Sách binh pháp/Lục thao binh pháp/Hổ thao

Tủ sách mở Wikibooks

HỔ THAO (虎韬)

Khương Tử Nha (Khương Thượng - Lã Vọng) Khương Tử Nha (Khương Thượng – Lã Vọng)

Thiên thứ nhất: QUÂN DỤNG[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Khi vua điều binh, các vật dụng trong ba quân, chiến cụ quân khí ít hay nhiều, có theo khuôn phép không?”.

Thái Công đáp: “Câu hỏi của vua thật là lớn. Các loại chiến cụ quân khí đều có kích thước và số lượng riêng. Đấy là cái uy lớn của nhà vua”.

Võ Vương nói: “Xin được nghe về điều này”.

Thái Công đáp: “Phàm chỉ huy đại binh, tướng và giáp sĩ hàng vạn người, theo phép phải dùng:

– Xe võ xung to 36 cỗ, quân giỏi nỏ cứng mâu kích yểm hộ hai bên, mỗi xe có 24 người đẩy. Dùng bánh xe tám thước, trên xe đặt cờ trống, binh pháp gọi là chấn hải, để phá trận kiên cố, đánh quân địch mạnh.

– Xe võ dục to 72 chiếc, quân giỏi nỏ cứng mâu kích yểm hộ hai bên, dùng bánh xe thước, cột nỏ vào xe, để phá trận kiên cố, đánh quân định mạnh.

– Xe đề dực nhỏ 140 chiếc, cột nỏ vào xe dùng bánh xe hươu, để phá trận kiên cố, đánh quân địch mạnh.

– Xe đại hoàng tham liên 36 cỗ, quân giỏi nỏ cứng mâu kích yểm hộ hai bên, sử dụng phi phù và điện ảnh. Phi phù là loại tên cán đổ cánh trắng, đầu bằng đồng. Điện ảnh là loại tên cánh xanh cánh đỏ, đầu bằng sắt. Ban ngày dùng lụa đỏ dài 6 thước, rộng 6 tấc làm dấu hiệu rực rở. Ban đêm dùng lụa trắng dài 6 thước, rộng 6 tấc làm dấu hiệu sao băng, để phá trận kiên cố, đánh quân bộ và kị binh.

– Xe xung kích to 36 cỗ, chở các võ sĩ cảm tử, có thể xong pha ngang dọc, đánh xe quân nhu và kị binh, còn gọi là điện xa. Binh pháp gọi là điện kích để phá trận kiên cố,đánh bộ binh, kị binh tấn công ban đêm.

– Xe mâu kích nhẹ 160 chiếc,mỗi xe có 3 võ sĩ cảm tử. Binh pháp gọi là đình kích, để phá trận kiên cố, đánh bộ binh và kị binh.

– Gậy sắt đầu vuông nặng 12 cân, đuôi dài 5 thước trở lên, 1200 cây, gọi là thiên bối.

– Rìu to lưỡi dài 8 tấc, nặng 8 cân chuôi dài 5 thước trở lên, 1200 cây, còn gọi là thiên việt.

– Búa sắt đầu vuông nặng 8 cân, chuôi dài 5 thước, 1200 cây, còn gọi là thiên chuỳ, để đánh bộ binh và kị binh.

– Phi câu dài 8 tấc, câu mang dài 4 tấc, chuôi dài 6 thước trở lên, 1200 cây để khi phòng thủ phóng vào quân giặc.

– Xe xung kích gỗ rộng 2 trượng, 120 chiếc còn gọi là hành mã, đi trên đất bằng, để bộ binh đánh quân xa và kị binh.

– Xe ủi gai góc, 2 thước 5 tấc, 120 chiếc để đánh bộ binh và kị binh.

– Muốn đuổi giặc thua chạy, dùng xe đoản xung mâu kích 120 chiếc, xưa Hoàng đế đã dùng để đánh bại Sy-Vưu và quân bộ binh, kị binh.

Muốn đuổi giặc thua chạy, nơi ngõ đường mòn đặt chông sắt lưỡi nhọn 4 tấc, rộng 8 tấc, dài 6 thước trở lên, 1.200 cây, để đánh bộ binh và kị binh.

