Sách Tam đại/Nhà Chu/Xã hội Nhà Chu

Tủ sách mở Wikibooks

Nông nghiệp[sửa]

Nông nghiệp thời nhà Chu đã rất tập trung và trong nhiều trường hợp được chỉ đạo từ nhà nước. Tất cả đất đai trồng trọt đều thuộc sở hữu quý tộc, các quý tộc trao lại đất đai cho các nông nô của mình. Ví dụ, một mảnh đất được chia làm chín miếng vuông, hình chữ tỉnh (井), gọi là phép tỉnh điền, thu hoạch từ mảnh đất nằm chính giữa thuộc về nhà nước, ở những mảnh xung quanh thuộc về các nông dân.

Theo cách này, nhà nước có thể tích trữ lương thực thặng dư (như gạo) và phân phối chúng ở thời đói kém hay mất mùa. Một số lĩnh vực sản xuất quan trọng thời kỳ này gồm chế tạo đồng, vũ khí và công cụ sản xuất nông nghiệp. Những ngành này thuộc quyền quản lý của tầng lớp quý tộc.

Binh chế[sửa]

Nhà Chu cho phép trưng binh. Lính, chiến xa, ngựa, bò, dân phải nộp cho nhà nước theo định số.

Quân đội chia làm ngũ (năm người lính), lượng (năm ngũ) do một tư mã cai quản, tốt (bốn lượng), lữ (năm tốt), Sư (năm lữ) do một đại phu làm suý cai quản, quân (năm sư) do một viên tướng cai quản.

Theo nguyên tắc, thiên tử có sáu quân (mỗi quân có 12.500 người), chư hầu có ba, hai hoặc một tuỳ theo nước lớn hay nhỏ. Nguyên tắc đó ít khi được tuân theo.

Pháp chế[sửa]

Pháp chế của thời đó phân biệt hai giai cấp: quý tộc (đại phu) và dân thường (thứ dân).

Quý tộc mà phạm tội thì xử theo lễ, nghĩa là theo tục lệ của giới quý tộc . Dân thường mà phạm tội mới bị triều đinh xét theo hình luật . Tội nặng nhất thì bị nhục hình khắc chữ trên trán, cắt mũi, chặt chân, thiến, xử tử, xé thây, lăng trì, tru di tam tộc (họ cha, họ mẹ, họ vợ). Tội nhẹ hơn thì bị gọt đầu, hay đồ (đày đi xa).

Hình luật mới đầu không được ban bố trong dân gian, như vậy triều đình muốn áp dụng ra sao tùy ý, dân không được biết; dần dần về sau, mới được khắc lên đỉnh đồng cũng chỉ để ở trong cung thôi, rồi khắc lên gỗ treo ở kinh đô và các thị tứ.

Giáo dục[sửa]

Từ đời Thương, Trung Hoa đã có chữ viết, mới đầu khắc trên giáp cốt, lên đồ đồng; rồi sau, từ đầu đời Chu khắc bằng dao hoặc viết bằng sơn lên thẻ tre; sau nữa lại viết bằng sơn trên lụa.

Có chữ viết thì có trường học, chia làm hai cấp: tiểu học cho những trẻ từ 8 đến 14 tuổi, đại học cho thiếu niên từ 15 đến 20 tuổi. Tiểu học dạy cho trẻ cách ứng đối, kính nhường và học một số chữ. Đại học dạy lục nghệ tức lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (đánh xe), thư (viết chữ), số (toán học).

Con nhà bình dân thì học ở hương học (trường ở làng), con nhà quý tộc học ở trường quốc học (kinh đô). Sử chép như vậy, nhưng đầu đời Chu có lẽ chỉ con nhà quý tộc mới được học cấp đại học, biết lục nghệ để sau ra làm quan, còn con bình dân thì may lắm một số rất ít được học vài năm ở tiểu học thôi.

Tới gần cuối đời Xuân Thu, Khổng Tử là người đầu tiên mở trường tư thục để dạy trẻ em và thanh niên bất kỳ thuộc giai cấp nào. Có thể ông cũng dạy lục nghệ, nhưng ông chú trọng nhất tới sự đào tạo một số thanh niên ưu tú, dạy họ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc (có thể cả Kinh Dịch nữa), để họ thành những người tài đức thay giai cấp quý tộc mà giúp vua chúa. Một số môn sinh của ông đã giúp các vua và đại phu đương thời, thành những kẻ sĩ có danh vọng.

Sau ông, môn đệ của ông gần thì như Tăng Tử, xa thì như Mạnh Tử (học trò của cháu nội ông, Tử Tư), Tuân Tử và nhiều nhà khác như Mặc Tử... noi gương ông mở trường dạy học, đào tạo được giai cấp kẻ sĩ; giai cấp này càng ngày càng đông, uy tín càng tăng, chiếm được những địa vị cao trong chính quyền, qua đời Hán thì gần như thay thế hẳn giai cấp quý tộc ở triều đình, trong dân gian.

Vì vậy chế độ huyết thống sớm chuyển qua quý tộc trí thức 2.000 năm trước phương Tây, khiến người phương Tây rất ngạc nhiên và rất phục, khen văn minh Trung Hoa là vô cùng độc sáng. Người có công đầu là Khổng Tử; ông được xưng tụng danh hiệu Vạn thế Sư biểu.

Tôn giáo[sửa]

Bắt đầu từ thời các vua nhà Chu, các vị thủ lĩnh địa phương nhận được quyền hành động như các thầy tế: để thực hiện hiến tế, để cho phép hát một số loại bài hát và một số điệu nhảy, quyền cúng tế các vị thần núi sông ở địa phương, các dòng suối và đất và mùa màng. Tuy nhiên, các quý tộc địa phương tiếp tục đi theo di sản của ông cha để lại. Họ lấy vợ bằng những nghi thức tôn giáo và sự ghi chép gia phả, trong khi dân thường vẫn tiếp tục kiểu lấy vợ thời cổ, không có họ hay có gia phả. Họ chỉ đơn giản sống với nhau và được công nhận là một cặp bởi những người hàng xóm.

Giống như ở Ấn ĐộTây Á, cùng với thời gian có một sự pha trộn giữa các tôn giáo của kẻ chinh phục và kẻ bị chinh phục. Những vị cai trị nhà Chu chấp nhận vào danh sách thần thánh của mình một số vị thần của nền văn minh Thương. Sự cúng tế nhiều vị thần từ thời nhà Thương vẫn được tiếp tục, gồm cả vị thần mùa màng, mưanông nghiệp - một trong những vị thần này được tin rằng được sinh ra từ một bà mẹ trinh trắng. Trong số các vị thần đó có vị thần sông Hoàng Hà, người có thân cá nhưng có mặt người. Trong nền văn minh Chu, con người tiếp tục cố gắng làm dịu các vị thần bằng cách cúng tế. Những người có khả năng thì hiến tế bằng gia súc, cừu, lợn hay ngựa.

Việc hiến tế bằng người giảm bớt so với thời nhà Thương, nhưng nhà Chu có cả vợ và bạn bè ở trong mộ, và mỗi năm một cô gái trẻ bị cúng làm cô dâu cho thần sông. Việc hiến tế này bắt đầu bằng việc những bà đồng cốt lựa chọn một cô gái đẹp nhất có thể. Mặc cho cô ta đồ satin, và đeo trang sức và đặt lên một cái giường cưới trên một cái bè. Họ tống cái bè xuống sông. Cái bè sẽ chìm và cô gái chết đuối, coi như là một đồ hiến tế cho thế giới vô hình của vị thần sông.