Sách Tam đại/Nhà Chu/Lịch sử hình thành Nhà Chu

Tủ sách mở Wikibooks
Chân dung thủy tổ Chu tộc Hậu Tắc, người được tôn làm thần của nghề nông.

Chu là một bộ lạc sinh sống tại cao nguyên Hoàng Thổ vùng Thiểm Bắc vào thời nhà Thương. Theo truyền thuyết, thủy tổ nhà Chu khởi nghiệp từ đất Thai (nay thuộc tây Vũ Công, Thiểm Tây),[2] tương truyền có tên là Khí, còn gọi là Hậu Tắc. Cơ Khí là con Đế Khốc, mẹ là con gái họ Hữu Thai tên là Khương Nguyên, vợ cả Đế Khốc. Cơ Khí sống vào đời vua Thuấn, được ban cho họ Cơ, tính đến đời Chu Văn Vương thì có tổng cộng 15 đời thủ lĩnh. Chu tộc vốn thường xuyên bị Nhung Địch quấy nhiễu mà phải di cư tới vùng đất khác.[3] Vào giữa thời nhà Hạ, Công Lưu (k. thế kỷ 21 TCN) dẫn dắt Chu tộc dời đến đất Bân (hoặc Mân) — nay thuộc vùng Tây Nam huyện Tuần Ấp tỉnh Thiểm Tây, thành lập thành trị và phát triển nông nghiệp. Đến đời Công Đản Phủ, vì bị các bộ tộc Khuyển Nhung tấn công thường xuyên, nên ông đã quyết định đưa bộ lạc của mình rời đất Mân để đến Chu Nguyên bên bờ sông Vị (nay là Kỳ Sơn, Thiểm Tây) vào khoảng triều đại vua Vũ Ất nhà Thương. Chu Nguyên sở hữu điều kiện tuyệt vời cho nông nghiệp, qua đó giúp nước Chu phát triển ổn định. Dưới triều vua Vũ Đinh (trước Vũ Ất khoảng 80 năm), giữa nước Chu và nhà Thương xảy ra chiến sự, và kết quả là nước Chu đã trở thành phiên thuộc của nhà Thương. Sau cái chết của Công Đản Phủ, con út Quý Lịch kế vị, người con cả là Thái Bá và con thứ hai là Trọng Ung vì thế đã rời Chu để đến vùng Thái Hồ khai khẩn rồi dựng nên nước Ngô.[4][2]

Sự trỗi dậy của nước Chu khởi đầu từ thời Quý Lịch (k. thế kỷ 12 TCN). Ông thiết lập quan hệ hữu hảo với nước Ngô do Thái Bá và Trọng Ung sáng lập, đồng thời có công khai khẩn vùng Tấn Nam (này là khu vực tỉnh Sơn Tây). Quý Lịch kết hôn cùng Thái Nhâm là con gái nước Chí, qua đó giành được sự ủng hộ của hai phiên thuộc nhà Thương là nước Chí (nay là Bình Dư, Hà Nam) và nước Trù (nay là đông nam Lỗ Sơn, Hà Nam). Thừa dịp quốc lực nhà Thương suy yếu, Quý Lịch xua quân thảo phạt người Di Địch, kẻ thù nhà Thương, nhân đó phát triển lãnh thổ về vùng Thiểm Nam và Tấn Nam. Nhiều lần hỗ trợ nhà Thương đánh bại Nhung Địch, Quý Lịch được Thương vương Thái Đinh phong làm "Mục sư". Tuy nhiên, do lo sợ nước Chu phát triển quá mạnh mẽ, Thái Đinh đã hạ sát vị thủ lĩnh Chu tộc.[5][6] Sau khi Cơ Xương, trưởng tử của Quý Lích, lên ngôi kế vị, Thương vương Đế Ất vì muốn trấn an vị thủ lĩnh mới của Chu tộc nên đã đem em gái của mình gả cho Cơ Xương.[4]

Nhà Chu đoạt thiên mệnh[sửa]

Vị tân thùy điếu đồ, miêu tả cảnh Chu Văn Vương gặp Khương Tử Nha bên sông Vị Vào thời sơ kỳ triều đại vua Đế Tân (tức Trụ Vương), Cửu hầu (còn gọi là Quỷ hầu), Vu hầu (còn gọi là Ngạc hầu) và Chu hầu (tức Cơ Xương, về sau được phong làm Tây bá) giữ chức là Tam công. Cửu hầu và Vu hầu bởi vì không được lòng Trụ Vương nên bị giết, Chu hầu Xương cũng vì liên quan nên bị tù đày ở ngục Dữu Lý. Chu hầu Xương về sau được bầy tôi dâng mỹ nữ, vật lạ cho Trụ Vương mới được thả về. Sau khi quay trở về, Cơ Xương được Đế Tân ban cho quyền lực chinh phạt phương tây, trở thành Tây bá Xương. Tây bá Xương sau khi trở về nước liền ra sức đoàn kết giới quý tộc cùng người trong nước, chiêu hiền đãi sĩ và ban hành các đạo luật để kiểm soát nô lệ.[4]

