Sách Tam đại/Nhà Chu

Tủ sách mở Wikibooks

Nhà Chu (tiếng Trung: 周朝; Hán-Việt: Chu triều; bính âm: Zhōu Cháo; Wade–Giles: Chou Ch'ao [tʂóʊ tʂʰɑ̌ʊ]) là triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Quốc, triều đại này nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần ở Trung Quốc.

Nhà Chu tồn tại lâu hơn bất cứ một triều đại nào khác trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài khoảng 800 năm. Việc sử dụng đồ sắt cũng đã xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ này. Nhà Chu cũng là khoảng thời gian khi hệ thống chữ viết cổ xuất hiện trên các đỉnh đồng thời Tây Chu bắt đầu chuyển sang giai đoạn hiện đại, dưới hình thức những văn bản ghi chép cổ cuối thời Chiến Quốc. Đây là thời nở rộ các tư tưởng, thời tư duy văn hóa về "Trung Quốc" và "Tứ di" cũng được hình thành.

Tên gọi nước "Chu" (周)[a] có lẽ được vua Vũ Ất (trị. 1147 – 1112 TCN) của nhà Thương ban cho. Người nước Chu vốn thông thạo ngành nông nghiệp, nên chữ Chu trong Giáp cốt văn được viết thành chữ điền (田), có nghĩa là ruộng, bên trong được gieo hạt đầy đủ (周). Trong Kim văn, chữ Chu lại được viết theo kiểu thượng điền hạ khẩu (周), tức phía trên chữ điền, phía dưới chữ khẩu (口), có nghĩa là miệng. Do vậy Chu ban đầu được dùng để chỉ tới một vùng đất có nền nông nghiệp phát triển.[1]