Sách binh pháp/Ngô Tử binh pháp/Trị bệnh

Tủ sách mở Wikibooks

Võ Hầu hỏi rằng: Trong phép dùng binh, cần làm việc gì trước nhất?

Khởi đáp rằng: Trước hết phải biết rõ bốn điều dễ, hai việc lớn, một điều tín thực.

Hỏi: Sao lại gọi như thế?

Đáp: Đó là làm cho đất dễ đi bằng ngựa, ngựa dễ kéo xe, xe dễ chở người, người dễ chiến đấu.

– Biết rõ đất dễ, đất khó thì đất dễ đi bằng ngựa;

– Cung ứng cỏ rơm kịp thời, thì ngựa dễ kéo xe;

– Mỡ và dầu trục xe dư dùng, thì xe dễ chở người;

– Gươm giáo bén nhọn, bào giáp bền bỉ, thì người dễ chiến đấu.

– Tiến lên thì được thưởng lớn, lui về thì bị phạt nặng;

– Thi hành tín thực

Nếu xét làm được những việc ấy thì có thể làm chủ được sự chiến thắng.

Võ Hầu hỏi rằng: Binh lấy gì làm ưu thắng?

Khởi đáp rằng: lấy trật tự làm ưu thắng.

Lại hỏi rằng: Có phải nhờ đông đảo không?

Đáp: Nếu pháp lệnh không sáng suốt, thưởng phạt không tin thực, chiêng đánh không đúng, trống đánh không tới, tuy có trăm vạn binh, dùng được ít gì?

Điều gọi là trật tự có nghĩa là ăn ở theo lễ nghi, cử động có uy vũ, tiến tới thì không ai chống cự nổi, lui về thì không ai đuổi kịp, tiến quân đánh đuổi trúng tiết, tả quân hữu quân ứng biến kịp thời theo hiệu lệnh, tuy ở thế kẹt cũng bày trận hẳn hoi, tuy tản ra mà vẫn còn hàng ngũ.

Cùng hưởng cảnh an vui với họ, cùng chịu cảnh nguy nan với họ, nên sĩ tốt luôn luôn quay quần theo ta mà không bao giờ li tán, có thể sử dụng mãi mà không bao giờ mỏi mệt, nên quân sĩ vào nơi nào thì thiên hạ không chống cự nổi, đó gọi là binh cha con.

Ngô Tử nói rằng: Theo phép hành quân, chớ nên đi đứng trái tiết, chớ nên ăn uống trái thời, chớ làm kiệt sức người và ngựa, đó là ba điều kiện để sĩ tốt dễ thi hành lệnh trên. Sĩ tốt thi hành lệnh trên, đó là nguồn gốc của sự trị an. Nếu đi đứng không đúng tiết, ăn uống không đúng thời, người ngựa mệt mõi không được nghỉ ngơi, đó là nguyên nhân làm cho sĩ tốt không thi hành lệnh trên. Lệnh trên bị khinh rẻ thì khi ở yên bình sẽ rối loạn, khi đánh giặc binh sẽ thất bại.

Ngô tử nói rằng: Khi binh ở chiến trường, đừng vào đất chết, hễ liều chết thì được sống, cầu sống thì phải chết; người tướng giỏi cầm binh cũng giống như ngồi trong thuyền thủng đáy bị nước rỉ vào, hoặc đang nằm ấm trong nhà mà chạy, việc xảy ra thật là cấp bách khiến cho người có trí cũng không kịp mưu tính được gì, kẻ dũng cảm cũng không kịp nổi giận, phải như thế mới có thể ứng địch được. Cho nên có nói rằng: Trong các điều hại của sự dùng binh, sự do dự là nguy hại nhất; tai họa của ba quân sinh ra do sự hồ nghi.

Ngô Tử nói rằng: Người ta thường chết ở chỗ mà mình bất lực, thường thất bại ở chỗ bất tiện cho mình. Cho nên trong phép dùng binh, sự răn dạy phải đứng đầu.

