Sách binh pháp/Tố thư
Nguyên Thủy
[sửa]1) Đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, năm điều ấy thuộc về một thể.
2) Đạo là cái đường mà người ta bước theo, sai khiến tất cả vạn-vật không biết do theo đâu mà đi. (Đạo là luật biến hóa chung của vũ trụ, cai quản muôn loài, vạn vật)
3) Đức là cái mà người ta được nơi mình, bao trùm mọi việc, làm cho tất cả đề được như ý muốn của mình (Đức là quyền năng thiêng liêng của các bậc thánh, nhờ đó mà họ làm việc gì cũng dễ thành công)
4) Nhân là điều mà người ta thường mến, là sự có lòng từ bi, thương xót để làm toại lòng muôn loài sinh ra trong trời đất. (có ý nòi rằng lòng nhân thấm nhuần tới côn trùng, cây cỏ)
5) Nghĩa là điều mà người ta nên theo, như là tưởng thưởng điều thiện, trừng phạt điều ác để làm nên việc
6) Lễ là cái qui củ mà người ta theo như là sớm dậy tối ngủ, để thành ra cái luân thường thứ tự của con người.
7) Tín phải đủ để chỉ có riêng một lòng mà thôi, nghĩa phải đủ để người theo mình, đức phải đủ để người mong nhớ nơi xa, tài phải đủ để noi gương người xưa, minh mẫn phải đủ để soi xuống dưới, người có đủ điều kiện trên là bậc anh tuấn.
8) Hạnh phải đủ để làm khuôn phép, trí phải đủ để dứt hiềm nghi, tín phải có để giữ hẹn, liêm phải có để sai khiến, phân phối của cải, người có đủ điều kiện trên là bậc anh hào.
9) Giữ chức vụ mà không bỏ phế, xử sự theo chánh nghĩa mà không đổi lòng, thấy điều hiềm nghi mà không miễn chấp bừa bãi, thấy điều lợi mà không lấy bừa bãi, người có đủ điều kiện trên là bật anh kiệt/]]
Chánh đạo
[sửa]15) Dứt điều thích, ngăn điều muốn để trừ phiền lụy.
16) Dằn điều trái, bỏ việc ác để từ bỏ lỗi lầm.
17) Chê rượu, lánh sắc để khỏi nhuốm dơ.
18) Tránh điều ngờ, xa điều nghi để khỏi lầm lạc.
19) Học rộng, hỏi cặn kẻ để biết nhiều.
20) Làm việc to lớn, nói lời nhỏ nhẹ để sửa mình.
21) Kính cẩn, dè dặt, nhún nhường, tằn tiện để giữ thân.
22) Mưu kế sâu xa để khỏi cùng khốn.
23) Gần gũi người nhân từ, kết bạn với người ngay thẳng để giúp đỡ nhau trong lúc tai nạn.
24) Gần gũi rộng lượng, cẩn thận chu đáo để tiếp đãi người.
25) Bổ nhiệm và sử dụng kẻ tài năng để cho xong việc.
26) Giận ghét kẻ độc ác, đuổi kẻ dèm pha để ngừa loạn.
27) Tìm xưa xét nay để khỏi nghi ngờ.
28) Trước đó sau lường để đối phó các việc bất ngờ gấp rút.
29) Bày đặt ra các việc quyền biến để gỡ rối.
30) Buộc túi, gặp thuận để khỏi tội lỗi
31) Chặt chẽ, vững vàng, để lập công.
32) Chăm lo, hiền lành, để giữ gìn chung cuộc cho toàn vẹn.
Đạo đức
[sửa]33) Về thuật làm việc hết lòng, gắng sức thì chẳng có gì lâu dài bằng rộng mưu.
34) Chẳng có gì yên bằng nhẫn nhục.
35) Chẳng có gì cần trước hơn là tu đức.
36) Chẳng có gì vui bằng mến điều lành.
37) Chẳng có gì mầu nhiệm hơn lòng chí thành.
38) Chẳng có gì sáng suốt bằng cách xét cái thể chất bên trong sự vật.
39) Chẳng có gì khổ bằng mong nhiều.
40) Chẳng có gì tốt bằng biết đủ.
41) Chẳng có gì đáng thương xót bằng tán tinh
42) Chẳng có gì bệnh hơn là sự vô thường (không chắc chắn).
43) Chẳng có gì ngu tối cho bằng tham lam, keo bẩn.
44) Chẳng có gì cô độc bằng ỷ mình.
45) Chẳng có gì nguy hiểm bằng dùng kẻ đáng nghi.
46) Chẳng có gì dễ thất bại bằng có óc riêng rẽ.