Nhằm hạn chế xung đột trực tiếp với triều đình nhà Thương, Cơ Xương chủ trương đoàn kết giữa các nước chư hầu, tiêu diệt người Nhung ở phía tây cùng các nước thân với triều đình, hoàn thành chính sách cô lập nhà Thương. Tây bá Xương trước tiên giải quyết tranh chấp giữa hai nước ở vùng Tấn Nam là Ngu và Nhuế, duy trì tuyến đường phía đông dẫn tới Trung Nguyên. Cơ Xương đánh bại Khuyển Nhung, phản kích cuộc tấn công của nước Mật Tu (nay là Linh Đài, Cam Túc) và thốn tính nước này để củng cố phía tây. Về phía đông, Cơ Xương xuất binh tiêu diệt nước Lê (黎, còn gọi là Kỳ 耆, nay là Lê Thành, Sơn Tây), Hàn (邗, còn gọi là Vu 于, nay là Thấm Dương, Hà Nam) cùng các tiểu quốc khác, qua đó củng cố khu vực Tấn Nam. Tiếp đó, Tây bá Xương khởi binh diệt nước Sùng (khu vực Vị Thủy, Hoàng Hà), phiên thuộc lớn nhất của nhà Thương, rồi dời đô đến Phong Ấp (nay là Tây An, Thiểm Tây).[7]

Năm 1059 TCN, trong một sự kiện thiên văn hiếm gặp, cả sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc lẫn sao Thổ giao hội trên bầu trời vùng Tây Bắc Trung Quốc. Người nước Chu xem đây là một điềm lành, cho rằng Cơ Xương đã đoạt được thiên mệnh.[8] Vào thời điểm này, nước Chu "ba phần thiên hạ có hai phần",[9] chuẩn bị đại hội chư hầu tiến công kinh đô nhà Thương, Cơ Xương có lẽ đã xưng vương cùng năm đó, tức Chu Văn Vương. Tuy nhiên, Văn Vương đột ngột qua đời chỉ một năm sau khi nước Chu dời đô, con thứ hai là Cơ Phát lên nối ngôi, tức Chu Vũ Vương.[4][7]


Vũ Vương phạt Trụ[sửa]

Bài chi tiết: Trận Mục Dã Với chiến thắng tại trận Mục Dã, Chu Vũ Vương đã đánh bại Trụ Vương lên ngôi Thiên tử. Với chiến thắng tại trận Mục Dã, Chu Vũ Vương đã đánh bại Trụ Vương lên ngôi Thiên tử. Chu Vũ Vương tiếp nối sự nghiệp đang còn dang dở của Văn Vương, ông bái Lã Vọng (tức Khương Tử Nha) làm thầy, lại dùng Chu công Đán, Triệu công Thích, Tất công Cao, Vinh bá làm tả hữu. Lúc bấy giờ triều đình nhà Thương đang rơi vào tình thế hỗn loạn, Đế Tân giết Tỷ Can, bỏ tù Cơ Tử, anh trai của Đế Tân là Vi Tử cũng hết sức can gián nhưng không được. Triều đình nhà Thương về mặt quân sự tuy tương đối thành công, nhưng cuộc chiến với nước Hoài của người Đông Di tiêu tốn quá nhiều quốc lực, tạo điều kiện cho nước Chu có cơ hội xuất binh diệt Thương.