Phòng giặc thình lình kéo đến khiêu chiến trước khi trời tối, đặt lưỡi dao, chông 2 mũi và gai nhọn hình ngôi sao, rải rác khắp mặt đất, cách nhau 2 tấc, 12.000 cái.

Nơi đồng cỏ trống trãi: đặt mâu ngắn cán vuông bằng sắt, 1200 cây, và mâu dài cán sắt cao 1 thước tấc, để đánh bộ binh, kị binh.

Muốn đuổi giặc thua chạy chống giữ cửa thành, dùng xe mâu kích nhỏ 12 chiếc, cột nỏ trên xe.

Khi ba quân phòng thủ, dùng phên tre nối thành một bộ, rộng 1 trượng 5 thước, cao 8 thước, 120 bộ.

Xe chống đao kiếm rộng 1 trượng 5 thước, cao 8 thước, 520 bộ.

Phi kiều 1 bộ để vượt hào sâu, rộng 1 trượng 5 thước, dài 2 trượng trở lên, dùng ròng rã 8 bộ,cột dây kéo lên.

Phi giang 8 bộ, để vượt sông to rộng 1 trượng, 5 thước, dài 2 trượng trở lên, cột dây kéo lên.

Thiên phù 32 chiếc trong vuông ngoài tròn, đường kính 4 thước trở lên, để nối liền với nhau.

Đặt phi giang lên thiên phù để vượt qua bể cả gọi là thiên hoàng hay là thiên hương (thuyền).

Đóng quân nơi rừng núi thì kết phên che dinh, xung quanh có cọc sắt dài 2 trượng trở lên, 1.200 cây.

Dây to 4 tấc, dài 4 trượng trở lên, 600 sợi

Dây vừa 2 tấc, dài 4 trượng trở lên, 200 sợi

Dây nhỏ dài 2 trượng trở lên, 1.200 sợi.

Trời mưa dùng ván đậy xe rộng 4 thước, dài 4 trượng trở lên, mỗi xe dùng bằng cọc sắt.

Rìu to để chặt cây, nặng 8 cân, chuôi dài 3 thước trở lên, 300 cây.

Kích bọc lụa đỏ lưỡi rộng 6 tấc, chuôi dài 5 thước trở lên, 300 cây.

Đồng trúc dài thước trở lên, 300 cây.

Cào sắt chuôi dài 7 thước trở lên, 300 cây.

Chĩa sắt chuôi dài thước trở lên, 300 cây.

Chĩa sắt 2 ngạnh chuôi dài 7 thước trở lên, 300 cây. Liềm to phát cỏ, chuôi dài 7 thước trở lên 300 cây.

Đẩu to nặng 8 cân, chuôi dài 6 thước, 300 cây.

Cọc sắt dài 3 thước trở lên, 300 cây

Búa to nặng 5 cân, chuôi dài 2 thước trở lên 120 cây.

Giáp sĩ 10.000 người. Nỏ cứng 6.000 chiếc. Kích thuẩn 2.000 bộ

Mâu thuẩn 2.000 bộ

Thợ giỏi để sửa chiến cụ, mài binh khí, 300 người.

Đấy là số lượng lớn về quân dụng để dùng vào việc binh”.

Thiên thứ hai: TAM TRẬN

Võ Vương hỏi Thái Công: “Phàm dùng binh bày thiên trận, địa trận, nhân trận như thế nào?”.

Thái Công đáp: “Mặt trời, mặt trăng, sao đẩu, sao tiêu, một bên trái, một bên phải, một đằng trước, một đằng sau, gọi là thiên trận.

Gò, đống, sông, suối cũng có lợi về đằng trước đằng sau, bên trái, bên phải gọi là địa trận.

Dùng xe, dùng ngựa, dùng văn, dùng võ gọi là nhân trận”.

Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ ba: TẬT CHIẾN[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Khi địch vây ta, cắt đứt phía trước, phía sau, chặn đường vận chuyển lương thực của ta thì phải làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Đấy là quân ta bị nguy khốn. Dùng binh nhanh bạo thì thắng, chậm trễ thì thua. Trong tình trạng này, phải áp dụng tử võ xung trận. Dùng chiến xa và kị binh dũng cảm gây rối trong hàng ngũ địch, rồi thừa cơ đánh thật nhanh thì có thể tự do tung hoành”.

