Sách tôn giáo/Do thái giáo/Kinh Thánh Hebrew
Kinh Thánh Hebrew
[sửa]Kinh Thánh Hebrew (còn gọi là Kinh Thánh Do Thái giáo, hoặc Tanakh trong tiếng Do Thái) có 24 sách. Tanakh là chữ viết tắt của ba phần trong Kinh Thánh Hebrew: Torah (Luật, Ngũ Thư hoặc Ngũ Kinh), Nevi’im (Ngôn sứ hoặc Tiên tri), và Ketuvim (Văn chương). Kinh Thánh có khoảng 160.764 từ.
Ngũ Thư của Moses
[sửa]Bản mẫu:Các sách Cựu Ước Torah hoặc "Giáo huấn" được biết đến với tên Ngũ Thư của Moses (Mô-sê hoặc Môi-se trong tiếng Việt), vì vậy còn có tên Chumash hay Pentateuch (tiếng Hebrew hoặc tiếng Hy Lạp nghĩa là "năm").
Năm sách này là:
- Sách Sáng Thế hay Sáng Thế ký hay Khởi Nguyên (Bereishit בראשית)
- Sách Xuất Hành hay Xuất Ê-díp-tô ký (Shemot שמות)
- Sách Lêvi hay Lê-vi ký (Vayikra ויקרא)
- Sách Dân số hay Dân số ký (Bemidbar במדבר)
- Sách Đệ Nhị Luật hay Phục truyền Luật lệ ký hay Thứ Luật (Devarim דברי)
Ngũ Thư hay Torah tập chú vào ba thời điểm làm thay đổi mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Mười một chương đầu của Sách Sáng thế cung cấp những ký thuật về sự sáng tạo (hoặc trật tự) của thế giới, và lịch sử của mối tương giao ban đầu giữa Thiên Chúa và loài người.
Ba mươi chín chương còn lại của Sách Sáng thế thuật lại việc thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa và các tổ phụ của dân tộc Do Thái như Abraham, Isaac và Jacob (còn gọi là Israel), cùng với dòng dõi của Jacob ("Con dân Israel"), đặc biệt là Joseph, cũng ghi chép về cung cách Thiên Chúa kêu gọi Abraham rời bỏ gia tộc và quê hương ở thành Ur để ra đi, cuối cùng định cư trên đất Canaan, và thuật lại câu chuyện Con dân Israel về sau di cư đến Ai Cập. Bốn sách còn lại của Torah ký thuật cuộc đời của Moses, một hậu duệ sống hàng trăm năm sau các tổ phụ. Các biến cố trong cuộc đời Moses xảy ra cùng lúc với cuộc giải phóng Con dân Israel khỏi ách nô lệ trong xứ Ai Cập, để làm sống lại giao ước giữa họ và Thiên Chúa tại núi Sinai, và về thời kỳ dong ruổi trong hoang mạc cho đến khi một thế hệ mới sẵn sàng tiến vào xứ Canaan. Torah khép lại với ghi chép về cái chết của Moses.
Theo truyền thống, Torah chứa đựng 613 mitzvot, hoặc điều luật, của Thiên Chúa, được mặc khải từ thời kỳ nô lệ trong đất Ai Cập cho đến lúc sống đời tự do trong xứ Canaan. Những điều luật này kiến tạo nền tảng cho luật Halakha của Do Thái giáo và được chi tiết hóa trong bộ luật Talmud. Torah được chia thành 54 phần, được xướng đọc theo thứ tự trong nghi thức Do Thái giáo, vào mỗi ngày Sabbath (thứ Bảy trong tuần), từ trang đầu của Sách Sáng Thế cho đến trang cuối của Sách Đệ Nhị Luật. Chu trình này chấm dứt và lại khởi đầu vào cuối kỳ Sukkot, còn gọi là Simchat Torah.