Năm 1046 TCN, Chu Vũ Vương dấy binh chống lại nhà Thương, tôn Lã Vọng làm thái sư, xuất binh Đồng Quan, cùng các chư hầu Tây Di (nay là các vùng thuộc Cam Túc, Tứ Xuyên và Hồ Bắc) hội binh tại Minh Tân (phía tây nam Mạnh Huyện, Hà Nam ngày nay). Chu Vũ Vương thừa dịp quân chủ lực nhà Thương còn đang tác chiến ở Đông Di đã hạ lệnh liên quân đông chinh tập kích thủ đô nhà Thương là Triều Ca (nay là Kỳ huyện, Hà Nam). Vào ngày Giáp Tử năm sau đó, quân Chu tập kích quân Thương đang đóng ở Mục Dã (nay là Tân Hương, Hà Nam).[10] Đế Tân phải đối mặt với một cuộc tập kích bất ngờ từ quân Chu, chỉ có thể huy động nô lệ cấu thành một đội quân tạm bợ để nghênh chiến. Mặc dù hai tướng nhà Thương là Phi Liêm và Ác Lai ra sức kháng cự, song vẫn bị quân Chu đánh bại. Sau đó, khi Vũ Vương tấn công kinh đô Triều Ca, Đế Tân không còn đường nào khác, buộc phải lên Lộc Đài tự thiêu mà chết. Nhà Thương diệt vong, nhà Chu thành lập. Tiếp đó, Chu Vũ Vương hạ lệnh cho Lã Vọng cùng bốn lộ binh mã truy quét những tàn dư còn lại của Thương triều tại miền đông và miền nam, hoàn tất đại nghiệp chinh phục nhà Thương cùng các nước phiên thuộc của nó.[4][11]

Chu Vũ Vương sau khi diệt Thương đã cử hành buổi lễ chiến thắng tại Mục Dã và một buổi lễ tế thần đất tại Triều Ca để xoa dịu và hàng phục giới quý tộc Ân Thương. Để hợp pháp hoá công cuộc lật đổ nhà Thương cũng như để trấn an di dân[b] cùng các nước phiên thuộc của nó, Chu Vũ Vương đã sử dụng khái niệm "Thiên mệnh". Vũ Vương thành lập ở phía đông sông Phong (沣水) một kinh đô mới có tên là Cảo Kinh (còn gọi là Tông Chu, thuộc Tây An, Thiểm Tây ngày nay).[12] Ông quyết định xây dựng thêm Đông đô ở Lạc Ấp (còn gọi là Thành Chu, nay là Lạc Dương, Hà Nam), kỳ vọng trở thành thủ phủ chính trị, quân sự của khu vực Quan Đông.[13] Để khống chế khu vực Quan Đông, nhà Chu đã thiết lập chế độ phong kiến, phong đất cho nhiều tông thất công thần ở phía đông làm phên dậu cho vua Chu. Phong Thái công Vọng đất Lữ (nay là Nam Dương, Hà Nam), Chu công Đán đất Lỗ (nay là Lỗ Sơn, Hà Nam), Triệu công Thích đất Yển (nay là Yển Thành, Hà Nam). Ba nước Lữ, Lỗ, Yển có vai trò bảo vệ Lạc Ấp. Lại phong Quản Thúc Tiên được phong đất Quản (nay là Quản Thành, Hà Nam), Sái Thúc Độ đất Sái (nay là Thượng Thái, Hà Nam), Hoắc Thúc Xử đất Hoắc (có thể là Lâm Nhữ, Hà Nam ngày nay) làm Tam giám, nhằm kiểm soát các chư hầu phía Đông.[14][15]

Chu Vũ Vương biết lòng người còn nhớ nhà Ân, nên không làm tuyệt hương hỏa. Ông phong cho con Đế Ất là Vũ Canh tiếp tục cai trị đất Ân. Do các vùng xung quanh đất Ân còn chưa hoàn toàn thần phục nhà Chu, nên Chu Vũ Vương chia làm ba khu vực: phía bắc Triều Ca đến đất Bội do Hoắc Thúc Xử quản lý; phía đông Triều Ca là đất Vệ, do Quản Thúc Tiên quản lý; phía tây Triều Ca là đất Dung, do người em khác là Sái Thúc Độ quản lý. Vũ Vương cũng phục vị cho Vi Tử, phong cho đất Vi (nay là Vi Sơn, Sơn Đông).[16] Các công thần khác cũng được phân đất phong hầu, như Đàn Bá Đạt được phong đất Hà Nội, tư khấu Tô Phẫn Sinh được phong đất Ôn (cộng thêm 22 ấp, nay là bờ bắc sông Hoàng Hà phong tước cho các hậu duệ triều đại trước, nhằm vỗ về trấn an các quý tộc ngoại tộc hùng mạnh.[17] Chu Vũ Vương đã cố gắng ổn định vùng Quan Đông, nhưng vùng Ân Thương vẫn tồn tại nhiều bất ổn. Khoảng năm 1043 TCN, Chu Vũ Vương qua đời không lâu sau khi tiêu diệt nhà Ân, ấu tử Cơ Tụng lên nối ngôi kế vị, trở thành Chu Thành vương.[11]

Triều đại của Thành Vương và Khang Vương[sửa]