Võ Vương hỏi: “Khi thoát khỏi vòng vây, ta muốn nhân dịp đó mà đánh thắng địch thì phải làm thế nào?”

Thái Công đáp: “Quân bên trái đánh nhanh về phía trái, quân bên phải đánh nhanh về bên phải, không tranh giành đường đi vơi địch. Quân ở giữa thì thay đổi khi trước khi sau. Như thế, binh địch tuy đông, nhưng tướng có thể bỏ chạy”.

Thiên thứ bốn: TẤT XUẤT[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Đem quân vào sâu đất chư hầu, bị địch bao vây bốn mặt, chặn đường rút lui cắt đứt đường vận chuyển lương thực của ta. Quân địch đã đông lương thực lại nhiều, ta rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm mà muốn thoát ra thì phải làm thế nào?”

Thái Công đáp: “Cách để thoát ra là lấy khí giới làm quý, chiến đấu anh dũng làm đầu, biết rõ điểm yếu của địch và những chổ không có người thì có thể thoát được.

Tướng sĩ cầm cờ đen, mang khí giới, ngậm hàm mai, chờ đêm đến đem hết sức.

Tướng sĩ can đảm dàn hàng ngang đi đầu, mở đường cho quân tiến lên. Quân giỏi nỏ cứng làm phục binh đi sau, quân yếu và xa kị đi giữa. Dàn trận xong rồi thong thả mà đi, cẩn thận đề phòng, không nên sợ hãi, cho xe võ xung đi trước và sau để chống cự, xe võ dực phòng vệ hai mặt phải, qua trái.

Nếu quân địch phát giác, thì tướng sĩ can đảm đánh nhanh về trước, quân yếu và xa kị theo sau, quân giỏi nỏ cứng mai phục một nơi để theo dõi, chờ địch đuổi đến thì nổi trống đốt lửa, đánh mạnh sau lưng như ở dưới đất chui lên: từ trên trời rơi xuống, ba quân chiến đấu mạnh mẽ thì địch không có thể chống lại ta”.

Võ Vương nói: “Phía trước có sông to, hào rộng hố sâu, ta muốn vượt qua mà không chuẩn bị thuyền bè. Quân địch đóng đồn ngăn trước chặn sau, các nơi hiểm yếu đều có quân thường xuyên cảnh giới. Quân xa kị đón đánh phía trước, quân cảm tử đuổi đánh phía sau thì làm thế nào ?”

Thái Công đáp: “Nơi sông to, hào rộng, hố sâu quân địch thường không lưu ý phòng thủ, hoặc có phòng thử thì quân cũng ít.

Gặp trường hợp này thì dùng thuyền để vượt qua, quân sĩ khỏe, mạnh và tài giỏi, dưới sự chỉ hủy của ta, cảm tử xông vào trận địch.

Trước phải đốt hết quân dụng, kế đến thiêu hủy lương thực, rồi nói rõ cho sĩ tốt biết nếu đánh mạnh thì sống, không đánh mạnh thì chết.

Khi ra khỏi thì ra lệnh cho quân phía sau nổi lửa canh phòng, ở những nơi có cây cỏ gò mô hiểm trở, quân xa kị địch ắt không dám đuổi theo quá xa. Vì có lửa làm dấu, nên ra lệnh cho quân chạy đến chỗ có lửa thì dừng, gọi là tử võ xung trận. Như thế, ba quân đều chiến đấu mạnh mẽ, không gì có thể ngăn cản được.

Thiên thứ năm: QUÂN LƯỢC[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Đem quân vào sâu đất chư hầu, gặp khe sâu suối lớn, dòng nước hiểm trở, ba quân chưa qua hết thì có mưa to, dòng nước chảy xiết, phía sau không liên lạc được với phía trước. Ta không chuẩn bị thuyền bè, dưới nước cũng không có cây cối có thể giúp mình sang sông. Ta muốn vượt sông thì làm thế nào?”

Thái Công đáp: “Khi đem quânđi tác chiến mà tướng không tính trước, khí giới không đầy đủ, huấn luyện không tin tường, binh sĩ không thuần phục, như thế không phải là quân của bậc vua chúa.

Khi ba quân làm chiến ai cũng phải biết sử dụng các loại khí giới. Đánh thành, vây ấp thì có xe để đánh thành. Trước khi xung kích, muốn nhìn rõ trong thành thì phải có thang cao. Ba quân đi hay dừng thì phải có xe võ xung phòng thủ trước sau.

