Sách tôn giáo/Ấn Độ giáo/Ấn giáo Bà-la-môn/Triết lý Bà-la-môn giáo
Bàlamôn giáo là sự tiếp tục Veda giáo cổ, vào khoảng 500 TCN - 500
năm CN10. Tín đồ của Bàlamôn giáo chủ yếu là những người gốc Aryan
vốn sống bán du mục ở phía Bắc du nhập nhiều đợt vào miền Tây và Tây
bắc Ấn Độ trong khoảng thời gian dài 1700 - 1200 TCN và trở thành kẻ
thống trị vùng văn hóa này.
Danh từ Bàlamôn
[sửa]Danh từ Bàlamôn ban đầu có nghĩa chỉ hạng người quý tộc, giáo sĩ Bàlamôn hay học giả, song trong thể chế nhà nước - tôn giáo có giai cấp, đẳng cấp Bàlamôn dần trở thành giai cấp thống trị cao nhất và Veda giáo đã được giai cấp hóa, trở thành Bàlamôn giáo có tổ chức giáo hội với quyền lực tối cao trên cả nhà nước (nhà vua và triều đình).
Cũng do vậy, Bàlamôn giáo trở thành vũ khí thần quyền để bảo vệ sự bất bình đẳng giai cấp mà quyền lợi tối cao thuộc về đẳng cấp Bàlamôn. Trong bối cảnh đó, Bàlamôn giáo đã là một tôn giáo thần quyền của riêng đẳng cấp Bàlamôn trong một thời kỳ dài.
Thần
[sửa]Bàlamôn giáo phát triển khuynh hướng nhất thần. Trước hết là quan niệm các thần không giữ vị trí của mình một cách riêng biệt, mà mỗi thần lại là sự thể hiện cái tuyệt đối một cách toàn diện bao gồm cả các thần khác, nhưng không có sự xung đột hoặc loại trừ giữa các vị thần. Các thần vĩ đại nhất luôn trong mối tương tác với các vị thần khác. Chẳng hạn, vai trò, vị trí của thần Brahma (Đại Thiên/Phạm Thiên/Đấng Tuyệt đối) là cao nhất, song nhiều khi cũng có thay đổi thành thần Shiva hoặc thần Visnu là cao nhất.
Sang giai đoạn Bàlamôn giáo, thần Brahman được phối hợp cùng với các thần Vishnu, Shiva hợp thành bộ ba gọi là Trimurti (Tam vị nhất thể: thần Brahma sáng tạo, thần Shiva phá hoại và thần Visnu bảo vệ). Song đó chỉ là ba phương diện của Đấng tuyệt đối, có tính toàn thể. Ba vị thần này cùng phối hợp để sự sống, sáng tạo và phát triển không ngừng tiếp diễn qua các chu kỳ.
Cuối mỗi chu kỳ phát triển, thần Shiva lại tiêu diệt thế giới cũ, còn đấng Phạm Thiên (Brahma) lại tạo ra thế giới mới. Khi vào chu kỳ chuyển đổi này, con người gặp vô vàn khó khăn không thể tự giải quyết và thần Vishnu xuất hiện như một con người hay dưới một hình thức nào đó, dùng thần thông đặc biệt, đem đến sự giúp đỡ cần thiết cho loài người.
Bàlamôn giáo cho rằng đấng Brahma sáng tạo và bảo tồn vũ trụ, vạn vật và cả con người trong chế độ đẳng cấp (varṇa). Đấng Brahma đã được tôn xưng cao nhất trong triết học Vedānta sau này, tuy nhiên tư tưởng này đã có mầm mống từ trong Rig Veda, song chỉ đến giai đoạn Bàlamôn giáo mới có quan niệm đấng Brahma vĩ đại như một nguyên lý tối thượng, chi phối sức mạnh thần bí của tất cả các vị thần khác.
Con người
[sửa]Bàlamôn giáo quan niệm rằng con người do bị ràng buộc trong vòng ngu dốt (vô minh) và huyễn ảo (vô thường) nên tạo nhiều nghiệp quả, vì vậy phải chịu luân hồi (samsara). Nhưng con người vẫn có khả năng thoát khỏi luân hồi, nghiệp báo bằng con đường tu luyện để trở lại hòa nhập với đấng Brahma bằng đạo đức, nghi lễ, tế tự thành kính.
Bàlamôn giáo có niềm tin rằng “Ai biết chính mình sẽ biết Thượng Đế”. Như vậy, Bàlamôn giáo khẳng định con người có thể biết Phạm Thiên (Tuyệt đối) chỉ bằng con đường trở về tự hiểu chính mình.
Hướng phát triển này đã góp phần phân loại các thần theo thứ tự, mà cao nhất vẫn là thần Brahma, đồng thời làm cho lễ tế trở nên có giá trị như là một thể thức có thể làm thay đổi nghiệp quả. Song mặt khác, nó cũng góp phần đẩy sự phân biệt đẳng cấp xã hội của thời kỳ Bàlamôn giáo trở nên ngày càng khắc nghiệt.