Nấu ăn:Sổ tay nội trợ/Những điều nên biết khi nêm nếm gia vị

Tủ sách mở Wikibooks

Hành, tỏi, đường, muối, tiêu… là những gia vị hết sức quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Sử dụng gia vị đúng cách sẽ giúp cho các món ăn ngon miệng và bổ dưỡng hơn, bớt đi độc tính, bảo vệ sức khỏe của bạn.

Dầu ăn[sửa]

Dầu ăn là thành phần không thể thiếu của hầu hết các món ăn. Tuy vậy, hãy nhớ nếu dầu quá nóng, trên 200 độ C sẽ tạo ra một loại khí độc hại là acrolein, làm tạo ra một lượng lớn peroxide có thể gây ung thư. Dầu quá nóng còn làm mất chất dinh dưỡng của món ăn. Vậy, với các món chiên xào, nên cho thức ăn vào khi dầu vừa bắt đầu nóng.

Đường[sửa]

Đường giúp tăng hương vị của các món chiên, nướng. Tuy vậy, bạn chỉ nên dùng một lượng nhỏ, vì đường có thể dễ dàng làm món ăn bị cháy khét. Đường cháy còn mang đến vị đắng cho món ăn.

Bột ngọt[sửa]

Bột ngọt (mì chính) chỉ nên nêm khi thức ăn đã chế biến gần xong. Nếu là món trộn, nên hòa tan bột ngọt rồi mới cho vào trộn. Nếu nêm bột ngọt trong nước nóng quá sớm, bột ngọt sẽ tạo ra vị nhẫn đắng, lại còn không tốt cho sức khỏe.

Nước mắm[sửa]

Nước mắm để lại một hương vị tuyệt hảo, nhưng chỉ nên nêm khi món ăn sắp hoàn thành, vì vị của nước mắm dễ bị biến đổi khi nấu lâu trong nhiệt độ cao, ngoài ra lượng đạm và các vitamin trong nước mắm cũng dễ bị hao hụt nếu nấu lâu trên bếp.

Xì dầu[sửa]

Xì dầu hay nước tương cũng mang lại hương vị khác lạ cho món ăn, nhưng cũng như nước mắm, không nên nấu lâu ở nhiệt độ cao để giữ chất dinh dưỡng và không biến đổi hương vị.

Bột cà ri[sửa]

Không cần phải nấu cà ri mới dùng bột này. Ướp thịt (lợn, bò, gà, vịt) với chút cà ri sẽ giúp hương vị món ăn thêm đậm đà hấp dẫn.

Tiêu[sửa]

Nên hạn chế ướp tiêu ngay từ đầu, vì khi tiêu tiếp xúc với nhiệt độ cao, sẽ dễ dàng sản sinh ra độc tố gây ung thư. Nên rắc tiêu sau khi món ăn đã hoàn tất.

Gừng[sửa]

Ướp gừng trước khi kho thịt, cá (nhất là cá biển) giúp tăng hương vị cho món ăn. Ngoài ra chất phân giải protein trong gừng còn có tác dụng hóa giải độc tố và khả năng gây dị ứng của thực phẩm. Gừng cũng giúp làm thịt mau mềm.

Tỏi[sửa]

Tỏi là gia vị tốt cho sức khỏe. Tuy vậy không nên cho quá nhiều vào thức ăn vì vị tỏi rất mạnh, có thể lấn át hương vị của nguyên liệu, nhất là gà, vịt. Khi xào tỏi với rau, không nên xào từ đầu để tránh khỏi bị cháy khét.

Hành[sửa]

Hành củ thái nhỏ có thể cho vào nồi kho từ giai đoạn đầu. Với món cá hấp, lót hành dưới rồi xếp cá lên, sẽ làm cho cá thơm hơn nhiều.

Muối[sửa]

Muối là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực. Khi nấu thịt, nên cho muối từ đầu để thịt được đậm đà. Còn khi nấu canh, muốn cho canh có vị ngọt của xương thì nên nấu xương cho nhừ rồi mới nêm muối. Khi xào thức ăn, cho muối vào từ đầu cùng với dầu, bạn đợi khoảng 1 phút sau rồi mới cho thức ăn vào xào nấu, như thế có thể loại bỏ hầu hết các chất độc aflatoxin trong muối.

Giấm[sửa]

Giấm có tác dụng khử béo, khử tanh, tăng hương vị cho món ăn. Dấm còn có tác dụng làm mềm chất xơ trong rau củ, ngăn chặn sự hòa lẫn vitamin trong nguyên liệu khi nấu ở nhiệt độ cao, vì vậy với món có sử dụng giấm, nên ướp ngay từ đầu.

Trà[sửa]

Trà xanh và trà đen ngoài việc tạo hương vị đặc biệt cho món ăn, trong chúng đều có chất làm mềm tự nhiên, thích hợp để làm mềm thịt. Pha trà thật đậm đặc, chờ nguội rồi ướp với thịt ngay từ đầu cùng với các loại gia vị khác, thịt khi nấu sẽ mềm thơm, tốt cho sức khỏe.

Tham khảo[sửa]