Gặp đường cùng ngõ hẹp thì phải có quân giỏi, nỏ cứng bảo vệ hai bên đường. Xây cất dinh lũy thì có lưới sắt phên tre, cỏ gai ngăn cản ngựa, ban ngày lên thang cao nhìn xa, dựng cờ ngũ sắc, ban đêm thắp hàng vạn ngọn đèn, đánh trống khua chiêng thổi kèn, vượt hào sâu thì có phi kiều, bừa, cuốc. Qua sông to thì có thuyền. Đi ngược dòng nước thì có cầu nổi. Ba quân có đầy đủ dụng cụ thì chủ tướng không còn lo gì nữa”.

Thiên thứ sáu: LÂM CẢNH[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Ta với địch đánh nhau ở biên cương, địch có thể đến chổ ta, ta có thể đến nơi được, hai bên đều dàn trận kiên cố, không ai dám đốc binh trước. Ta muốn tiến công địch, địch cũng có thể tiến công ta, thì phải làm sao?”

Thái Công đáp: “Chia quân ra ba nơi. Lệnh cho tiền quân đào hào đắp lũy mà không ra, trương cờ xí đánh trống trận mà phòng ngự.

Lệnh cho hậu quân tích trữ lương thực, không để địch biết ý định của ta. Rồi sai quân tinh nhuệ len lỏi mà trộn vào trong dụ địch, đánh lúc họ không để ý, tiến công khi họ không phòng bị, địch không biết tình hình ta, nên không chống lại được”.

Võ Vương hỏi: “Địch biết tình hình ta, rõ mưu kế ta, thám thính được sự việc của ta, đem quân tinh nhuệ mai phục nơi rậm rạp hiểm trở, đánh vào chổ yếu của ta, thì phải làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Lệnh cho tiến quân ban ngày ra khiêu chiến làm cho địch mỏi mệt. Cho quân già yếu cầm cây, đánh trống, hò reo qua lại ở hai bên, không quá trăm bước.

Tướng địch sẽ phải mệt, quân địch sẽ phải sợ hãi, như thế địch sẽ không dám đến chổ ta, còn ta có thể qua bên địch mà không bị ngăn cản, hoặc kích bên trong hoặc kích bên ngoài, ba quân đánh úp thật nhanh thì địch phải thua”.

Thiên thứ bảy: ĐỘNG TỊNH[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Đem quân vào sâu đất chư hầu, chạm trán với địch, hai bên đang ghìm nhau, mạnh yếu đều ngang nhau, chưa ai dám đánh trước.

Ta muốn làm cho tướng địch sợ hãi, sĩ tốt của nó lo âu khi đi trận khí thế không vững vàng, phía sau chỉ muốn chạy, phía trước nhìn về phía sau, ta thừa cơ đánh trống reo hò, khiến địch bỏ chạy thì phải làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Như thế thì ta đem quân đánh địch mười dặm, mai phục hai bên sườn, cho quân xa kị vượt qua hai phía trước và sau quân địch chừng trăm dặm, dùng nhiều cờ xí và chiêng trống.

Khi đánh nhau thì nổi trống reo hò, tướng địch phải kinh hoàng, quân địch sợ hãi, không cứu được nhau, người sang kẻ hèn không đợi nhau thì địch phải thua”.

Văn Vương hỏi: “Nếu địa thế địch khiến ta không thể mai phục hai bên, quân xa kị không thể vượt qua hai phía trước sau, địch biết ý ta nên đề phòng trước. Quân ta hoang mang tướng tá sợ hãi, không đánh thắng địch thì làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Câu hỏi của vua thật là tế nhị. Như thế thì trước khi giao chiến năm ngày, cho quân xích hầu thám thính tin tức địch, để biết rõ nơi họ sẽ đến, rồi dàn quân phục kích đợi chờ, rồi dụ địch vào tử địa.

Ta tránh giao chiến với địch, đưa cờ xí ra xa hàng ngũ lỏng lẻo, địch ắt đuổi theo, ta bèn chống cự, đánh nhau một trận rồi bỏ chạy không ngớt khua chiêng, chạy được ba dặm thì quay lại, khi ấy phục binh nổi lên, hoặc vây hãm hai bên sườn, hoặc công kích hai phía trước và sau, ba quân đánh áp sát thật nhanh thì địch phải chạy”.

Thiên thứ tám: KIM CỔ[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Đem quân vào sâu đất chư hầu, chạm trán với địch, gặp thời tiết quá lạnh, quá nóng, mưa dầm hết ngày này sang ngày khác. Hào luỹ đều hư, cửa ải không phòng thủ, quân xích hầu biếng nhác, sĩ tốt không cảnh giới. Ban đem địch đến ba quân không đề phòng, trên dưới rối loạn thì phải làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Phàm trong ba quân, phải cảnh giác thật nghiêm ngặt, biếng nhác thì thua.

Ra lệnh cho quân trên thành, mọi người đều phải cầm cờ xí, dùng dấu hiệu để truyền lệnh mà không dùng lời nói. Tất cả đều hướng về bên ngoài, ba ngàn người lập thành một đồn, nhắc nhở nhau mỗi người phải giữ gìn cẩn thận chỗ của mình.

Nếu quân địch đến, thấy ta cảnh giới, thì cũng phải bỏ về, đã mệt sức lại nhụt chí, bấy giờ ta cho quân tinh nhuệ đuổi theo mà đánh”.

Võ Vương hỏi: “Nếu địch biết ta đuổi theo mà phục binh tinh nhuệ, giả thua chạy qua chỗ phục kích rồi quay lại, hoặc đánh phía trước, hoặc đánh phía sau, hoặc đánh thành của ta. Ba quân sợ hãi rối loạn, mất cả trật tự bỏ chỗ của mình, thì làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Chia quân làm ba đội mà đuổi theo, đừng vượt qua chỗ phục binh của họ. Khi ba đội cùng đến, hoặc đánh hai phía trước sau; hoặc hãm hai bên sườn, hiệu lệnh rõ ràng, đánh nhanh đánh trước thì địch phải thua”.

Thiên thứ chín: TUYỆT ĐẠO[sửa]

Võ Vương hỏi Thai Công: “Đem quân vào sâu đất chư hầu, cầm cự với địch, địch chặn đường vận tải lương thực của ta, lại vượt qua hai phía trước và sau của ta.

Nếu ta đánh thì không thắng, mà thủ thì không giữ được lâu, vậy phải làm thế nào?”

Thái Công đáp: “Khi đi sâu vào đất địch, phải xét tình thế đất đai tìm chổ tiện lợi, dựa vào núi rừng hiểm trở, có thể suối nước, cây cối mà cũng cố, phòng thủ cẩn thận các nơi quan trọng, lại phải biết lợi thế của thành ấp gò mả. Như thế thì quân ta vững vàng, địch không thể chặn đường vận tải, lương thực cũng không thể vượt qua hai phía trước và sau của ta.

Võ Vương hỏi: “Ba quân qua đồi cao đầm rộng hay chỗ đất bằng phẳng, quân ta bị thất lạc, đột nhiên gioa chiến với địch, nếu đánh mà không thắng, mà thủ thì không vững. Địch bố trí hai bên sườn và vượt qua hai mặt trước và sau của ta khiến cho ba quân kinh sợ thì làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Phàm phép cầm binh, cách địch hai trăm dặm, cánh gần năm chục dặm, nếu có chuyện khẩn cấp thì trước sau có thể cứu nhau.

Ba quân luôn luôn phòng bị vững chắc thì không bị tổn thất”.

Thiên thứ mười: LƯỢC ĐỊA[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Khi đánh thắng tiến sâu vào chiếm đất địch gặp thành lớn không hạ được, lại có một đạo quân đặt biệt của địch đóng nơi hiểm yếu chống lại ta.

Ta muốn đánh thành vây ấp, chỉ e quân địch bất chợt kéo đến, trong ngoài liên kết vây đánh ta, khiến ba quân rối loạn, trên dưới sợ hãi, thì phải làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Phàm khi công thành xây ấp thì cho quân xa kị đóng đồn ở xa để cảnh giới và ngăn trở sự liên lạc giữa bên trong và bên ngoài. Nên bên trong hết lương bên ngoài không thể đưa vào, ngoài trong thành sợ hãi thì tướng địch phải đầu hàng”.

