Bước tới nội dung

Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Thưởng phạt

Tủ sách mở Wikibooks


Phép tắc của sự thưởng phạt là thưởng điều thiện, phạt điều ác. Thưởng để nêu cao công lao, phạt để ngăn cấm điều gian tà.

Thưởng thì không thể không công bằng, phạt thì không thể không đồng đều.

Sự ban thưởng biết chổ mà thi hành ắt là dũng sĩ biết nơi mà liều chết. Hình phạt biết chổ mà áp dụng ắt là kẻ tà ác biết nơi mà kiêng sợ.

Cho nên thưởng không thể thi hành sai lầm, phạt không thể áp dụng bừa bãi. Thưởng sai lầm ắt bề tôi có công lao sẽ oán thán, phạt bừa bãi ắt là sĩ phu ngay thẳng sẽ hờn giận. Đó là trường hợp của Dương Canh phải chịu thiệt hại vài đã xử đoán bất công. Sở Vương phải bại trận vì đã tin lời dèm pha.

Người tướng chuyên dùng uy quyền sinh sát, ắt là kẻ đáng giết thì cho sống, kẻ đáng sống thì đem giết đi, giận dữ không có lý do rõ ràng, phạt thưởng không sáng suốt, lệnh dạy không thường, lấy việc riêng làm việc chung, đó là năm điều nguy hại của quốc gia.

Thưởng phạt không sáng suốt, lệnh dạy có khi không theo đúng, ắt là kẻ đáng sống thì đem giết chết, bọn gian tà không ngăn cấm ắt là kẻ đáng chết thì cho sống.

Sỹ tốt tan vỡ, giận dữ không có lý do rõ ràng, uy vũ không thi hành, thưởng phạt không sáng suốt, không khuyến khích công việc của kẻ dưới, phép chính trị và giáo hóa không thích hợp, pháp lệnh không được tuân theo, lấy việc riêng làm việc chung thì người sẽ sinh hai lòng.

Cho nên bọn gian tà mà không ngăn cấm được thì sự nghiệp không tồn tại lâu dài.

Sỹ tốt tan vỡ thì người sẽ ít ỏi.

Uy vũ không thi hành thì khi thấy quân địch, binh sẽ không muốn đánh.

Không khuyến khích công lao của kẻ dưới thì bề trên sẽ không được giúp đỡ mạnh mẽ.

Pháp lệnh không được theo đúng thì công việc sẽ lộn xộn không chỉnh đốn được.

Người có hai lòng thì nước nhà sẽ nguy hại.

Cho nên dùng chính pháp để phòng ngự kẻ gian tà, lấy sự kiệm ước để cứu chữa việc xa xỉ, người trung thực có thể cử coi ngục tù, người liêm khiết công bình có thể coi việc thưởng phạt. Thưởng phạt không tà khúc ắt là người ta dầu chết cũng cam phục. Trên đường có người đói mà trong chuồng ngựa béo, điều ấy có thể gọi là giết người ta chết để mình được sống, xử mỏng với người mà dày với mình.

Cho nên bậc vua của loài người trước hết mới tìm rồi sau mới ban thưởng trước hết cho giáo lệnh rồi sau mới trừng phạt, ắt là có người thân cận phụ họa theo, kính sợ mà thương mến.

Không ra lệnh là thi hành, thưởng phạt không thích đáng, ắt là trung thần sẽ chết vì việc không đáng tội, mà gian thần sẽ được thăng thưởng nhờ việc không đáng công.

Ban thưởng mà không tỵ hiềm người có thù oán với mình, nhờ đó mà Tề Hoàn Công được sự giúp sức của Quản Trọng; trừng phạt mà không miễn cho thân nhân họ hàng gần xa, đó là trường hợp Chu Công giết em mà nổi tiếng.

Cho nên Kinh Thư nói rằng:

Không thiên lệch, không bè đảng.

Vương đạo rộng rãi.

Không bè đảng, không thiên lệch.

Vương đạo công bằng.

Đó là điều đã nói ở trên.