Sách binh pháp/Ngô Tử binh pháp/Trù liệu đối phó với qu^n địch

Tủ sách mở Wikibooks

Võ Hầu nói với Ngô Khởi rằng: Nay nước Tần hiếp phía Tây nước ta, nước Sở bịt phía Nam nước ta, nước Triệu ép phía Bắc nước ta, nước Tề lấn phía Đông nước ta, nước Yên chặn phía sau nước ta, binh sáu nước đem giữ chặt bốn phía, ta bị kẹt vào thế phá bất tiện, biết lo tính làm sao đây?

Khởi đáp rằng: Phép giữ nước nhà là trước hết phải lấy sự phòng bị làm quý. Nay vua biết phòng bị thì tai hoạ còn xa xăm chưa thể tới được. Hạ thần xin luận về phong tục, tính tình của người dân sáu nước:

Nước Tề bày trận cẩn thận mà không vững bền;

Nước Tần bày trận rời rạc nhưng biết tự đánh;

Nước Sở bày trận chỉnh tề nhưng không được lâu;

Nước Yên bày trận giữ thế thủ nhưng không bỏ chạy;

Tam Tấn bày trận có trật tự nhưng không vận dụng.

Dân Tề tính khí cứng cỏi, nước giàu, vua tôi kiêu căng xa xỉ, nhưng việc săn sóc lê dân rất sơ sài, nền chính trị khoan dung nhưng bổng lộc phân chia không đều, một trận mà hai lòng, phía trước cẩn thận mà phía sau khinh suất, cho nên bày trận cẩn thận mà không vững bền. Phép đánh họ ắt là chia quân ra ba phần mà đánh vào hai hông phải và trái, bám sát theo họ thì có thể phá trận của họ được.

Dân Tần tính khí mạnh mẽ, đất đai hiểm trở nên chính trị nghiêm khắc, sự thưởng phạt đúng đắn, người dân không nhúng nhường, ai ai cũng có lòng chiến đấu, cho nên bày trận rời rạc mà mọi người đều biết tự đánh. Phép đánh họ là trước hết phải bày điều lợi để dẫn dụ họ, sĩ tốt tham đoạt lợi nên rời xa tướng suý, thừa dịp họ khinh suất đuổi theo làm cho ba quân rời rạc, và đặt phục binh chờ cơ hội mà đánh úp thì có thể bắt tướng suý của họ được.

Dân Sở tính khí yếu ớt, đất đai rộng rãi, nền chính trị rối loạn, dân chúng mỏi mệt, cho nên bày trận chỉnh tề nhưng không được lâu dài. Phép đánh họ là ùa đánh vào các đồn trước hết phá tan nhuệ khí của họ. Thình lình rồi đánh, rồi rút lui thật nhanh, làm cho họ khốn đốn vất vã, chớ nên giao tranh với họ, làm như thế thì có thể đánh bại quân họ được.

Dân Yên tính khí thành thực, cẩn thận, thích sự nghĩa dũng, ít mưu mô dối trá, cho nên cố giữ mà không bỏ chạy. Phép đánh họ là đến sát bức bách họ, đánh phá họ rồi bỏ đi xa, cho quân kị chạy vòng ra phía sau họ thật nhanh, làm cho bên địch trên thì nghi ngờ, dưới thì sợ hãi, phải cận thận đề phòng chiến xa và quân kị của ta, như thế tướng của họ phải né tránh ta và ta có thể chận bắt được.

Tam Tấn chính là Trung Quốc, tính tình hoà nhã, nền chính trị bình an, dân chúng đã mệt mỏi vì chiến tranh, đã tập quen việc binh bị, tướng suý bị bạc đãi, bổng lộc ít ỏi, sĩ tốt không có lòng liều chết nên tuy có trật tự mà không sử dụng được. Phép đánh họ là bày trận mà ngăn chận họ, họ đến thì ta chống cự, họ bỏ đi thì ta đuổi theo, cốt làm cho quân đội của họ mệt mỏi, đó là thế đánh.

Thế rồi, trong mỗi đội quân, ắt có những dũng sĩ, đủ sức gánh vác nhẹ nhàng, chân chạy lẹ làng như ngựa rợ Nhung, giật cờ bắt tướng đều có đủ khả năng, nếu được hạng người như thế thì chọn riêng họ ra, thương yêu, quý mến họ, đó gọi là quân mệnh; theo công dụng của họ mà chia ra năm thứ binh: tài giỏi, mạnh mẽ, dẻo dai, mau lẹ, nuôi chí nuốt địch, đều ban them cho họ phẩm tước, để họ quyết thắng, hậu đãi cha mẹ, vợ con họ, tưởng thưởng để khuyến khích họ, trừng phạt để uy phục họ, hạng sĩ tốt ấy có thể lập trận vững bền, giữ nước lâu dài. Nếu biết suy xét điều ấy thì sức đánh của quân ta sẽ tăng gấp bội.

Võ Hầu khen là hay.