Chu công Đán, người thiết lập chế độ Lễ Nhạc và hoàn thiện chế độ phong kiến

Chu công Đán, người thiết lập chế độ Lễ Nhạc và hoàn thiện chế độ phong kiến Lúc bấy giờ, Chu Thành Vương (trị. 1042 – 1021 TCN) vẫn còn chưa trưởng thành nên người nắm giữ đại quyền là quan Đại tể Chu công Đán, chú của vua. Tuy nhiên, việc Chu công Đán nắm quyền không được các anh em trai là Thiệu công Thích, Quản Thúc Tiên và Sái Thúc Độ ủng hộ, do họ nghi ngờ ông có ý soán lập.[18] Về phần Vũ Canh, vì người này muốn phục quốc nên đã liên thủ với Quản Thúc Tiên và Sái Thúc Độ, đồng thời hiệu triệu các nước chư hầu phía đông như nước Yêm (奄, nay là Khúc Phụ, Sơn Đông), Bồ Cô (薄姑, nay là Bác Hưng, Sơn Đông), Từ (徐, nay là đông nam Đằng Huyền, Sơn Đông), Hùng Doanh (熊盈, họ Doanh, tộc Hoài Di), cùng các nước Đông Di, Hoài Di khác phát động chiến tranh phản Chu, sử gọi là Loạn Tam giám.[16] Chu công Đán với sự ủng hộ từ Thiệu công Thích đã tốn 3 năm để bình loạn: năm thứ nhất và năm thứ hai bình định Tam giám cùng Vũ Canh, năm thứ ba tiến hành chinh phạt các nước phiên thuộc ở phía đông. Chu Thành Vương còn đích thân xuất chinh cùng Chu công tiêu diệt nước Yêm. Chiến tranh kết thúc khi Chu công tiêu diệt các nước lớn như Bồ Cô và Phong Bá (có lẽ là nước Bàng 逄). Trong cuộc chiến lần này, Chu công đã giết Vũ Canh và Quản Thúc Tiên, đày ải Sái Thúc Độ, phế Hoắc Thúc Xử xuống làm thứ dân, tiêu diệt các nước Đông Di lớn như Yêm hay Bồ Cô và khiến nước Từ phải dời về khu vực mà ngày nay là Tứ Hồng, Giang Tô. Quyền lực nhà Chu cuối cùng đã được ổn định trở lại, cương vực mở rộng từ Trung Nguyên về phía đông và đông bắc.[19][20]

Để ổn định tôn thất nhà Chu và củng cố sự kiểm soát đối với vùng đất phía Đông, Chu công Đán đã phân đất phong hầu cho tôn thất các công hầu, xây dựng Lạc Ấp, thiết lập chế độ Lễ Nhạc, hoàn thiện chế độ phong kiến. Sau loạn Tam Giám, Chu công Đán cải phong cho Vi Tử Khải về đất Ân cũ, gọi là nước Tống, để trấn an lòng người vì một bộ phận dân chúng vẫn còn lưu luyến triều đình cũ. Các quý tộc Ân Thương hùng mạnh cùng những người đã từng tham gia cuộc phản loạn đều bị buộc phải chuyển đến Lạc Ấp. Hoàn tất nguyện vọng của Chu Vũ Vương, Lạc Ấp (còn gọi là Thành Chu, nay là Lạc Dương, Hà Nam) trở thành trung tâm chính trị và quân sự của phía đông. Về mặt quân sự, nhà Chu thiếp lập bát sư ở Lạc Ấp để chinh phạt Đông Di, Hoài Di cùng Nam Man, còn tại Cảo Kinh thì có lục sư bảo vệ Tông Chu (chỉ khu vực kinh đô).[19]

Triều đình nhà Chu phân đất phong hầu cho tông thất công hầu ở phía đông là để có thể kiểm soát về mặt chiến lược, kinh tế cũng như các tuyến đường giao thông quan trọng: Trưởng tử của Chu công Đán là Bá Cầm được phong đất Yêm, Từ cũ, gọi là nước Lỗ, đóng đô ở Khúc Phụ (nay là Khúc Phụ, Sơn Đông); Thái công Vọng Lã Thượng được phong đất Bồ Cô cũ lập ra nước Tề, định đô ở Doanh Khâu (nay là Xương Nhạc, Sơn Đông); phong cho trưởng tử của Thiệu công Thích là Khắc đất Yên xa xôi ở đông bắc, đóng đô ở Kế Thành (nay là Bắc Kinh); phong cho em trai Thành Vương là Thúc Ngu làm vua chư hầu nước Đường (sau đổi tên thành nước Tấn), định đô ở Đường (nay là Lâm Phần, Sơn Tây); cải phong em trai Thành Vương là Khang thúc Phong đất Ân Khư, lập nên nước Vệ, đóng đô ở Triều Ca. Vua chư hầu năm nước này đều có quan hệ thân thích, mật thiết với Chu Thành Vương, có nhiệm vụ trấn áp dân chúng Ân Thương, Đông Di. Trong đó, Tề, Lỗ, Yên là ba nước cấu thành phòng tuyến thứ nhất của nhà Chu ở phía đông, trong khi Vệ kiểm soát cố đô nhà Ân là Triều Ca. Ngoài ra, một số tôn thất nhà Chu khác như con của Sái thúc Độ là Trọng Hồ, vì được coi là người hiền đức nên vẫn được giữ đất Sái (nay là Thượng Thái, Hà Nam), con trai Hoắc Thúc Xử vẫn được giữ đất phong ở Hoắc (nay là Hoắc Châu, Sơn Tây). Việc huy động thực dân vũ trang còn tồn tại đến những năm cuối thời nhà Tây Chu.[19][21]