47) Chẳng có gì ngắn ngủi bằng của vô nghĩa (lấy bằng cách không chích đáng).
Hành động
[sửa]48) Đem sự sáng suốt mà bày tỏ cho kẻ dưới rõ là ngu tối (Đạo của thánh hiền là trong thì sáng suốt mà ngoài tỏ ra tối tăm Thánh hiền chi đạo nội minh ngoại hối)
49) Có lỗi mà không biết là bị che lấp
50) Mê mà không tỉnh lại là lầm lạc
51) Dùng lời nói mà chuốc lấy thù oán là tự gây tai họa ( làm mà dám nói ra, đó la quyền tại mình mà họa tại người: nói mà không làm được, đó là quyền tại người họa tại mình)
52) Tâm ý và mệnh lệnh đều trái lẽ thì việc sẽ bỏ phế (bế tắc).
53) Nói năng bừa bãi trước rồi ra lệnh sau thì hư việc.
54) Nổi giận mà không có uy tín thì sẽ bị xúc phạm (hoặc mang tội lấn lướt).
55) Ưa sự ngay thẳng mà làm nhục người là mua lấy tai ương.
56) Trừ cái nhục (riêng) cho kẻ mà mình đang dùng là nguy hiểm (Báo thù riêng cho kẻ dưới tay là nguy hiểm)
57) Ngạo mạn đối với các bậc đáng kính (có ba bậc đáng kính : bậc có tuổi tác, bậc có tước vị, bậc có đức hạnh) là việc hung ác xấu xa, bất lợi
58) Bề ngoài thì hợp ý, mà trong lòng thì xa cách, như thế là lẻ loi;
59) Gần gũi kẻ dèm pha, xa cách người trung trực thì bị diệt vong;
60) Gần sắc đẹp mà xa người hiền là ngu tối;
61) Gái đến cửa công thì loạn;
62) Dùng người có lòng tư kỷ để làm việc quan (công ích) thì không chắc chắn;
63) Lấn lướt kẻ dưới để chiếm phần thắng là xâm phạm.
64) Danh mà không hơn thực thì hao tổn ( Thực lực là chỗ nương tựa của thinh danh, thinh danh đem lại uy quyền cho thực lực; nhiều thực lực mà ít thinh danh thì khó thành sự nghiệp, vậy danh phải đi đôi với thực)
65) Sơ sài (Rộng lượng tha thứ đối với mình) đối với mình mà lại trách phạt người thì không thể trị yên
66) Kẻ dày với mình mà mỏng với người thì nên bỏ họ mà đừng dùng.
67) Xét điều lỗi mà vứt bỏ công lao của người thì tổn hại tới quần chúng.
68) Kẻ dưới và người ngoài ai ai cũng khác lòng thì phải luân vong.
69) Đã dùng mà không tín nhiệm thì lạt lẽo. 70) Thưởng mà hẹp hòi thì hỏng việc. 71) Hứa nhiều mà chó ít thì sinh oán. 72) Đã tiếp đón mà lại phản đối thì trái lẽ.
73) Làm ít mà trông mong nhiều thì không kết quả.
74) Sang mà quên hèn thì chẳng lâu. 75) Nhớ lỗi cũ mà vứt bỏ công mới là điều chẳng lành.
76) Dùng người không được chính đáng là điều nguy.
77) Cưỡng bách người mà dùng thì họ chẳng thuận theo.
78) Vì người mà chọn làm quan thì loạn.
79) Mất những điểm mạnh của mình thì trở nên yếu.
80) Sự quyết định chích sách mà ở trong tay kẻ bất nhân thì nguy hiểm.
81) Kế hoạch bí mật mà tiết lậu ra ngoài thì thất bại.
82) Thu vào nhiều mà chi ra ít thì hỏng việc.
83) Dùng của đút lót việc công là ám muội.
85) Nghe điều thiện mà không lưu ý, lại không quên lỗi cũ của người, đó là bạo ngược
86) Đã dùng mà không tin, đã tin mà không dùng, là lộn xộn.
87) Dùng đức mà nuôi người thì họ sẽ tụ tập.
88) Dùng hình pháp để trói buộc người thì họ sẽ phân tán.
89) Công nhỏ mà không thưởng thì không ai chịu lập công lớn.
90) Không bỏ qua oán nhỏ thì oán lớn sẽ sinh ra.
91) Thưởng mà người không phục, phạt mà người không vui chịu thì họ sẽ làm phản.
92) Thưởng cho tới kẻ vô công, phạt cho tới kẻ vô tội là khốc hại.
