Giáo dục Việt Nam Cộng hòa/Giáo dục phổ thông/Các loại trường trung học

Tủ sách mở Wikibooks
Xem thêm

1. Nguồn tham khảo
2. Biên soạn cuốn sách

Ngoài trường phổ thông bình thường, ở bậc trung học, giáo dục miền Nam có thêm 2 loại trường, một là mô hình trường học mới theo xu hướng trường trung học toàn diện ở Hoa Kỳ gọi là trường Trung học Tổng hợp và loại hình khác đó là trường Trung học Kỹ thuật.

Trường Trung học Tổng hợp[sửa]

Chương trình giáo dục Trung học Tổng hợp (Comprehensive Educafion) là một chương trình giáo dục thực tiễn xuất phát từ quan niệm giáo dục của triết gia John Dewey, sau này được nhà giáo dục người Hoa Kỳ là James B. Connant hệ thống hóa lại và đem áp dụng cho các trường trung học ở Hoa Kỳ.

Trường Trung học Tổng hợp là trường tổ chức giảng dạy, học tập theo chương trình Trung học Tổng hợp. Trường Trung học Tổng hợp chú trọng đến khía cạnh thực tiễn và hướng nghiệp nhiều hơn, chú trọng vào các môn Kinh tế gia đình, Doanh thương, Công - kỹ nghệ, Hướng dẫn khải đạo (Guidance Counseling) nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn, giúp họ có thể mưu sinh sau khi rời trường trung học. Đặc biệt, ở từng địa phương, phụ huynh học sinh và các nhà giáo có thể để nghị những môn học đặc thù, gắn với từng địa phương để có thể đem ra ứng dụng ở nơi mà học sinh đang sinh sống.

Sau năm 1965, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho thử nghiệm chương trình Trung học Tổng hợp, thực hiện sáp nhập Đệ Nhất và Đệ Nhị cấp lại với nhau. Chương trình này được áp dụng đầu tiên tại Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, sau đó là Trường Trung học Kiểu mẫu Huế và Kiểu mẫu Cần Thơ. Đến năm 1968, Bộ Giáo dục ban hành Nghị định số 1520 GD/TN/PC/NĐ ngày 19-08-1968 đổi 11 trường Trung học phổ thông thành trường Trung học Tổng hợp. Các trường này bao gồm: Trung học Gia Hội (Huế), Trung học Trần Quốc Toản (Quảng Ngãi), Trung học Nguyễn Huệ (Tuy Hòa), Trung học Ban Mê Thuột (Đắk Lắk), Trung học Mạc Đỉnh Chi (Sài Gòn), Trung học Cộng đồng Quận 8 (Sài Gòn), Trung học Lý Thường Kiệt (Hóc Môn), Trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Trung học Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Trung học Bến Tre (Kiến Hòa), Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Trung học Tổng hợp Quốc gia nghĩa tử. Năm 1970, mở rộng thí điểm thêm 3 trường là: Nữ Trung học Sương Nguyệt Ánh, Trung học Nguyễn An Ninh (Sài Gòn), Trung học Chưởng Binh Lễ (Long Xuyên).

Đến năm 1971, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên ban hành Bản dự thảo chương trình và mở rộng thí điểm thêm nhiều trường ở các tỉnh từ Quảng Trị trở vào, dự kiến có 100 trường triển khai.

Giáo dục Trung học Tổng hợp không phải là sự tổng hợp giữa Giáo dục trung học phổ thông và Giáo dục Trung học Kỹ thuật lúc bấy giờ. Giáo dục Trung học Tổng hợp chỉ là nền giáo dục được tổ chức phù hợp với các phát hiện mới nhất về khoa giáo dục và tâm lý, và nhất là nền giáo dục này nhấn mạnh đến tính cách khác biệt và sự uyển chuyển phù hợp với khả năng và nhu cầu phát triển quốc gia.

Chương trình Trung học Tổng hợp nhấn mạnh đến 4 đặc trưng, đó là: phát triển toàn diện học sinh, cá biệt (cá nhân) hóa giáo dục, thực dụng hóa giáo dục và dân chủ hóa giáo dục. Học sinh học các môn văn hóa và các môn hướng nghiệp như Công - Kỹ - Nghệ, Doanh thương, Kinh tế gia đình, Canh nông và môn Hướng dẫn khải đạo để giúp các em định hướng nghề nghiệp để học lên cao hoặc có thể ra đời kiếm sống với những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được học với các môn trên.

Trường Trung học Kỹ thuật[sửa]

Các trường Trung học Kỹ thuật nằm trong hệ thống Giáo dục Kỹ thuật, kết hợp việc dạy nghề với giáo dục phổ thông. Điều đáng lưu ý đối với mô hình này là học sinh trúng tuyển vào Trung học Kỹ thuật thường được cấp học bổng toàn phần hay bán phần. Mỗi tuần học 42 giờ; hai môn ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh và tiếng Pháp. Học sinh học ở trường Trung học Kỹ thuật được chia làm hai hệ:

  • Hệ Trung học Kỹ thuật Toán : Hệ này sẽ học chương trình văn hóa theo ban B (ban Khoa học Toán) cộng với các môn kỹ thuật. Học sinh học cả ngày, vừa học văn hóa vừa học kỹ thuật, trong đó một tuần phải học ở xưởng 8 giờ. Học sinh học hệ này cuối năm lớp 12 thi Tú tài II Kỹ thuật hoặc Tù tài II phổ thông (ban Toán). Một số học sinh có khả năng có thể dự thi và lấy cả 2 loại bằng trên.
  • Hệ Trung học Kỹ thuật chuyên nghiệp : Hệ này học kỹ thuật, nghề nghiệp cộng với học văn hóa. Với học sinh học hệ này thường ra đời sau lớp 10, lớp 12 hoặc học tiếp lên chương trình Cán sự kỹ thuật tại Học viện Bách khoa Thủ Đức. Những học sinh này thường giỏi về kỹ thuật và có thể ra đời kiếm sống bằng nghề hoặc gia nhập quân đội ở các đơn vị kỹ thuật.

Loại hình trường Trung học Kỹ thuật đã có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố ở Việt Nam Cộng hòa. Các trường Trung học Kỹ thuật công lập gồm có các trường như Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (thành lập năm 1956; tiền thân là Trường Cơ khí Á Châu thành lập năm 1906 ở Sài Gòn, hiện nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Trường Trung học Kỹ nghệ thực hành Huế, Trường Kỹ nghệ Đà Nẵng...

Về trường Trung học Kỹ thuật tư thục có Trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco, do các tu sĩ Dòng Don Bosco thành lập năm 1956 ở Gia Định (nay là Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh).