ví dụ như thiếu găng tay vinyl/latex/nitrile để phòng các mầm bệnh có trong máu) — sơ cứu viên không bao giờ bị bắt buộc phải mạo hiểm an toàn của mình để chữa trị cho người khác.
- Sơ cứu viên sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho việc tử vong, biến dạng hoặc tàn tật của nạn nhân miễn là đã tiến hành sơ cứu có lý (rationally), với ý tốt và phù hợp với trình độ đào tạo của mình.
Bất cẩn
[sửa]Ba yếu tố sau sẽ cấu thành bất cẩn (negligence):
- Tốn tại trách nhiệm chăm sóc (duty of care)
- Sơ cứu viên có trách nhiệm chăm sóc cho nạn nhân.
- Thông thường, nếu sơ cứu viên tiến hành sơ cứu thì trách nhiệm chăm sóc được hình thành.
- Tiêu chuẩn chăm sóc (standard of care) không được đáp ứng
- Sơ cứu viên không tiến hành sơ cứu đúng, hoặc tiến hành vượt quá trình độ của mình.
- Tiêu chuẩn chăm sóc là cái mà một người với trình độ tương đương với sơ cứu viên có thể làm trong tình huống tương tự.
- Nhân quả (causation)
- Thiệt hại tạo ra là do lỗi của sơ cứu viên
- Nhân quả cần chứng cứ chứng minh hành động của sơ cứu viên gây ra thiệt hại.
Hỗ trợ cho thuốc khác với cho thuốc
[sửa]Hỗ trợ cho thuốc có thể là một phần quan trọng trong cấp cứu y tế, bao gồm các việc như giúp nạn nhân lấy thuốc, mở nắp hộp thuốc, hoặc đọc nhãn thuốc cho nạn nhân. Việc hỗ trợ giúp nạn nhân lấy thuốc nhanh hơn, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, hỗ trợ cho thuốc không bao hàm việc thực sự cho thuốc (kê đơn, cấp thuốc). Cấp thuốc là một kĩ năng nâng cao mà nếu thực hiện có thể rơi vào trường hợp tiến hành vượt quá trình độ đào tạo.
Trở về mục lục
Chương hai: Một số vấn đề
Sự đồng thuận — Phòng hộ — Trách nhiệm pháp lý — Căng thẳng sau sự cố nghiêm trọng — Lạm dụng