Võ Vương hỏi: “Nếu bên trong hết lương, bên ngoài không thể đưa vào, địch lén giao ước với nhau, mưu kế bí mật, ban đêm đưa quân cảm tử ra quyết chiến, quân xa kị tinh nhuệ xôgn thẳng vào trong trận ta, hoặc đanh từ ngoài vào khiến cho sĩ tốt hoang mang, ba quân tán loạn, thì làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Như thế thì chia quân làm ba phần, xem kỹ địa hình mà chiến đấu, dò xét nơi trú quân và thành luỹ địch, nhân đó bố trí để nhữ địch, đề phòng cẩn mật không để sơ hở.

Quân địch sợ hãi, nếu không chạy vào rừng núi thì chạy về ấp lớn. Cho toán quân địch đi rồi, đem quân xa kị vượt lên đón phía trước đừng để họ trốn thoát.

Người trong thành tưởng là toán quân đi trước đã tìm được lối thoát, ắt cho quân giỏi ra theo, chỉ để lại binh sĩ già yếu. Khi ấy ta đem quân xa kị đuổi theo thật xa, khiến địch khôgn dám ra nữa, nhưng tránh giao chiến với địch, mà chỉ bao vây phòng thủ bên ngoài để chặn đường vận lương của địch.

Không đốt đồ vật, không phá nhà cửa, không đẵn cây cối, khôgn giết kẻ đầu hàng, không hại người bị bắt. Chỉ thị điều nhân nghĩa, ban ân đức sâu rộng, lệnh cho quân dân đich biết là tội chỉ do một người, như thế thì thiên hạ sẽ yên phục”.

Thiên thứ mươi một: HOẢ CHIẾN[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Đem quân vào sâu đất chư hầu, gặp nơi cỏ rậm um tùm bao phủ quân ta bốn phía, đi vài trăm dặm thì người ngựa mệt mỏi phải nghỉ ngơi.

Địch thừa lúc trời nắng gió to, đốt lửa ở đầu gió, lại cho quân giỏi và xa kị phục sau lưng ta khiến ba quân sợ hãi, bỏ chạy tán loạn, thì phải làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Như thế dùng dùng thang mây và lầu cao để nhìn xa hai bên phải trái, quan sát hai phía trước và sau, thấy lửa cháy thì lập tức đốt phía trước cho cháy rộng ra và đốt luôn phía sau ta.

Nếu địch đến phía trước thì dẫn quân lui theo chỗ đất đen. Nếu địch đến phía sau, thấy lửa cháy ắt chạy trở về. Ta cứ tìm chổ đất đen mà đóng, cho quân giỏi nỏ cứng bảo vệ hai bên phải trái và đất hai phía trước sau thì địch không thể hại ta được”.

Võ Vương hỏi: “Địch đốt hai bên phải trái của ta, lại đốt cả hai phía trước sau, khói mù che lấp quân ta, đại binh địch cũng tìm chổ đất đen mà đến thì làm thế nào?”.

Thái Công đáp: “Như thế thì áp dụng tử võ xung trận, cùng xông ra bốn mặt, cho quân giỏ nỏ cứng bảo vệ hai bên phải trái, theo cách này thì không thắng cũng không thua”.

Thiên thứ mười hai: LUỸ HƯ[sửa]

Võ Vương hỏi Thái Công: “Làm thế nào mà biết được sự hư hay thực, việc đi hay đến trong thành luỹ địch”.

Thái Công đáp: “Làm tướng phải trên rõ đạo trời, dưới rành địa lí giữa thông nhân sự, lên chỗ cao trông xuống để quan sát sự biến động của địch, nhìn thành luỹ thì biết thực hay hư, xem sĩ tốt thì biết đi hay đến”.

Võ Vương hỏi: “Làm sao mà biết?”

Thái Côgn đáp: “Nghe không có tiếng trống, tiếng chiêng, trông lên thành thấy nhiều chim bay lượn mà không sợ hãi, không thấy có hung khí, thì biết địch giả đặt người gỗ.

Địch bỏ đi không xa, chưa ổn định quân thế mà quay trở lại, là họ dùng binh quá vội vàng. Vội vàng thì trước sau không theo thứ tự, mất thứ tự thì ra trận phải loạn.

Như vậy, ta mau đem quân tấn công, lấy ít đánh nhiều cũng thắng địch”.