Bước tới nội dung

Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Xem Nghe

Tủ sách mở Wikibooks

Phép xem xét và nghe ngóng là xem xét cái hình nhỏ, nghe ngóng cái tiếng nhỏ, hình nhỏ mà không thấy được, tiếng nhỏ mà không nghe được.

Cho nên bậc vua sáng suốt xem xét cái “nhiều nhặn” ở trong cái vật nhỏ nhặt, nghe ngóng cái “vang ầm” trong cái tiếng nhỏ nhẹ, lấy trong hòa ngoài, lấy ngoài hòa với trong.

Cho nên đạo làm chính trị cốt ở nghe ngóng nhiều, để mà lượm lặt và thu nạp lời tâu của kẻ dưới. Khi sắp đặt mưu kế mà dùng tới cả kẻ sĩ bậc thấp, ắt vạn vật sẽ giúp cho mắt thấy rõ, các âm thịnh sẽ giúp cho tai nghe rõ.

Cho nên kinh sách có nói: Thánh nhân không có tâm ý bình thường (nhất định) mà lấy tâm ý của trăm họ làm tâm ý của mình, dùng mắt của trăm họ để cho tâm xem xét, dùng miệng của trăm họ đẻ tâm nói năng, dùng tai của trăm họ để tâm nghe ngóng, lấy nhân của trăm họ để tâm yên ổn.

Cho nên nhân có tâm cũng như nước có vua. Dùng trong để hòa ngoài thì vạn vật sáng tỏ ra.

Thấy được cái hình của mặt trời mặt trăng thì không đủ để gọi là sáng mắt, nghe được tiếng sấm sét không đủ để gọi là rõ tai. Cho nên bậc vua trong loài người, lấy thấy nhiều làm sáng trí, lấy nghe nhiều làm thần. Thế mà năm âm không nghe thì không biết lấy gì mà phân biệt cung thương (năm âm: cung, thương, giác, chủy, vũ), năm sắc không thấy thì không biết lấy gì mà phân biệt đen vàng.

Bởi vì được nghe bậc vua sáng thường giống như ngày đêm. Ngày thì việc công thi hành, đêm thì việc tư phấn phát. Hoặc có điều oan ức trong tiếng kêu than mà lại không nghe được, hoặc có điều thành thực trong sự tiến cử việc lành mà lại không được tin cậy: tiếng kêu oan mà không nghe ắt là kẻ oan khuất không thể giải thoát được; tiến cử việc lành mà không thu nạp ắt là người trung thành không được tin cậy, kẻ tà sẽ dung dưỡng việc gian trá.

Cho nên Kinh Thư nói rằng: Sự xem xét của Trời là sự xem xét của dân nơi ta, sự nghe ngóng của Trời là sự nghe ngóng của dân nơi ta; đó gọi là xem xét và nghe ngóng.