Sách binh pháp/Ngô Tử binh pháp/Mưu đồ việc nước

Tủ sách mở Wikibooks

Ngô Tử phục sức theo lối nhà nho đến yết kiến Nguỵ Văn Hầu để bàn về việc binh.

Văn Hầu nói: “Quả nhân không thích việc quân lữ.

Khởi đáp: “Hạ thần nhân vì dò xét xác việc sâu kín, theo dõi các việc từ xưa đến nay, sao nhà vua lại nói những lời trái với lòng mình? Nay nhà vua suốt bốn mùa đều khiến giết trâu bò để lột da đem thuộc, lấy sơn đỏ phết ở ngoài, vẽ những hình xanh đỏ, dùng những da tê, da voi bóng láng, nếu dùng da ấy để mặc vào mùa đông thì không được ấm, mặc vào mùa hè thì không được mát; Vua khiến đặt rèn kích dài hai trượng bốn thước, kích ngắn một trượng hai thước; Vua khiến đặt làm bọc da che bít các cửa, bánh và trục rất thô kệt, lấy mắt để xem thì không được đẹp, cưỡi để đi xem ruộng thì không được nhẹ, không biết vua có thể nào dùng những thứ ấy mà được yên lòng chăng?

Nên làm như thế để chuẩn bị, tới thì danh, hư thì giữ mà chẳng cần đem dùng những thứ ấy cho đúng mực, điều ấy có thể ví như đem gà con đang ấp để đấu với chồn cao, đem cho con đang bú để khêu chọc cọp dữ, tuy là có lòng chiến đấu nhưng thực đưa vào chỗ chết vậy!

Ngày xưa vua họ Thừa Tang chỉ lo tu tức àm phế bỏ việc võ bị cho nên nước bị huỷ diệt, vua họ Hữu Hổ cậy đông ưa mạnh nên xã tắc phải táng vong. Nhà vua sáng suốt xét việc ấy, ắt bên trong phải lo trau dồi văn đức, bên ngoài lo sửa sang việc võ bị. Sức mạnh ngang với địch mà không tiến được thì đáng gọi là nghĩa dũng! Cho đến khi thấy chết thây đã cứng đơ mới buồn thương thì không đáng gọi là nhân ái.

Nhân bởi đó, Văn Hầu tự tay mình trải chiếu, phu nhân bưng chiến mời Ngô Khởi uống rượu tại miếu đường, lập khởi làm đại tướng trấn thủ Tây Hà, đánh nhau với chư hầu bảy mươi sáu trận, toàn thắng được sáu mươi tư trận, còn dư lại thì hoà nhau, mở rộng đất bốn phía, giành lấy ngàn dặm đất, tất cả đều là công của Khởi cả.

Ngô Tử nói: Ngày xưa các bậc vua chúa mưu đồ việc quốc gia, ắt trước hết phải dạy dỗ trăm họ, gần giữ muôn dân.

Có bốn mối bất hoà:

– Trong nước không hoà hợp thì đừng ra quân;

– Trong nước không hoà hợp thì đừng bày trận;

– Trong nước không hoà hợp thì đừng tiến đánh;

– Trong khi đánh không hoà hợp thì không thể quyết thắng.

Bởi thế cho nên bậc vua chúa có đạo lí, nếu muốn sử dụng dân chúng, thì trước hết phải hoà hợp lòng dân rồi sau mới làm được việc lớn. Không dám tin cậy vào mưu kế của riêng mình, ắt phải cáo trước với Trời Đất và tổ tiên nơi tổ miếu, xem việc lành dữ bày ra ở mu rùa coi them thời trời, nếu đều tốt lành cả thì sau mới dấy binh được.

Người dân liền biết nhà vua thương xót mạng sống của họ, buồn tiếc về sự chết choc của họ, nếu được như thế thì bề trên và người dưới cũng gặp hoạn nạn với nhau thì sĩ tốt sẽ cho rằng tiến tới chỗ chết là vinh, lui về cầu sống là nhục.

Ngô Tử nói:

– Đạo là trở về gốc;

– Nghĩa là làm việc, lập công;

– Mưu là lìa bỏ điều hại, chạy tới điều lợi.

– Việc trọng yếu là bảo toàn sự nghiệp giữ gìn sự thành công.

Nếu hành động không hợp đạo, xử sự không hợp nghĩa mà xử sự ra vẻ ta đây là to hơn, cao sang, ắt là phải gặp tai hoạ, bởi thế thánh nhân yên dân bằng đạo lí, trị dân bằng chính nghĩa, sai khiến dân bằng nghi lễ, vỗ về dân bằng nhân ái. Bốn đức tính ấy được trau dồi thì nước nhà hưng thịnh, bị phế bỏ đi thì nước nhà suy vong. Cho nên vua Thành Thang đánh vua Kiệt mà dân nhà hạ vui mừng, vua Võ Vương đời Chu đánh vua Trụ mà dân nhà Ân không cho là trái lẽ. Đó là nhờ khởi binh thuận theo Trời và Người nên mới được như thế.

Ngô Tử nói: Phàm chế định việc nước, sửa trị việc quân ắt là phải lấy lễ nghi để dạy dân, lấy nghĩa vụ để khuyến khích dân, khiến cho người dân biết xấu hổ. Con người ta biết xấu hổ, hễ nhiều làm là đánh, ít làm là giữ; Nhưng:

Đánh mà thắng được là dễ;

Giữ mà thắng được là khó;

Cho nên mới nói rằng: Giữa các nước đánh nhau trong thiên hạ:

– Ai thắng năm lần thì gặp tai hoạ;

– Ai thắng bốn lần thì chịu tệ hại;

– Ai thắng ba lần thì làm bá;

– Ai thắng hai lần thì làm vương;

– Ai thắng một lần thì làm đế.