Sách Tiên tri
[sửa]Các sách Tiên tri hoặc Ngôn sứ (Nevi’im) thuật lại sự trỗi dậy của vương triều Do Thái, sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc, và những nhà tiên tri (ngôn sứ), những người nhân danh Thiên Chúa đến để rao truyền sự đoán phạt trên các quân vương và Con dân Israel. Các sách này khép lại với ghi chép về sự kiện người Assyria xâm chiếm Vương quốc Israel và người Babylon chiếm đóng Vương quốc Judah, cùng sự phá hủy Đền thờ tại Jerusalem. Trong ngày Sabbath, người Do Thái vẫn đọc những phần khác nhau của các sách tiên tri. Còn sách Jonah được đọc trong ngày lễ Yom Kippur.
Theo truyền thống Do Thái, phần Tiên tri được chia thành 8 sách. Các bản dịch hiện nay lại chia chúng thành 17 sách.
Tám sách này là:
- Sách Giôsuê hoặc Yehoshua [יהושע]
- Sách Thủ Lãnh - Shoftim [ שופטים]
- Sách Samuen hoặc Shmu’el' [שמואל] (Sách Samuel thường được chia thành 2 sách thứ nhất và thứ nhì; nhân vật Samuel có thể được xem là Quan Xét cuối cùng (các con trai của ông được chỉ định làm quan xét nhưng bị dân chúng khước từ), ông cũng được xem là người đầu tiên trong số các nhà tiên tri; ông là người thay mặt dân chúng nài xin Thiên Chúa chọn và xức dầu vị vua đầu tiên của dân Israel).
- Sách Các Vua hoặc Melakhim [מלכים] (thường được chia thành hai sách)
- Sách Isaia hoặc Yeshvahu [ישעיהו]
- Sách Giêrêmia hoặc Yirmiyahu [ירמיהו]
- Sách Êdêkien hoặc Yehezq’el [יחזקאל]
- Các sách Tiên tri hoặc Mười hai Ngôn sứ nhỏ [Trei Asarתרי עשר]
Ngũ Thư và các sách Tiên tri đều là những thiên anh hùng ca, dù ở đây không thể tìm thấy những nhân vật anh hùng (Moses và David, trong nhiều khía cạnh, có thể xem như là đối nghịch với hình ảnh anh hùng; có người xem toàn thể Con dân Israel là anh hùng, hoặc nhiều người khác chỉ chọn một anh hùng duy nhất, Thiên Chúa).
Văn chương
[sửa]Các sách Văn chương hoặc Trước tác (Ketuvim) có lẽ đã được viết trong hoặc sau thời kỳ Lưu đày tại Babylon. Đây là các sách sau cùng được quy điển. Theo cách giải thích truyền thống của Do Thái giáo, nhiều bài Thánh vịnh trong Sách Thánh Vịnh (hoặc Thi Thiên) được xem là những trước tác của Vua David; Vua Solomon được xem là tác giả của Sách Diễm Ca (hoặc Nhã Ca) khi nhà vua còn trẻ, còn Sách Châm Ngôn được trước tác khi nhà vua đang độ tuổi trung niên chín chắn, và sách Sách Huấn Ca (hoặc Truyền Đạo) vào lúc tuổi già; Sách Ai Ca (hoặc Ca Thương) được cho là của tiên tri Jeremiah. Job là sách duy nhất trong Kinh Thánh được xem là không phải Do Thái. Sách Ruth kể chuyện một phụ nữ không thuộc dân tộc Do Thái (Ruth là người Moab) kết hôn với một người Do Thái, sau khi chồng qua đời, bà chấp nhận cuộc sống và niềm tin của người Do Thái; theo Kinh Thánh, Ruth là bà cố của Vua David. Có năm sách được chọn để đọc trong các ngày lễ Do Thái: Nhã ca trong ngày Lễ Vượt qua; Sách Ruth trong ngày lễ Shavuot; Ca thương trong lễ Ninth of Av; Truyền đạo trong ngày lễ Sukkot; và sách Zuffi trong ngày lễ Purim. Nhìn chung, phần Văn chương (Ketuvim) trong Kinh Thánh Hebrew gồm có thi ca trữ tình, những suy tư triết lý về cuộc sống, những câu chuyện về các tiên tri và các nhà lãnh đạo dân tộc Do Thái trong thời kỳ lưu đày. Phần này kết thúc với chiếu chỉ của hoàng đế Ba Tư cho phép dân Do Thái trở về Jerusalem và bắt tay tái thiết Đền thờ.
