Những điều nên biết về Hàn Quốc/Cuộc sống/Tôn giáo/Đạo Phật

Tủ sách mở Wikibooks
PHẬT GIÁO TẠI HÀN QUỐC

Phật giáo là một tôn giáo mang tính triết lý đòi hỏi sự tu dưỡng cao độ, đề cao sự cứu rỗi bản thân qua sự tái sinh trong vòng luân hồi. Đạo Phật thâm nhập vào Bán đảo Triều Tiên lần đầu vào năm 372, khi đó nhà sư Sundo của Tiền Tần Trung Quốc đã truyền bá đạo Phật đến Goguryeo. Năm 384, nhà sư Malananda từ Đông Tấn đã truyền bá đạo Phật đến Baekjae. Phật giống như nhà vua là biểu tượng của quyền uy, trở thành đối tượng sùng bái, là nền tảng tinh thần phù hợp với cơ cấu thống trị nên tầng lớp cai trị của Tam quốc đều ủng hộ Phật giáo.

Dưới sự bảo trợ của quốc vương, nhiều chùa đã được xây dựng, số tín đồ Phật giáo cũng dần tăng. Vào khoảng thế kỷ thứ 6, các nhà sư và các nghệ nhân đã mang kinh Phật và các tác phẩm thủ công nghệ sang Nhật và đã hình thành nền tảng của văn hóa Phật giáo ban đầu tại đó.

Năm 676, Shilla thống nhất ba vương quốc. Mặc dù tư tưởng thống trị là Nho giáo nhưng quốc giáo vẫn là đạo Phật. Thời kỳ này, với sự đỡ đầu của Hoàng gia dành cho Phật giáo, mỹ thuật và văn hóa kiến trúc chùa Phật giáo đã phát triển rực rỡ như chùa Bulguksa được xây dựng ở kinh đô của Shilla - Gyeongju và các di tích khác. Thế nhưng giới quý tộc đã quá sa đà vào cuộc sống xa xỉ và tín ngưỡng quốc gia là Phật giáo bắt đầu suy thoái. Sau đó, phái Thiền tông hướng đến chân lý phổ biến qua cuộc sống thanh đạm đã ra đời.

Nước Goryeo nối tiếp Silla lại càng nhiệt tình ủng hộ đạo Phật hơn. Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo lại càng phát triển hơn dưới sự hỗ trợ không giới hạn của giới quý tộc. Vào chính thời kỳ này, bộ Kinh phật Koreana được tạo ra. Mặt khác vào năm 1392, Taejo Yi Seong-gye – người sáng lập ra vương triều Joseon đã nỗ lực xóa bỏ tất cả những ảnh hưởng của Phật giáo trong triều đình và lựa chọn Nho giáo là kim chỉ nam để cai quản quốc gia và chuẩn mực của đạo đức lễ nghĩa. Trong suốt 500 năm triều đại Joseon, bất cứ sự cố gắng nào nhằm khôi phục lại Phật giáo đều gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà Nho học và các quan lại triều chính.

Năm 1910, Nhật Bản đã cưỡng chế sát nhập Joseon vào Nhật Bản và có ý định đồng hóa đạo Phật Joseon với đạo Phật Nhật Bản. Thế nhưng những cố gắng này đều thất bại và thậm chí còn dẫn tới kết quả là làm sống dậy mối quan tâm về đạo Phật bản địa của dân tộc Triều Tiên. Trong mấy chục năm qua, đạo Phật đã có những cố gắng để thích ứng với sự biến đổi của xã hội hiện đại và có được thời kỳ phục hưng. Đại đa số tăng lữ ở lại trên núi để tu dưỡng bản thân và tập trung vào mặc tưởng nhưng cũng có một số xuống các đô thị để truyền bá Phật giáo. Rất nhiều nhà sư đang tiến hành nghiên cứu tôn giáo tại các trường đại học trong và ngoài nước. Thiền tông của Phật giáo Hàn Quốc (hướng đến mặc tưởng) đã phát triển nhiều, theo đó nhiều người nước ngoài đã tìm đến chùa Songgwangsa ở tỉnh Jeollanamdo và những trung tâm Phật giáo Thiền tông khác ở Seoul và các đô thị địa phương để tu luyện và đang tiếp bước những nhà sư nổi tiếng của Hàn Quốc.