Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Tra xét - Truất phế

Tủ sách mở Wikibooks

Phép tra xét, truất phế có nghĩa là sửa thành tốt (cải thiện), bỏ điều xấu.

Bậc vua sáng suốt ở trên, lòng dạ sáng rực như Trời, xét biết việc tốt xấu, rộng khắp bốn biển, không đám bỏ sót các quan lớn ở nước nhỏ, soi xuống tới thường dân, cử dùng bậc hiền lương, đuổi bỏ kẻ tham lam biếng nhác khiến cho trên dưới được sáng sủa tốt lành và chờ đến khi sửa trị nước xong thì các bậc hiền tài đến tụ tập như mưa. Đó là khuyên làm điều tốt, lìa bỏ điều xấu, bày tỏ điều hay, việc dở.

Cho nên phép tra xét, phế truất cốt là biết cái khổ của người. Những cái khổ ấy có năm thứ:

Hoặc có viên chức nhỏ, nhận việc công mà làm việc tư, thừa dịp được quyền hành mà làm việc gian tà, tay trái cầm binh khí, tay mặt làm việc để sinh lợi riêng, bên trong xâm phạm tới quan trên, bên ngoài bòn rút của dân, đó là cái khổ thứ nhất.

Kẻ lầm lỗi nặng mà chỉ bị phạt nhẹ, pháp lệnh không công bằng, vô tội mà phải chịu tội, đến nổi thân thể bị tàn diệt. Hoặc có kẻ có tội nặng mà được khoan dung, giúp mạnh hiếp yếu, lại thêm hình phạt nghiêm khắc, trách cứ tình lý không đúng, đó là cái khổ thứ hai.

Có viên chức nhỏ có tội làm bậy bạ, gặp trường hợp người bị tố cáo oan uổng, mà không chịu nghe người ấy nói năng giải bày, lại che đậy tình tiết, bắt bớ bóc lột làm cho kẻ ấy phải vong mạng, việc oan uổng ấy bất thường, đó là cái khổ thứ ba.

Có nhiều quan lớn giữ chức trọng yếu, kiêm việc phò vua, trong coi việc chính trị mà tính lợi riêng, đối với người thân thì cư xử cong vạy (thiên lệch), đối với người thù thì bức thiết (bức bách hành hạ), làm việc quan thì sơ sài cẩu thả, không theo pháp chế, lại nhận việc thu thuế má lấy làm lợi riêng, đuổi cũ đãi mới, kết bè đảng với người cùng việc để chi thu tùy ý, làm việc giả dối sắp đặt sẵn sàng để đổi thành của nhà, đó là cái khổ thứ tư.

Có quan huyện tham công, khi coi việc thưởng phạt, việc công ích, sự phí tổn mua bán, nhiều việc đo lường thì tự chuyên về giá cả và số lượng, làm cho dân thất nghiệp, đó là cái khổ thứ năm.

Năm việc ấy là năm điều hại dân, có việc xảy ra như thế thì không thể không phế bỏ, nếu không có như thế thì không thể không thăng thưởng.

Cho nên Kinh thư có nói: Ba lần xét công lao, ba lần xét để truất phế, thăng thưởng thì sự sáng tối bày ra rõ ràng.