Bước tới nội dung

Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Kịch và điện ảnh

Tủ sách mở Wikibooks
KỊCH VÀ ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC

Trong tất cả các vở kịch truyền thống, âm nhạc và múa luôn đóng vai trò trọng tâm. Có thể tìm thấy nguồn gốc của kịch Hàn Quốc từ những nghi thức tôn giáo thời tiền sử. Một ví dụ tiêu biểu của loại hình sân khấu cổ điển này là múa mặt nạ có tên gọi Sandaenori, đây là hình thức kết hợp múa, hát và kể chuyện xen lẫn sự châm biếm và hài hước. Sandaenori có biến đổi nhỏ theo từng vùng về hình thức, lời thoại, trang phục và được dân chúng nông thôn vô cùng ưa thích tới tận đầu thế kỷ 20. Pansori và gut cũng là hình thức kịch được dân chúng yêu mến. Những loại hình này vẫn được biểu diễn tại Hàn Quốc ngày nay tuy không thường xuyên.

Tại Hàn Quốc có những địa điểm tập trung biểu diễn các loại hình nghệ thuật đa dạng tiêu biểu như Nhà hát Jeong-dong ở trung tâm Seoul. Nhà hát này trình diễn một loạt những chương trình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, kịch và nhạc

Singeuk (Kịch mới) - thể loại kịch thoát ra khỏi hình thức múa mặt nạ và các kịch truyền thống khác được biểu diễn lần đầu tiên vào tháng 12- 1902. Tuy nhiên kịch cận hiện đại Hàn Quốc chỉ bắt đầu bám rễ từ những năm 1910 sau khi nhà hát đầu tiên theo phong cách phương Tây mang tên Wongaksa được khánh thành tại Seoul năm 1908. Wongaksa đã hoạt động đến tháng 11 năm 1909.

Những du học sinh Nhật Bản trở về tổ quốc đã thành lập các đoàn kịch có tên gọi ‘Hyeoksindan’ và ‘Munsuseong’ và đưa kịch sinpa (Tân phái: kịch theo trào lưu mới) lên sân khấu. Kịch Sinpa là một khái niệm đối lập với kịch gupa (Cựu phái: kịch theo phong cách cũ). Các vở kịch sinpa thời kỳ đầu nói về các chủ đề chính trị và quân sự và sau đó đa dạng hóa với các thể loại trinh thám, tình cảm và bi kịch.

Trong khi kịch sinpa dừng lại ở một trào lưu nhất thời, các nghệ sĩ tập hợp quanh nhà hát Wongaksa đi tìm một hình thức kịch mới có ý nghĩa chân chính và đã mở màn cho kịch cận hiện đại. Năm 1922, Towolhoe, một đoàn thể nghệ sĩ kịch được thành lập đóng vai trò chủ đạo trong phong trào kịch nói trên cả nước và đã biểu diễn tới 87 lần. Kịch nói được yêu mến cho đến tận những năm 1930 nhưng sau đó đã lắng xuống bởi các rối loạn xã hội chính trị vào những năm 1940 và 1950. Trong thập niên 1960, mức độ thịnh hành của kịch nói lại càng bị giảm sút do sự bùng nổ của điện ảnh và sự xuất hiện của ti vi.

Vào những năm 1970, một số đông những nghệ sĩ trẻ bắt đầu nghiên cứu và tiếp thu hình thức cũng như chủ đề của sân khấu kịch truyền thống như múa mặt nạ, gut, pansori... Viện Phát triển Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc đã hỗ trợ cho Liên hoan kịch hàng năm để khuyến khích biểu diễn kịch của các địa phương. Mặt khác, ngày nay có rất nhiều đoàn kịch biểu diễn quanh năm và các tác phẩm ở tất cả các thể loại từ hài kịch đến kịch lịch sử được trình diễn tại các sân khấu nhỏ dọc trên đại lộ Daehangno Seoul. Một số các buổi biểu diễn đã thành công rực rỡ và được diễn lại nhiều lần.

