Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Lo tính

Tủ sách mở Wikibooks

Phép lo tính là lo gần tính xa.

Người không tính xa ắt phải lo gần.

Cho nên người quân tử không lo toan ngoài địa vị của mình. Lo là sắp đặt mưu mô, tính là sắp đặt kế hoạch làm việc. Không được địa vị thì chẳng nên mưu tính việc chính trị; không có việc làm thì chẳng nên sắp đặt kế hoạch.

Việc lớn bắt đầu từ chổ khó, việc nhỏ bắt đầu từ chổ dễ.

Cho nên muốn tính điều lợi ắt phải lo điều hại; muốn tính việc thành ắt phải lo việc bại. Đó là trường hợp Cửu Trùng Đài tuy cao lớn nhưng ắt có ngày hư hoại.

Cho nên ngẩng mặt trông lên thì không nên sơ ý phía dưới; đằng trước thì không nên sơ ý đằng sau. Đó là trường hợp Tần Mục Công đánh nước Trịnh mà hai người con biết sẽ bị thiệt hại; vua Ngô nhận mỹ nhân Việt mà Ngũ Tử Tư biết sẽ thất bại; nước Ngu nhận ngựa làm bằng ngọc bích mà Cung Chi Kỳ biết sẽ bị thiệt hại; Tống Tương Công tập luyện binh xa mà Mục Di biết rằng sẽ thua. Trí thức như thế, lo tính chu đáo như thế, có thể gọi là sáng suốt vậy.

Nương theo dấu vết của trận đổ vỡ, đi theo đuôi các việc suy sụp, chìm đắm, để tiến tới trước, thì làm sao mà tới kịp được. Cho nên nhà Tần nối nghiệp bá chủ mà không theo kịp đạo của Nghiêu, Thuấn.

Sự nguy biến sinh ra từ sự yên ổn.

Sự mất sinh ra do sự còn.

Điều hại sinh ra từ điều lợi.

Sự rôi loạn sinh ra từ sự yên trị.

Bậc quân tử xem điều nhỏ nhặt mà biết rõ ràng, thấy đầu mà biết đuôi nên tai họa không thể theo đâu mà dấy lên được, đó là phép lo tính.