Bước tới nội dung

Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Mỹ thuật

Tủ sách mở Wikibooks
MỸ THUẬT HÀN QUỐC

Tuy con người bắt đầu cư trú trên bán đảo Hàn từ thời đại đồ đá cũ nhưng mỹ thuật trên bán đảo Hàn có thể thấy được căn nguyên ở thời đại đồ đá mới (khoảng 6000 – 1000 năm TCN) theo những di tích còn tồn tại ngày nay. Tại những vách đá hai bên bờ sông Bangudae ở Ulsan nằm ở phía Đông Nam bán đảo Hàn có những tranh vẽ động vật được chạm khắc rất rõ trên đá. Những bức họa được khắc trên vách đá Bangudae là một nghệ thuật rất đáng chú ý trong thời tiền sử. Ta có thể phát hiện thấy cảm thụ thẩm mỹ của thời kỳ này ở cả các họa tiết răng lược và quả cà tím trên các chiếc bát đất sét được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Trong thời kỳ đồ đồng (khoảng 1000 năm TCN ~ 300 CN), các vật dụng đa dạng như gương, chuông, dây chuyền... được tạo ra. Người ta tiên đoán rằng phần lớn các vật dụng này được tạo ra với mục đích tôn giáo, hoặc tượng trưng cho uy quyền hoặc để tạo nên cảm giác kính sợ.

Goguryeo (37 TCN - 668 CN), Baekje (18 TCN - 660 CN) và Silla (57 TCN- 935 CN) của thời kỳ Ba vương quốc đều chịu ảnh hưởng của địa lý, chính trị, môi trường xã hội và phát triển nền mỹ thuật độc đáo của riêng mình. Phần lớn các bức tranh trên tường các ngôi mộ cổ thời Goguryeo được phát hiện ở Jian Mãn Châu và Bình Nhưỡng Bắc Triều Tiên đã đại diện cho thấy những hình thức nghệ thuật của Goguryeo. Những hình ảnh con người năng động trên trần và tường bên trong ngôi mộ được mô tả bằng các màu sáng đã thể hiện quan điểm về thế giới hiện tại và thế giới ở kiếp sau.

Nghệ thuật Baekje có đặc điểm bề mặt được xử lý mềm mại và nụ cười ôn hòa như được thể hiện tại 3 pho tượng Phật khắc trên vách đá tại Seosan thuộc tỉnh Chungnam. Những nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy một số lượng phong phú những đồ trang sức bằng vàng tượng trưng cho uy quyền như vương miện, vòng đeo tai, dây chuyền và thắt lưng da trong các ngôi mộ cổ thời Silla. Những sợi chỉ vàng và những hạt vàng được phát hiện cùng với các đồ trang sức này là di sản chứng minh cho tài năng nghệ thuật vô cùng tinh xảo của Silla. Một mặt, Phật giáo được công nhận một cách chính thức trong thời kỳ Ba vương quốc nên các bức tượng Phật được tạo ra nhiều, tiêu biểu là bức tượng Bồ Tát Di Lặc (Phật của tương lai) đang ngồi là pho tượng được hình tượng hóa với vẻ đắm chìm vào suy nghĩ với ngón tay đặt nhẹ lên má.

Silla Thống nhất (676 – 935) đã phát triển văn hóa mỹ thuật phảng phất hương vị của mỹ thuật quốc tế qua việc giao lưu với nhà Đường Trung Quốc (618 – 907). Phật giáo vẫn là nguồn động lực hậu thuẫn mạnh mẽ cho sự phát triển của văn hóa Silla. Động Seokguram cho thấy tinh túy của mỹ thuật Silla Thống nhất là một tuyệt tác có một không hai với hình dáng trang nghiêm, cách thể hiện đầy tính hiện thực và diện mạo độc đáo. Ngoài ra, các nghệ nhân Silla cũng vô cùng xuất sắc trong việc làm nên những chiếc chuông chùa. Những chuông đồng trong chùa như Chuông thần của vua Seongdeok (Thánh đức Đại vương Thần chung) được chế tác vào cuối thế kỷ thứ 8 nổi tiếng với thiết kế thanh thoát, âm thanh ngân vang và độ lớn thật ấn tượng.