Ngô Tử nói rằng: Khi trù liệu đối địch, có tám trường hợp nên đánh ngay mà chẳng cần bói toán:

– Thứ nhất là khi gió lớn, trời lạnh gắt, địch thức dậy sớm để dời binh, phá băng vượt nước, không ngại gian nan.

– Thứ hai là đang ngày hè nóng nực, trời trong vắt không mây, quân địch chịu đói khát rong ruổi, cốt để giành giựt ở nơi xa;

– Thứ ba là địch quân bị kẹt cứng lâu ngày ở một chỗ, lương thực hết sạch, trăm họ oán giận, nhiều kẻ bàn tán việc hoà phục mà cấp trên không ngăn cắm được.

– Thứ tư là địch quân hết sạch tiền của lương thực, củi cỏ thì ít ỏi, trời thì nhiều mây mưa, muốn đi cướp giật để ăn mà cũng không tìm ra chổ nào;

– Thứ năm là địch gặp cảnh sĩ tốt không nhiều, đất nước không tiện lợi, người ngựa bị bệnh tật, các nước láng giềng bốn bên không đến giúp;

– Thứ sáu là địch gặp cảnh đường còn xa mà trời đã tối, sĩ tốt vất vả và lo sợ, mệt mỏi và chưa ăn, đang cởi giáp để nghỉ ngơi.

– Thứ bảy là bên địch, tướng tá ăn ở lạt lẽo, nhỏ nhen, lại sĩ khinh suất, lính tráng không vững vàng, ba quân nhiều lần sợ hãi, quân đội không được giúp đỡ.

– Thứ tám là bên địch bày trận chưa hẳn hoi, dựng dinh trại chưa xong, đi ngược triền dốc, qua nơi hiểm trở, nửa ẩn nửa hiện.

Gặp những trường hợp như thế, ta nên đánh chúng mà chớ nghi ngại gì cả. Có sáu trường hợp phải tránh né địch quân mà không cần xem tốt xấu.

– Thứ nhất là địch có đất đai rộng rãi bao la, nhân dân giàu có, đông đúc;

– Thứ hai là bên địch, người trên biết thương kẻ dưới, ân huệ ban bố đầy rẫy khắp dân chúng;

– Thứ ba là bên địch, sự tưởng thưởng rất tín thực, hình phạt đúng đắn và thi hành đúng lúc;

– Thứ tư là bên địch đánh trận thì thành công, ở nhà thì tề chỉnh, biết sử dụng người hiền năng;

– Thứ năm là địch có quân lính đông đảo, rất tinh tường việc binh giáp;

– Thứ sáu là địch có các lân bang bốn bên trợ giúp, có nước lớn sẵn sang cứu viện;

– Nếu thấy rằng ta không bằng địch về các phương tiện ấy thì nên né tránh mà đừng đánh chúng, đó gọi là: “thấy dễ thì tiến, thấy khó thì lui”.

Võ Hầu hỏi rằng: Ta muốn xem tình trạng bên ngoài của địch mà biết được tình hình bên trong, xem cách chúng tiến lên mà biết rằng chúng muốn dừng lại, để quyết định sự hơn thua. Ngài có thể giảng cho ta nghe được không?

Khởi đáp rằng: Quân địch đến gần, như ra vẻ vô tư lự, cờ xí rối loạn, người ngựa ngược xuôi không ngay ngắn chỉnh tề, nếu gặp trường hợp như thế, một người bên ta có thể đánh mười người bên địch, khiến cho chúng không thể sắp đặt kịp thời đối phó với ta.

Các nước chư hầu chưa tụ hội để giúp nhau, vua tôi của họ chưa hoà hợp, hào luỹ chưa chuẩn bị xong, mệnh lệnh chưa được thi hành, ba quân huyên náo. Họ muốn tiến lên mà không được, muốn lui về mà không dám, nếu gặp trường hợp như thế, một số ít quân ta cũng có thể đạnh bại số nhiều quân địch, một trăm trận cũng không nguy hại.

Võ Hầu hỏi: Nên đánh địch vào những lúc nào?

Khởi đáp rằng: Khi dụng binh nên dò xét để biết quân địch mạnh hay yếu vào lúc nào và ở chỗ nào để đánh chúng vào lúc nguy nan;

– Quân địch đi từ xa mới tới, hàng lối chưa chỉnh tề: nên đánh chúng!

– Quân địch mới bắt đầu ăn chưa sắp đặt sẵn sang: nên đánh chúng!

– Quân địch chạy trốn: nên đánh chúng!

– Quân địch đang làm lụng khó nhọc: nên đánh chúng!

– Quân địch chưa chiếm được địa lợi: nên đánh chúng!

– Quân địch trể nải, chuẩn bị không kịp ngày giờ: nên đánh chúng!

– Quân địch vượt đường dài, mới tới chưa kịp nghỉ ngơi: nên đánh chúng!

– Tướng địch rời xa sĩ tốt: nên đánh chúng!

– Quân địch có lòng sợ hãi: nên đánh chúng!

Gặp những trường hợp như thế, ta chọn sĩ tốt tinh nhuệ để xông tới rồi chia binh tiếp thêm vào, đánh gấp mà chớ nghi ngại gì cả.