Phần Văn chương (Ketuvim) có 11 sách:
- Thánh Vịnh hay Thi thiên
- Sách Châm Ngôn
- Sách Job
- Sách Diễm Ca hay Nhã ca
- Sách Rút
- Sách Ai Ca) hay Ca thương
- Sách Huấn Ca)
- Sách Étte
- Sách Đanien
- Sách Étra và Sách Nơkhemia
- Sách Sử Biên Niên
Dịch thuật và ấn hành
[sửa]Phần lớn Kinh Thánh Hebrew (Tanakh) được viết bởi tiếng Hebrew Kinh thánh, với một vài phần (trong sách Daniel và sách Ezra) được biết bằng tiếng Aram.
Vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 trước Công nguyên, kinh Torah được dịch sang tiếng Hy Lạp Koine (một phương ngữ Hy Lạp cổ), trong thế kỷ kế tiếp, các sách khác được dịch (hoặc trước tác). Thành quả dịch thuật này về sau trở thành Bản Bảy Mươi (Septuaginta), được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Do Thái nói tiếng Hy Lạp, và sau này trong cộng đồng Cơ Đốc giáo. Có sự khác biệt đôi chút giữa Bản Bảy Mươi và bản tiếng Hebrew (Bản Masorete) được chuẩn hoá sau này. Có truyền thuyết cho rằng 70 nhà dịch thuật làm việc độc lập với nhau nhưng tạo ra những văn bản giống nhau, ngụ ý cả bản dịch cũng được linh truyền.
Từ thập niên 800 đến thập niên 1400, các học giả Do Thái giáo, được biết đến với tên Masorete, so sánh tất cả văn bản Kinh Thánh họ có trong tay trong nỗ lực tạo lập một văn bản chuẩn và đồng nhất; dần dần xuất hiện một nhóm các bản văn rất giống nhau, được gọi là Các Bản văn Masorete (Masoretic Texts - MT). Bởi vì chữ viết trong nguyên bản chỉ có phụ âm nên các học giả Masorete tìm cách thêm vào các nguyên âm (gọi là niqqud). Phương pháp này đòi hỏi phải chọn cách diễn giải thích ứng, vì có một số từ chỉ khác nhau ở nguyên âm – do đó ý nghĩa của từ ấy phụ thuộc vào nguyên âm được chọn. Trong số các bản văn Hebrew cổ còn lại, một số được tìm thấy trong Bộ Ngũ Thư Samaria, Các cuộn sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls), và các phần rời cổ văn khác, được chứng thực bởi các văn kiện cổ thuộc các ngôn ngữ khác.
Trong các phiên bản của Bản Bảy Mươi chứa đựng một số sách và một vài đoạn không có trong Kinh Tanakh (Cựu Ước) theo Bản Masorete. Trong một số phiên bản, phần thêm vào là những trước tác bằng Tiếng Hy Lạp, trong một số phiên bản khác chúng là bản dịch các sách tiếng Hebrew không được tìm thấy trong Bản Masorete. Tuy nhiên, những phát hiện mới đây cho thấy phần thêm vào của Bản Bảy Mươi có nguồn gốc từ các văn bản Hebrew nhiều hơn đã từng tưởng. Mặc dù hiện nay không còn tồn tại bản văn gốc tiếng Hebrew của Bản Bảy Mươi, nhiều học giả tin rằng Bản Bảy Mươi dựa trên một bản văn cổ khác cũng là nền tảng cho Bản Masorete.Bản mẫu:Cn