Bước tới nội dung

Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Trị người

Tủ sách mở Wikibooks

Phép trị người là phong hóa của đạo, nhờ sự bày tỏ ra ngoài mà thi hành được.

Cho nên Kinh sách nói rằng: Bày tỏ đức và nghĩa ra thì dân hưng thịnh và hành thiện, bày tỏ sự thương ghét ra thì dân biết điều cấm đoán.

Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng được dân chúng ngẩn mặt lên xem, đó là trường hợp các vua Nghiêu Thuấn được các giống rợ ở chốn xa xôi đến cống hiến.

Đối với các vua Kiệt Trụ thì thuộc hạ bội phản, không phải là do Trời làm cho lòng người thay đổi, mà là do người trên khiến ra như vậy.

Cho nên trị người còn giống như trồng lúa, trước hết phải nhổ cỏ.

Phép chính trị của bậc vua sáng suốt cốt là hiểu điều lo âu của người, hiểu biết các chức lại nhỏ hầu hạ tay chân, hiểu biết các chức quan lớn của nước nhỏ.

Cho nên có nói: Kẻ tay chân hầu hạ khắc hại dân chúng không chừa nơi nào, chẳng biết tới đâu là cùng cực. Khắc hại miếng ăn (lợi lộc) của nhân dân mà nhân dân chịu nạn đói kém ắt là sinh ra loạn nghịch.

Chỉ khuyến khích nghề nông mà không đoạt thì giờ của nông dân, chỉ thu thuế má mà không lấy hết của cải dân chúng, như thế nước giàu mà dân yên, chẳng phải là thích đáng hay sao? Có nước có nhà thì không lo nghèo mà chỉ lo không yên.

Cho nên nền chính trị của thời Đường Ngu gặp nhau ở chổ lợi người, dùng thời Trời, chia lợi Đất, để chuẩn bị các năm xấu. Mùa thu dư lương thực để bù thêm vào các mùa thiếu lương. Của cải trong thiên hạ thông thương với nhau, ngoài đường không lượm của rơi và công việc của dân không hề khi thihì bỏ khi thì làm.

Cho nên theo cái thế của đời Ngũ Bá thì người không có đủ lại hiến dâng cho kẻ có dư, đo đó ngày nay các chư hầu đều tham lợi. Điều lợi sinh ra thì dân chúng tranh nhau, các điều tai hại cùng xảy ra, kẻ mạnh người yếu xâm phạm nhau, việc tự sức cày cấy thì ít ỏi mà việc công thương thì nhiều, đời sống của dân trôi nổi như mây trời, tay chân không được yên ổn.

Kinh sách nói rằng: Không quí vật có được, khiến dân không trộm cắp, không quí vật vô dụng, khiến lòng dân chẳng loạn, tất cả chỉ chăm lo, coi sóc phận sự của mình mà thôi, đó là phép chính trị của thánh nhân.

Ngày xưa vào thời Tề Cảnh Công, chỉ lo dân không tiêu pha xa xỉ và không thỏa lòng về lễ chế, còn nghi chế đời Chu Tần thì bỏ vă vể bề ngoài, chỉ giữ thực chất và khuyên dân trọng điều ít lợi.

Chế ra những vật vô dụng, chứa những hàng hóa vô ích, vàng bạc, ngọc bích, ngọc trai, chim phỉ thúy, các vật quí báu lạ lùng, sản xuất từ phương xa, đó chẳng phải là đồ dùng của hạng thường dân. Gấm vóc, thao đũi, lụa là, the sa, áo lục bạch đen vàng, đó chẳng phài là thứ mà thường dân mặc. Đồ chạm khắc to vẽ, các vật tinh xảo khéo léo, các việc khó thành điều có trở ngại cho nghề nông. Xe kiệu ra vào, áo bào, áo dạ, áo tơ, đó chẳng phải là thứ mà thương dân chưng diện. Cung thất, đường, điện, cửa lầu, tranh ảnh, thú vật, thành lũy dài rộng, mồ mả quá mức, tiêu phí hết của cải để tỏ vẻ cao thượng, đó chẳng phải là nơi ở của thường dân.

Kinh sách có nói: Điều mà kẻ thường dân yêu mến chỉ là sự siêng năng khổ sở về việc cày cấy, trồng trọt, là sự cẩn thận giữ mình, tiêu dùng dè dặt, để nuôi cha mẹ; lấy của cải chế ngự sai khiến họ, lấy lễ nghi sử dụng họ, năm tốt được mùa mà không xa xỉ, năm xấu mất mùa mà không tằn tiện, chứa trữ sẵn sang để phòng bị về sau, đó là đạo trị dân, chẳng hợp với tiết khí của bốn mùa hay sao?