Bước tới nội dung

Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Dẹp loạn

Tủ sách mở Wikibooks


Phép trừ rối loạn là khảo sát quan lại, kiêm gồm các chức vụ, dẹp bỏ cái văn vẻ giả dối ở bên ngoài, giữ lại cái thực chất ở bên trong.

Nếu các việc làng nhàng không dứt ắt là có mầm loạn sinh ra, nếu các việc nhỏ nhen hèn hạ không trừ ắt là trở nên tai họa quái gở.

Nếu ba giềng (tam cương: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ) không ngay thẳng, sáu mối (lục kỉ: hàng cha, hàng anh em, họ hàng, hàng cậu, hàng sư trưởng, bạn bè) không chỉnh đốn ắt là loạn lớn sinh ra.

Cho nên phép trị nước là giống như vẽ hình tròn thì đừng cho sai với thước quy (compa), vẽ hình vuông thì đừng cho sai với thước củ (ê –ke), có gốc đừng để mất ngọn, làm chính trị thì đừng để cho mất đạo lý, như thế muôn việc có thể thành công, công nghiệp có thể bảo tồn.

Ba quân loạn lạc, lộn xộn rối ren, đều phải tìm hiểu lý do.

Khi bậc vua sáng suốt sắp đặt giềng mối (phép tắc) thì nền chính trị nên có việc trước, việc sau:

  1. Trước sửa giềng, sau sửa mối.
  2. Trước sắp đặt mệnh lệnh, sạu sắp đặt hình phạt.
  3. Trước lo gần, sau lo xa.
  4. Trước lo trong, sau lo ngoài.
  5. Trước lo gốc, sau lo ngọn.
  6. Trước lo việc mạnh, sau lo việc yếu.
  7. Trước lo việc lớn, sau lo việc nhỏ.
  8. Trước lo sửa mình, sau lo sửa người.

Đó là sửa giềng, mối được tháo gỡ.

  1. Sắp đặt mệnh lệnh thì hình phạt phải thi hành.
  2. Lo việc gần thì việc xa yên.
  3. Lo việc trong thì việc ngoài ngay thẳng.
  4. Sửa gốc thì ngọn được thông.
  5. Lo việc mạnh thì việc yếu cũng bành trướng.
  6. Lo việc lớn thì việc nhỏ cũng thi hành.
  7. Sửa phần trên thì phần dưới cũng được ngay thẳng.
  8. Sửa mình thì được người kính.

Đó là đạo trù loạn vậy.