93) Nghe dèm pha mà vui, nghe can ngăn mà hờn giận, là sẽ thất bại.
94) Thường giữ cái mình sẵn có là yên.
95) Tham của người là tàn hại.
An lễ
[sửa]96) Phúc sinh nhờ chứa thiện, họa sinh vì tích ác.
97) Oán sinh vì không bỏ qua lỗi nhỏ, mối lo hại sinh ra vì không tính trước mưu kế.
98) Đói vì khinh rẻ nghề nông, rét vì lười dệt.
99) Yên (thân) nhờ được người, nguy vì mất kẻ sĩ.
100) Giàu nhờ nghinh tiếp việc xẩy tới, nghèo vì bỏ lỡ thời cơ.
101) Bậc trên hành động vồ thường thì kẻ dưới sẽ sinh lòng nghi kỵ.
102) Khinh lờn bề trên thì sinh tội, lăng nhục kẻ dưới thì họ chẳng gần gũi mến yêu.
103) Bề tôi gần mà không trọng mình thì bề tôi xa sẽ khinh mình.
104) Tự nghi mình thì không tin người, tự tin mình thì không nghi người. 105) Kẻ sĩ có tà tâm thì không có bạn chánh đáng, bề trên mà cong vạy thì kẻ dưới không ngay thẳng. 106) Nước ở cảnh nguy biến thì không có người lành. 107) Mến người sâu xa thì cầu hiền gấp, vui được người hiền thì nuôi người trọng hậu.
108) Nước sắp làm bá chủ thì kẻ sĩ đều về giúp, nước sắp mất thì người hiền đã xa lánh trước.
109) Đất mà xấu thì vật lớn không sanh, nước mà cạn thì cá lớn không lội, cây mà trụi lá thì chim lớn không đậu, rừng mà thưa cây thì thú lớn không ở.
110) Núi mà cao vút thì sẽ đổ, hồ mà đầy nước thì sẽ tràn.
111) Bỏ ngọc giữ đá là có mắt không ngươi, thân dê đội lốt cọp thì chỉ lòe loẹt bề ngoài mà thôi.
112) Cầm áo mà không cầm nơi cổ thì áo sẽ gập xuống, chạy mà không nhìn đất thì sẽ vấp ngã.
113) Cột yếu thì nhà sẽ sập, bề tôi phò tá mà yếu thì nước nghiêng đổ.
114) Chân lạnh thì hại tim, dân oán hận thì hại nước.
115) Núi sắp đổ thì đất đã lở trước, nước sắp suy yếu thì dân đã bị nạn chết.
116) Rễ khô thì cành mục, dân khốn đốn thì nước điêu tàn.
117) Níu theo xe lật thì xẽ bị ngã, ở theo nước mất thì sẽ bị diệt.
118) Xem việc đã thất bại để mà thận trọng, thấy việc sắp thất bại thì phải sợ dẫm vết chân mà lo tránh trước đi. 119) Sợ nguy thì yên, sợ mất thì còn.
120) Người mà làm việc có đạo lý thì tốt, làm việc không có đạo lý thì xấu. Nếu tốt thì trăm điều may sẽ tới, nếu sấu thì trăm điều rủi sẽ dồn dập vào, chẳng phải nhờ thần thánh nào mà việc cũng tự nhiên xẩy tới như thế.
121) Chuyên dùng kế lành thì không xẩy việc dữ, không lo xa thì sẽ rầu gần.
122) Cùng chí thì hợp nhau.
123) Cùng nhân từ thì chung lo.
124) Cùng trí thức thì mưu đồ chung.
125) Cùng làm ác thì kết bè đảng.
126) Cùng mến thì tìm nhau.
127) Cùng vẻ đẹp thì ghét nhau.
128) Cùng quí một vật thì hại nhau.
129) Cùng lợi thì kỵ (sợ) nhau.
130) Cùng lời nói thì hưởng ứng nhau.
131) Cùng chí thì cảm mến nhau.
132) Cùng loại thì nương nhau.
133) Cùng chính nghĩa thì gần gũi nhau.
134) Cùng nạn thì giúp nhau.
135) Cùng đạo thì chung xây dựng.
136) Cùng nghề thì dò nhau.
137) Cùng khéo thì tranh nhau.
138) Ấy là cái điều mà mình được theo số mệnh như thế, không thể đi ngược với lý lẽ ấy.
139) Bỏ bê không dạy mình mà đi dạy người là nghịch, sửa mình mà dạy người là thuận. Nghịch thì khó theo, thuận thì dể làm, khó theo thì loạn, dể làm thì yên trị. Như thế có thể trị mình, trị nhà, trị nước vậy.