– Một người học đánh, dạy lại thành mười người biết đánh;

– Mười người học đánh, dạy lại thành trăm người biết đánh;

– Trăm người học đánh, dạy lại thành ngàn người biết đánh;

– Ngàn người học đánh, dạy lại thành muôn người biết đánh;

– Muôn người học đánh, dạy lại thành ba quân biết đánh;

– Lấy ta ở gần chờ đánh địch từ xa tới;

– Lấy ta nhàn chờ đanh địch mệt;

– Lấy ta no chờ đánh địch đói;

– Binh ta đang bày viên trận, ta buộc đổi thành phương trận;

– Binh ta đang ngồi, ta buộc đứng dậy đi;

– Binh ta đang đi, ta buộc đứng lại;

– Binh ta đang đi qua trái, ta buộc đi qua phải;

– Binh ta đang quay qua trước, ta buộc đi quay qua sau;

– Binh ta đang phân tán, ta buộc tụ hợp lại;

– Binh ta đang kế hợp, ta buộc giải tán.

Mỗi việc biến dịch ấy đều phải tập tành cho quen thuộc rồi mới sử dụng binh ấy được, đó là phận sự của tướng súy.

Ngô Tử nói rằng: Theo phép dạy đánh thì:

– Người thấp cầm giáo kích;

– Người cao cầm cung nỏ;

– Người mạnh cầm cờ xí;

– Người dạn cầm chiêng trống;

– Người yếu làm việc vặt vãnh và nấu ăn;

– Người trí làm chủ mưu;

– Làng xóm nương nhau;

– Các đội thập và đội ngũ che chở nhau;

– Nghe một tiếng trống thì sắp binh chỉnh tề;

– Nghe hai tiếng trống thì tập trận;

– Nghe ba tiếng trống thì đi ăn;

– Nghe bốn tiếng trống thì làm việc nghiêm chỉnh;

– Nghe năm tiếng trống thì vào hàng;

– Nghe trống và chiêng cùng đánh một lần rồi mới đưa cờ lên.

Võ Hầu hỏi rằng: Ba quân đi đứng há phải có phép tắc sao?

Khởi đáp: Không thể chống với thiên táo (bếp trời), không thể chống với long đầu (đầu rồng). Thiên táo là miệng hang lớn, long đầu là đầu núi lớn, ắt là bên trái có Thanh long, bên phải có Bạch hổ, trước mặt có Chu tước, sau lưng có Huyền Vũ.

Người ở trên được thế chủ động, người ở dưới phải tuân theo thế bị động.

Lúc sắp đánh, phải xem xét gió thổi theo hướng nào. Nếu gió thổi thuận chiều cho ta, thì ta hô lớn và đánh theo chiều gió; nếu gió thổi ngược chiều với ta, thì ta lập vững bền để chờ đánh địch.

Võ Hầu hỏi rằng: Về việc nuôi người và ngựa, phải cho ở chỗ yên ổn, dễ kiếm cỏ, nước, lo liệu việc no đói của chúng cho có chừng mực. Về mùa đông thì cho ở chuồng ấm, về mùa hè thì cho ở chuồng mát, cắt bớt lông bườm để cho thông xuống bốn phía, bịt kín mắt và tai để ngựa khỏi sợ hãi, tập cho quen chạy mau, tập cho quen đi đứng đúng phép, người và ngựa phải gần gũi quen thuộc nhau rồi mới sử dụng được. Các dụng cụ về ngựa xe là yên, cương, dàm và hàm khớp, phải lo cho đủ đầy, bền chắc. Thường thường thì ngựa không trước thì sau, đều bị tổn hại; không tổn hại vì đói thì cũng bị tổn hại vì no. Trời đã tối mà đường còn xa, thì nhiều khi thà để cho người mệt mà cẩn thận chớ cho ngựa mệt, nhờ đó mà ngựa có dư sức để phòng bị trường hợp địch đánh úp ta. Hiểu rõ việc ấy thì tha hồ dọc ngang giữa thiên hạ.