Giáo dục Việt Nam Cộng hòa/Tổng quan/Triết lý giáo dục

Tủ sách mở Wikibooks
Xem thêm

1. Nguồn tham khảo
2. Biên soạn cuốn sách

Năm 1958, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần thứ nhất) được tổ chức tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại điện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật. Ba nguyên tắc nhân bản (humanistic), dân tộc (nationalistic), và khai phóng (liberate) được chính thức hóa ở đại hội này. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của miền Nam, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành (1959) và sau đó được ghi trong Nguyên tắc căn bản của nền giáo dục Việt Nam ở Chương trình Trung học năm 1959, do Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản.

Đại hội Giáo dục Quốc gia lần thứ hai diễn ra năm 1964 (còn gọi là Đại hội Giáo dục toàn quốc 1964) tiếp tục tái khẳng định ba nguyên tắc định hướng căn bản nhưng sửa lại thành: nhân bản, dân tộc, khoa học và sau đó được ghi rõ ở Điều 11, Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967: "Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản".

Triết lý giáo dục được ghi trong mục Nguyên tắc căn bản của nền giáo dục Việt Nam ở đầu Chương trình Tiểu học và Trung học. Theo giải thích của văn bản này, đó là:

  1. Nền giáo dục Việt Nam phải là nền giáo dục hân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy, nhằm mục đích phát triển toàn diện con người.
  2. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống mật thiết liên quan với những cảnh huống sinh hoạt như: gia đình, nghề nghiệp, đất nước và đảm bảo hữu hiệu cho sự sinh tồn, phát triển của quốc gia dân tộc.
  3. Nền giáo dục Việt Nam phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tỉnh thần khoa học, phát huy tỉnh thần dân chủ và xã hội, thâu thái tinh hoa của nền văn hóa thế giới.

Giáo dục nhân bản[sửa]

Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người là nhân tố quan trọng nhất trong các nhân tố quyết định sự tiến bộ của xã hội. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc, thành phần gia đình... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau, đều có quyền được hưởng những cơ hội công bằng về giáo dục và có điều kiện để phát triển năng lực riêng biệt của từng cá nhân.

Giáo dục dân tộc[sửa]

Quan điểm giáo dục dân tộc có nghĩa là giáo dục tôn trọng những giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Tính dân tộc trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

Giáo dục khai phóng[sửa]

Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ và tiếp cận với văn minh thế giới.