Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Xét việc đáng nghi

Tủ sách mở Wikibooks

Phép xét điều dáng nghi là xét màu đỏ tím, phân biệt âm cung – thương. Cho nên các màu hồng, tím làm loạn màu đỏ, tiếng dâm làm nhiễu loạn loại âm nhạc đúng đắn. Loạn sinh ở xa, nghi sinh ở ngờ.

Các vật có nhiều loại khác nhau, các hình sắc giống nhau. Đá trắng như ngọc, kẻ ngu cũng quí. Mắt cá giống như hạt châu, kẻ ngu cũng lấy. Giống chồn lạc giống như chó, kẻ ngu cũng nuôi. Cây quát, cây lâu giống như dưa, kẻ ngu cũng ăn. Cho nên Triệu Cao chỉ con nai cho là con ngựa mà Tần Vương chẳng lấy làm nghi; Phạm Lãi cống gái đẹp nước Việt mà Ngô Vương chẳng lấy làm ngờ.

Mưu kế mà nghi ngờ thì việc không định yên, việc mà nghi ngờ thì không thành công. Cho nên thánh nhân không thể lấy sự thuyết trình ý kiến làm rõ ràng, thì ắt là tin cậy ở sự bói toán, để xem việc lành dữ.

Kinh Thư nói rằng: Ba người chiêm đoán thì ắt là theo lời hai người, nếu còn nghi nhiều thì dùng tới mưu kế của đông người.

Cho nên Khổng Tử nói rằng: Phép trị nước của bậc vua sáng suốt là không lo rằng người chẳng biết mình mà chỉ lo cho mình chẳng biết người, không lo ngoài chẳng biết trong mà chỉ lo trong chẳng biết ngoài; không lo dưới chẳng biết trên mà chỉ lo trên chẳng biết dưới; không lo hèn chăngr biết sang mà chỉ lo sang chẳng biết hèn.

Cho nên kẻ sĩ chết cho người biết mình, gái đón nhận người mến quí mình, ngựa chạy mau vì người biết cưỡi nó, thần linh hiện ra cho người thông cảm.

Cho nên bậc vua trong loài người thì khi xử án hành hình (tử hình) chỉ lo rằng mình không sáng suốt, hoặc kẻ vô tội bị kết án, hoặc kẻ có tội được tha thứ, hoặc kẻ mạnh được nhường nhịn, hoặc kẻ yếu bị xâm phạm, thù oán hoặc kẻ ngay thật bị oan uổng hoặc kẻ oan khuất chẳng được tháo gỡ, hoặc kẻ tín thực bị nghi oan, hoặc người trung nghĩa bị hãm hại. Đó là do nghịch khí Trời, nạn tai ách bạo ngược, vạ họa ương rối loạn.

Chỉ có bậc vua sáng xuốt xử án, kết tội, tìm hỏi tình tiết, nếu không hư dối, không giấu giếm, không cong vạy, không che đậy, xem sự qua lại, xét sự tới lui, nghe tiếng đồn đại, xem cách trong nhin, vẻ mặt sợ hãi, tiếng kêu thảm thương, sự đến mau đi chậm, quay về thở than: đó là kẻ bị kết tội oan uổng, không được tháo gỡ.

Còn kể cúi mặt nhìn trộm, thấy mà sợ, lui về, hơi thở hổn hển, chẳng dám nghe ngóng, trầm ngâm tính kế trong bụng, nói năng trài phép, đến chậm đi mau, không dám quay nhìn: đó là tội nhân muốn lẩn tránh.

Khổng Tử nói rằng: Coi thử để làm gì, xem thử do đâu mà ra, xét thử an vui ở chổ nào, người ta có thể giấu giếm được sao? Người ta có thể giấu giếm được sao?