Bộ phim điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc được trình chiếu vào năm 1919. Bộ phim có tựa đề ‘Sự báo thù chính đáng’ này một loại kino-drama kết hợp với biểu diễn sân khấu. Bộ phim truyện kịch đầu tiên ‘Lời thề dưới ánh trăng’ được trình chiếu vào năm 1923. Năm 1926, đạo diễn kiêm diễn viên đầy tài năng Na Un-gyu sản xuất bộ phim “Arirang” đã tạo nên phản ứng nhiệt tình của công chúng. Tác phẩm này là một sự phản kháng qua điện ảnh đối với chế độ áp bức của Nhật.

Năm 1953, sau khi chiến tranh Nam - Bắc kết thúc, nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc dần dần lớn mạnh và hưng thịnh trong khoảng một thập kỷ. Thế nhưng nền điện ảnh này lại xuống dốc khi ti vi được phổ cập nhanh chóng trong hai thập niên 1960 và 1970. Tuy nhiên từ đầu thập niên 1980, ngành công nghiệp điện ảnh đã lấy lại được phần nào sức sống nhờ những đạo diễn trẻ đầy tài năng đã mạnh dạn vứt bỏ các lỗi suy nghĩ cũ kỹ trong quá trình làm phim. Nỗ lực của những đạo diễn này đã thành công và được công nhận tại những Liên hoan phim Quốc tế đa dạng được tổ chức tại các nơi như Cannes, Chicago, Berlin, Venice, Luân Đôn, Tokyo, Moskva... Con số các đạo diễn sản xuất những bộ phim làm rung động trái tim các công dân trên thế giới dựa trên những chất liệu mang đậm tính Hàn Quốc ngày càng nhiều và xu hướng tích cực này đã được tăng tốc thêm.

Năm 2000, bộ phim “Chunhyangjeon” (tên tiếng Anh là ‘Chunhyang’) của đạo diễn Im Kwon-taek đã trở thành bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc được đưa đi tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes. Ngoài ra còn 4 bộ phim khác cũng được đưa vào hạng mục không tranh giải. Bộ phim “Seom” (Đảo) của đạo diễn Kim Ki-duk được gửi đi thi tại Liên hoan phim Venice. Tiếp theo những bộ phim này, năm 2001, phim ‘JSA: Khu vực an ninh chung’ được đề cử tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin, và một bộ phim khác của đạo diễn Kim Ki-duk - ‘Người nhận vô danh’ đã lọt vào vòng xét giải của Liên hoan phim Quốc tế Venice.

Đạo diễn Park Chan-wook giành giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 2004 với bộ phim ‘Old Boy’. Ông cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc ở Liên hoan phim Quốc tế Bangkok với cùng bộ phim vào năm 2005 và giải Đạo diễn xuất sắc với phim ‘Nàng Geumja tử tế’ (tên tiếng Anh: ‘Sympathy for Lady Vengeance’) năm 2006.

Công chúng ngày càng quan tâm đến điện ảnh và những lễ hội điện ảnh quốc tế như các liên hoan phim quốc tế đã được chính quyền địa phương hoặc các đoàn thể tư nhân tổ chức như Liên hoan phim Quốc tế Pusan, Liên hoan phim Khoa học Viễn tưởng Quốc tế Bucheon, Liên hoan phim Quốc tế Jeonju và Liên hoan phim Phụ nữ Seoul.

Cũng như nền điện ảnh của các quốc gia khác, công nghiệp phim hoạt hình và truyện tranh tại Hàn Quốc đã cho thấy sự phát triển đáng kể. Hơn 200 công ty đang sản xuất các tác phẩm thuộc thể loại đang có xu thế phát triển như thế này. Nhờ dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao mà các ngành công nghiệp điện ảnh, video, phim hoạt hình và các nội dung online đang ở thời kỳ hưng thịnh tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, điện ảnh Hàn Quốc cũng cho thấy xu hướng giảm sút do chế độ quota màn ảnh. Năm 2003, đã có 392 bộ phim được công chiếu. Đây là một con số đã tăng đến 60% so với năm 2003. Trong số phim được trình chiếu có 112 bộ phim chiếm 30% là phim Hàn Quốc.