Thắng nhiều lần mà chiếm được thiên hạ là trường hợp ít có; thắng nhiều lần mà mất thiên hạ là trường hợp thường thấy.

Ngô Tử nói: Phàm việc dấy binh mã có năm cớ:

– Thứ nhất là vì tranh danh;

– Thứ hai là vì tranh lợi;

– Thứ ba là vì chứa ác;

– Thứ tư là vì nội loạn;

– Thứ năm là vì đói kém;

Binh lại có năm danh hiệu khác nhau:

– Thứ nhất là nghĩa binh (binh nghĩa hiệp)

– Thứ hai là cường binh (binh mạnh)

– Thứ ba là cương binh (binh cứng)

– Thứ tư là bạo binh (binh hung dữ)

– Thứ năm là nghịch binh (binh trái ngược)

– Ngăn chặn việc bạo ác, cứu nước nhà trong cơn loạn lạc, đó gọi là nghĩa;

– Cậy đông để đánh người gọi là mạnh;

– Nhân cơn giận mà dấy binh gọi là cứng;

– Bỏ lễ nghĩa mà tham lợi gọi là hung dữ;

– Khi nước loạn, người mệt mà dấy binh đánh người, gọi là trái lẽ.

Năm loại binh ấy đều có phép khắc phục.

– Lấy gặp nghĩa binh thì lấy lễ nghĩa mà khắc phục họ;

– Nếu gặp cường binh thì lấy sự khiêm cung mà khắc phục họ;

– Nếu gặp cương binh thì lấy sự từ tốn mà khắc phục họ;

– Nếu gặp bạo binh thì dùng cách đánh lừa mà khắc phục họ;

– Nếu gặp nghịch binh thì dùng cơ quyền mà khắc phục họ.

Võ Hầu hỏi rằng: Xin được nghe về phép trị binh nuôi người, giữ nước.

Khởi đáp rằng: Ngày xưa bậc quân vương sáng suốt ắt phải lo giữ gìn lễ chế giữa vua và tôi, lo trau dồi nghi thức giữa người trên và kẻ dưới, vỗ về trăm họ, gom trị dân chúng, chiếu theo phong tục mà giao huấn, tìm mời các bậc lương thiện tài năng để phòng bị cho khỏi sai lầm.

Ngày xưa, Tề Hoàn Công chiêu mộ triệu tập được bón văn sĩ tốt mà được thoả chí. Tần Mậu Công đem ba vạn sĩ tốt ra hãm trận mà khuất phục được các lân bang thù địch. Cho nên làm vua một cường quốc ắt phải nuôi người.

– Nếu có những kẻ can đảm, mạnh mẽ thì gom họ lại thành một tốp.

– Nếu có những kẻ hăng hái tiến đánh, cố hết sức để bày tỏ lòng trung dũng thì gom họ lại thành một tốp.

– Nếu có những kẻ có tài trèo cao, vượt xa, lẹ chân chạy giỏi thì gom họ lại thành một tốp;

– Nếu có những tôi tớ cũ của nhà vua bị mất chức, nay muốn lập công với bề trên thì gom họ lại thành một tốp;

– Nếu có những kẻ bỏ thành không giữ, nay muốn rửa vết nhơ ấy thì gom họ lại thành một tốp.

Đó là năm phép để kén chọn quân tinh nhuệ. Kiếm được ba ngàn người như thế, ở trong đánh ra có thể phá vỡ vòng vây, ở ngoài đánh vào có thể hạ thành.

Võ Hầu hỏi rằng: Xin được nghe về phép lập trận cho được vững vàng, phép giữ gìn cho được chắc chắn, phép đánh phá cho được thắng lợi.

Khởi đáp rằng: Nhà vua đứng xem thì còn có thể hiểu cách thức được, há chỉ nghe giảng mà hiểu được sao?

Nếu vua đăt người hiền tài ở trên, kẻ ngu xuẩn ở dưới thì có thể bày trận vững vàng;

Nếu nhân dân sống yên ổn với nhà ruộng của họ, thân yêu quan lại coi sóc họ, thì có thể giữ gìn chắc chắn;

Nếu trăm họ co là vua ta phải lẽ, địch quốc trái lẽ, thì có thể đánh phá thắng lợi.

Thường khi Võ Hầu bàn luận việc nước, mà thấy các quan trong triều không ai thông thái bằng mình được, thì lúc bãi triều vua tỏ vẻ vui mừng.

Khởi tiến lên nói rằng: Ngày xưa, thường khi vua Sở Trang Vương bàn luận việc nước,mà thấy các quan trong triều không ai thông thái bằng mình thì lúc bãi triều Vua tỏ vẻ lo buồn. Thân Công hỏi vua rằng: Vua có vẻ lo buồn, vì sao thế? Vua đáp: Quả nhân nghe rằng đời không bao giờ hết thánh nhân, nước không bao giờ thiếu hiền tài, ai được các bậc ấy làm thầy là người ấy làm Vương, ai được các bậc ấy làm bạn thì người ấy làm Bá. Nay quả nhân là người bất tài, mà các quan trong triều không ai hơn được quả nhân, đó là điều nguy hại của nước Sở vậy vào trường hợp Sở Trang Vương lo buồn mà nhà vua lại vui mừng thì hạ thần phải thầm lo sợ vậy!

Nghe nói thế, Võ Hầu bèn có sắc khen.