Sách binh pháp/Ngô Tử binh pháp/Luận tướng

Tủ sách mở Wikibooks

Ngô Tử nói rằng: Ai có tài kiêm văn võ thì có thể làm tướng cầm ba quân; ai giỏi gồm được hai thuật cứng mềm thì có thể coi được việc binh.

Người ta luận tướng, thường xét tính dũng cảm của họ, nhưng tính dũng cảm ấy chỉ đáng coi là một phần nhỏ trong toàn thể đức tính của tướng suý. Người dũng cảm ắt là coi thường sự hợp chiến; coi thường sự hợp chiến mà không biết đâu là lợi ích, chưa phải là điều hay.

Cho nên tướng suý có 5 điều thận trọng:

– Thứ nhất là chỉnh lí;

– Thứ hai là chuẩn bị;

– Thứ ba là quả cảm;

– Thứ tư là giới luật;

– Thứ năm là giản ước;

– Biết chỉnh lí thì trị nhiều người cũng giống như trị ít người;

– Biết chuẩn bị thì đi ra cửa cũng giống như đi gặp địch;

– Có lòng quả cảm thì khi gặp địch, không hề cầu sống;

– Biết giữ giới luật thì dù có hơn thua, cũng giống như mới đánh.

– Có tính giản ước thì pháp lệnh vắn tắt mà không rắc rối. Nhận mệnh lệnh rồi thì không từ nan, dẹp địch xong rồi mới nói chuyện trở về, đó là lễ nghi của tướng suý.

Cho nên từ ngày ra quân, thà chết vinh còn hơn sống nhục.

Ngô Tử nói rằng: Việc binh có 4 binh cơ (bốn việc binh then chốt):

– Thứ nhất là khí cơ;

– Thứ hai là địa cơ;

– Thứ ba là sự cơ;

– Thứ tư là lực cơ;

– Các việc sắp đặt to hay nhỏ của ba quân dù đông tới trăm vạn, cũng đều gom lại để do một người cầm nắm, đó gọi là khí cơ (việc chỉ huy);

– Đường sá chật hẹp, hiểm trở, núi cao chận đường, mười người chấn giữ thì ngàn người không vượt qua được, đó là địa cơ (việc coi đất);

– Giởi việc gián điệp, cho khinh binh đi về, làm li tán quân địch, khiến cho vui tôi họ oán nhau, trên dưới đổ lỗi cho nhau, đó gọi là sự cơ (việc gián điệp, tình báo);

– Xe cộ bền bỉ, thuyền bè tiện lợi, sĩ tốt thiện chiến, ngựa voi tập quen di đứng, chạy nhảy, đó gọi là lực cơ (việc quân nhu và huấn luyện).

Biết rõ bốn việc ấy thì có thể làm tướng.

Tuy nhiên người tướng phải có đủ uy, đức, nhân, dũng để dẫn dắt người dưới, trị yên ba quân, khiến địch sợ hãi, có tài quyết đoán không để hồ nghi, ban lệnh cho thì kẻ dưới không dám làm trái, đến nơi nào thì giặc không dám chống cự. Được tướng ấy thì nước mạnh, bỏ tướng ấy thì nước mất, đó gọi là tướng giỏi.

Ngô Tử nói rằng:

– Dùng chiêng trống chuông mõ là để tai sợ uy;

– Vẫy phất cờ xí là để mắt sợ uy;

– Bày ra các điều cấm chế, hinh phạt là để lòng sợ uy;

– Tiếng làm tai sợ uy, không thể không thanh;

– Sắc làm mắt sợ uy, không thể không sáng;

– Hình phạt làm lòng sợ uy, không thể không nghiêm.

Ba việc ấy không hẳn hoi thì dù có được nước cũng bị địch đánh bại.

Cho nên có nói rằng:

– Tướng vẫy về phía nào, không thể không đi theo phía ấy;

– Tướng đã chỉ tay, không thể không tiến lên mà chết.

Ngô Tử nói rằng: Khi cần tranh chiến, việc cốt yếu là trước hết phải dò xét tướng lĩnh của quân địch, quan sát tài năng của họ, tuỳ theo hình thế mà dùng quyền mưu, thì không vất vã mà lập được công.

– Tướng của địch ngu ngốc mà lại tin người thì ta có thể lừa dối họ để dẫn dụ họ;

– Tướng địch tham lam mà không cầu danh thì ta có thể dùng tiền của để hối lộ;

– Tướng địch cử động không thận trọng mà lại thiếu quyền mưu, thì ta có thể làm cho họ vất vả, lâm cảnh nguy khốn;

– Bên địch người trên giàu có mà kêu căng, kẻ dưới nghèo khó mà oán vọng, thì ta li gián họ;

– Quân địch tới lui không quyết định, sĩ tốt không biết nương tựa vào đâu, ta có thể làm cho họ rung động mà chốn chạy;

– Bên địch, sĩ tốt coi thường tướng suý mà có bụng muốn về, chọn các nơi dễ đi, mở thông các nơi khó đi, ta chờ cơ hội mà đánh chiếm;

– Quân địch dễ tới, khó lui, như thế chúng có thể tiến tới trước( để đánh ta);

– Quân địch khó tới, dễ lui, ta có thể xông tới gần mà đánh chúng;

– Địch đóng quân nơi ẩm thấp, nước chảy không thông, gặp khi mưa dầm, thì sẽ bị lụt lội, chìm đắm;

– Địch đóng quân nơi hoang vu, cỏ gai rậm rạp, gió thường thổi mạnh, ta có thể dùng lửa để đốt chúng;

– Địch ở mãi không đi, tướng sĩ trễ biếng, như thế quân địch không phòng bị, ta có thể âm thầm đến đánh úp chúng.

Võ Hầu hỏi rằng: Hai quân đối mặt nhau, không biết tướng địch như thế nào, ta muốn dò xét tướng của họ, phải dùng phương pháp nào?

Khởi đáp rằng: Nếu mệnh lệnh tầm thường mà tỏ ra dũng cảm, tướng địch tỏ ra coi thường sĩ tốt tinh nhuệ của ta như thế là địch muốn bỏ chạy chớ không muốn đánh chiếm.

Nếu ta thấy địch đi tới, kẻ ngồi người đứng, chính pháp của họ chỉ cốt để trị yên, họ trốn chạy làm ra vẻ không bằng ta, lại thấy điều lợi mà làm như không hay biết gì, tướng địch như thế đáng gọi là tướng mưu trí, không nên đánh nhau với họ.

Nếu quân địch huyên náo, cờ xí rối loạn, sĩ tốt muốn đi thì đi, muốn dừng thì dừng, binh đội tự do đi ngang đi dọc không có khuôn phép, khi trốn chạy thì lo rằng không kịp, khi thấy lợi thì lo không chiếm được, đó là hạng tướng ngu ngốc, dù có nhiều quân, ta cũng vẫn đánh bại chúng được.