Sách Y Học/Đông y/Học thuyết chữa bệnh và trị bệnh/Trị bệnh/Châm cứu

Tủ sách mở Wikibooks

Châm cứu và bấm huyệt là những thủ pháp phổ biến được ứng dụng trong Đông y và Y học cổ truyền. Ngày nay, Y học hiện đại cũng đã kết hợp châm cứu và bấm huyệt trong điều trị nhiều căn bệnh.

Châm có nghĩa là dùng vật nhọn như kim, que nhọn… đâm vào hoặc kích thích vào huyệt. Châm có tác dụng thông kinh hoạt lạc, trừ khử tà khí gây bệnh tật và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Cứu có nghĩa là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt. Cứu nhờ tác dụng của hơi nóng giúp thông lạc để phcu5 hồi tổn thương, chữa bệnh và phòng bệnh. Châm cứu thường được ứng dụng trong điều trị các bệnh cấp và mãn tính về thần kinh, cơ xương khớp, tuần hoàn máu và tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục… Hiện nay, châm cứu được chia thành nhiều phương pháp nhỏ như điện châm, thủy châm, cứu ngải…

Bấm huyệt là thủ thuật chữa bệnh được thực hiện bằng cách dùng tay tác động một lực thích hợp lên các huyệt đạo và kinh lạc trên cơ thể để xua đuổi ngoại tà, đả thông kinh lạc và điều hòa chức năng của tạng phủ. Bấm huyệt tác động trực tiếp đến da thịt, hệ thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ để tạo nên những thay đổi về thần kinh, nội tiết, thể dịch; qua đó nâng cao khả năng hoạt động của hệ thần kinh, giúp điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe. Đối với xương khớp, bấm huyệt có tác dụng làm làm thư giãn thần kinh, giảm đau, giãn các cơ bị co cứng, tăng sự linh hoạt của khớp.