Thiếu lâm tự/Võ Thiếu Lâm/Các hệ phái của Thiếu Lâm Quyền
Trong Thiếu Lâm Quyền có 3 hệ thống quyền thuật biểu hiện theo những kỹ thuật đặc trưng:
Quyền Pháp Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam
[sửa]Thiếu Lâm quyền Tung Sơn Hà Nam (Trung Quốc) là nơi xuất phát ra võ thuật Thiếu Lâm Nguyên Thủy tại Thiếu Lâm tự ở huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam.
Đặc trưng của hệ quyền thuật này là các thế tấn thấp và di chuyển rất nhanh và kín đáo (khép kín hai đầu gối), các chiêu thức thủ pháp thì gọn gàng, tiết kiệm động tác, có đủ đòn chân (cước pháp) và đòn tay (thủ pháp), thế quyền nhanh thoăn thoắt, công thủ linh hoạt biến hóa với kỹ thuật thủ pháp (đòn tay) chủ yếu là Liên Hoa Thủ (tay nở như hình hoa sen) và Cầm Nã Thủ (Tiểu Cầm Nã Thủ Pháp: Hầu Thủ và Đại Cầm Nã Thủ Pháp: Xà Hình Thủ Pháp). Do vậy ở Quyền thuật ở Thiếu Lâm tự Tung Sơn Hà Nam (Trung Quốc) không có sự phân biệt Nam Quyền Bắc Cước.
Bắc Thiếu Lâm
[sửa]Thiếu Lâm quyền Bắc Phái Bàn Sơn Hà Bắc - Sơn Đông: các động tác quyền thuật lả lướt, công thủ từ xa, dùng đòn chân nhiều hơn đòn tay nên gọi là Bắc Cước Thiếu Lâm, nhảy cao đá lẹ, bộ pháp chạy nhảy nhiều và di chuyển nhanh, đòn tay (thủ pháp) và đòn chân (cước pháp) tay liền tay, chân liền chân trông như mưa sa sấm chớp liên tục không ngừng.
Các bộ môn quyền thuật của Bắc Thiếu Lâm được gọi bằng một tên chung là Trường Quyền. Khái niệm Trường Quyền là một khái niệm bao hàm tất cả các loại Bắc Quyền Thiếu Lâm chủ trương lối đánh trường trận (công thủ từ xa) đòi hỏi phải di chuyển nhanh và thân pháp xoay chuyển nhiều nên yêu cầu nguyên tắc là Nhất Thốn Trường, Nhất Thốn Cường có nghĩa là dài thêm một tấc, mạnh thêm một tấc.
Khái niệm Trường Quyền không nên lẫn lộn với khái niệm Trường Kiều của các dòng Nam Quyền Thiếu Lâm ám chỉ lối đánh chuyên dùng các đòn tay rộng và dài với các bộ tấn rộng nên trong Nam Quyền Thiếu Lâm thường có câu Ổn Mã Ngạnh Kiều, Trường Kiều Đại Mã, Đoản Kiều Tiểu Mã nghĩa là ngựa vững cầu cứng, ngựa lớn cầu dài, ngựa nhỏ cầu ngắn (bộ tấn vững vàng kiều thủ chắc chắn, đánh xa thì bộ tấn rộng đòn tay dài, đánh gần thì bộ tấn hẹp đòn tay ngắn) (xem Nam Quyền Toàn Thư, nguyên tác Trung Văn Quyền sư Trương Tuấn Mẫn, dịch giả Thiên Tường, nhà xuất bản Mũi Cà Mau tháng 1/2004).
Trong bộ môn Wushu có 3 bài Trường Quyền 1-2-3 (Long Fists 1-2-3 hay Chang Quan 1-2-3) tập trung những tinh hoa của quyền thuật Bắc Thiếu Lâm (Northern Shaolin) mà ta có thể thấy rất rõ ràng.
Nam Thiếu Lâm
[sửa]Thiếu Lâm quyền Nam Phái Toàn Châu Phúc Kiến: các động tác quyền thuật chủ về cương quyền nhiều hơn với những chiêu thức thủ pháp dũng mãnh mà dấu vết của nó hiện nay có thể thấy được qua các hệ thống thi triển quyền pháp (tiếng Nhật gọi là Kata) của môn võ Karaté có nguồn gốc từ Thiếu Lâm Nam Quyền Phúc Kiến (võ Karaté được truyền vào Nhật Bản qua hòn đảo Okinawa bởi các thương nhân người Phúc Kiến).
Đặc điểm nổi trội của các dòng quyền thuật Nam Thiếu Lâm là thế tấn thấp, không đá cao, thường hay đạp chân (giậm chân) rất mạnh xuống đất và hét lớn (người Trung Hoa gọi là "dĩ thanh trợ lực") giận dữ trợn mắt, rồi vặn eo buông vai phóng quyền với khí thế ào ạt, thế quyền thường di chuyển như cuồng phong bão táp cả hai mặt tấn công lẫn phòng thủ trông rất thô bạo.