Trình độ nghệ thuật của Goryeo (918-1392) thể hiện rõ nhất qua các đồ sứ men ngọc bích. Đồ sứ Goryeo tự hào với màu men và thiết kế thanh thoát mang nét đẹp sâu sắc, khác biệt với đồ sứ Trung Quốc. Màu men thuần khiết của đồ sứ men ngọc bích Goryeo nổi tiếng cho đến tận nửa đầu thế kỷ 12. Bước vào nửa sau của thể kỷ 12, nghệ thuật chạm khắc trên bề mặt đồ gốm rồi lấp đầy chúng bằng những đoạn màu trắng dài và mỏng hoặc màu đen là kỹ thuật chủ yếu được áp dụng.

Muryangsujeon (Vô lượng Thọ điện: điện thờ cuộc sống vô hạn) - công trình lâu đời nhất trong những công trình kiến trúc bằng gỗ được xây dựng vào thời đại Goryeo còn tồn tại ở chùa Buseoksa, tỉnh Gyeongsangbuk-do được ước tính xây dựng vào thế kỷ 14. Thiết kế kiến trúc bằng gỗ thời kỳ này có thể chia thành hai loại là jusimpo (các giá đỡ được gắn ngay trên đầu cột để đỡ mái) và dapo (các giá đỡ được gắn trên đầu cột và ở khoảng không gian giữa các cột). Đặc biệt, hình thức dapo được tạo ra để xây dựng các công trình kiến trúc có quy mô hùng tráng. Hai hình thức kiến trúc này vẫn còn tồn tại như một kết cấu mộc cơ bản cho đến tận thời Joseon.

Buncheongsagi là một trong số các đồ gốm được làm ra vào thời Joseon, được trang trí bằng những đường nét màu trắng trên nền đất sét xám. Buncheongsagi được quét một lớp men màu xanh xám để tạo độ bóng. Các đồ gốm sứ tiêu biểu khác của thời kỳ này còn có đồ sứ màu trắng và trắng xanh. Buncheongsagi là đồ sứ được người dân thường sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày được trang trí với những họa tiết táo bạo. Đồ sứ trắng với sự kết hợp hoàn hảo giữa đường cong và màu sắc tinh tế là một ví dụ tiêu biểu cho thấy đỉnh điểm của cái đẹp. Đồ gốm sứ màu trắng xanh được bắt đầu làm ra từ giữa thế kỷ 15 cho thấy khiếu thẩm mỹ vượt trội bằng cách vẽ những họa tiết màu xanh thẫm thật đẹp trên bề mặt sứ trắng.

Kiến trúc truyền thống thời đại Joseon (1392 - 1910) hướng tới sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và đã phát triển với nhiều hình thức đa dạng và mới mẻ. Đặc biệt, Sungnyemun (Namdaemun) có vị trí tại trung tâm thành phố Seoul là một di sản văn hóa quý báu cho thấy được lối kiến trúc của đầu thời kỳ Joseon. Hiện nay cùng với Sungnyemun, nhiều ngôi chùa và cung điện đang được xây dựng lại hoặc trùng tu theo kỹ thuật truyền thống.

Cuối thế kỷ 19, các công trình kiến trúc phương Tây được giới thiệu ở Hàn Quốc qua những công trình như nhà thờ và tòa công sứ được xây dựng bởi những kiến trúc sư và kỹ sư người nước ngoài. Từ sau những thập niên 1960, trong quá trình chính phủ Hàn Quốc xúc tiến kế hoạch phát triển vì công nghiệp hóa và đô thị hóa, phần lớn các ngôi nhà cổ, đẹp đã bị phá hủy và thay vào đó là những ngôi nhà không đẹp mắt. Tuy nhiên gần đây, quan điểm truyền thống về sự kết hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc và tự nhiên sống dậy nên các tranh luận về phương án có liên quan đang được tiến hành sôi nổi.