Sau khi Chu Thành Vương tự mình nắm quyền chấp chính, nhà Chu vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc chinh phạt ra bên ngoài, chẳng hạn như ra lệnh cho quan Thái bảo đem binh đi đánh nước Lục (錄). Thành Vương qua đời, thái tử Chiêu lên nối ngôi, tức Chu Khang Vương (trị. 1020 – 996 TCN). Trước lúc lâm chung, Thành Vương có cho triệu Thiệu công Thích cùng Tất công Cao đến, dặn giúp đỡ thái tử. Dưới sự phụ chính từ hai người, Khang Vương đã ban hành sách lược an dân. Về mặt đối ngoại, Vệ Khang bá được lệnh dẫn quân bát sư Ân bình định cuộc nổi loạn của người Đông Di, về phía tây dẫn binh chinh phạt người Di Địch Quỷ Phương. Để khai khẩn đất đai, mở rộng về phía đông nam, Chu Khang Vương đã tuần thú đến Cửu Giang, phân đất phong hầu cho Ngu hầu Trắc (虞候夨) ở đất Nghi (nay là Đan Đồ, Giang Tô).[1] Ông tổ chức đại hội chư hầu ở Phong Cung (tức Phong Kinh). Thời kỳ Thành – Khang trở thành một trong những thời đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc, sử gọi là "Thành Khang chi trị" (成康之治).[22][23]


Kinh). Thời kỳ Thành – Khang trở thành một trong những thời đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc, sử gọi là "Thành Khang chi trị" (成康之治).[22][23]

Suy yếu nội bộ[sửa]

Xem thêm: Mục thiên tử truyện Dưới thời Chu Chiêu Vương (trị. 995 – 977 TCN), nhà Chu chinh phạt nước Cối (鄶), Hổ Phương (虎方), tiếp tục khuếch trương về phía nam và đông nam. Ngoài ra, hai cuộc Nam chinh quy mô lớn mở rộng đến lưu vực sông Hán Thủy, phát sinh xung đột với Kinh Sở. Lần Nam chinh thứ nhất diễn ra vào năm thứ 16 đời Chu Chiêu Vương, khi đó nhà vua vượt sông Hán Thủy chinh phạt nước Sở và giành chiến thắng. Theo chữ khắc trên "Thế ngự quỹ" (𤞷馭簋) và "Quá bá quỹ" (過伯簋), các nước phương nam xâm phạm lãnh thổ nhà Chu, Chu Chiêu Vương xuất quân chinh phạt Kinh Sở, cuối cùng đã hàng phục được khoảng 26 nước Nam Di và Đông Di, thu về một lượng lớn đồng làm chiến lợi phẩm. Lần Nam chinh thứ hai diễn ra vào năm thứ 19, khi đó Chu Chiêu Vương đi thuyền trên sông Hán Thủy thì gặp nạn. Có ý kiến cho rằng Chiêu Vương đã chết đuối khi đang làm lễ tế để vượt sông Hán, có thể là do sập cầu (có thể đã bị tập kích khiến cầu phao bị hư hại). Một số khác lại cho rằng, quân Chu sử dụng thuyền được gắn bằng nhựa cây do dân bản xứ cung cấp, khi ra đến giữa sông thì nhựa cây bị rã ra nên chết đuối. Cuộc chiến với nước Sở và cái chết của Chiêu Vương gây tổn thất lớn cho nhà Chu. Vào thời Xuân Thu, chuyện Chiêu Vương chết được dùng làm lý do để nước Tề tuyên chiến với nước Sở. Đối với việc đối tượng của cuộc nam chinh thời Chiêu Vương có phải là nước Sở hay không, các học giả ngày nay đưa ra nhiều kiến giải khác nhau.