Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Hội họa

Tủ sách mở Wikibooks
HỘI HỌA HÀN QUỐC

Các họa sĩ đã sớm cho thấy tài năng được đúc kết ở một mức nào đó từ thời kỳ Ba vương quốc nhưng do các tác phẩm được vẽ trên giấy nên phần lớn không còn. Do đó hội họa của thời kỳ Ba vương quốc chỉ có thể cảm nhận qua một số lượng giới hạn các bức vẽ trên tường mộ. Cùng với các bức tranh vẽ trên tường mộ thời Goguryeo, tranh phong cảnh được vẽ trên ngói mái Baekje và bức Cheonmado (Thiên mã đồ) của Silla đã cho thấy đặc điểm và tính ưu tú của hội họa thời kỳ Ba vương quốc. Những tác phẩm này nổi bật với bố cục được sắp xếp gọn gẽ với các đường nét mạnh mẽ, táo bạo mang đậm đặc trưng của thời kỳ Ba vương quốc.

Hội họa thời kỳ Silla thống nhất còn tồn tại đến ngày nay không nhiều. Tuy vậy nhưng những bức tranh minh họa được vẽ trong Hwaeomgyeong (Hoa Nghiêm Kinh) đã cho thấy vẻ đẹp tinh tế của hội họa thời kỳ này. Những tranh minh họa này có đặc điểm là các đường nét thanh tú và đầy sức sống.

Hội họa trang trí và tranh vẽ liên quan đến Phật giáo đã đạt tới đỉnh điểm phát triển vào thời kỳ Goryeo. Những tác phẩm của thời kỳ này còn lưu truyền đến ngày nay chủ yếu là những bức tranh Phật giáo của thế kỷ 13 - 14. Đặc trưng của những tác phẩm này là những tư thế thanh thoát, những nếp gấp áo tỉ mỉ và tinh tế cùng với màu sắc tao nhã, cho thấy Phật giáo thời kỳ này đã vô cùng hưng thịnh.

Sự phát triển lớn nhất của hội họa Hàn Quốc đã diễn ra trong thời kỳ Joseon. Những họa sĩ chuyên nghiệp đã được đào tạo và những họa sĩ trong giới văn sĩ đã giữ vai trò đi đầu trong sự phát triển hội họa. Đặc biệt sự phát triển kinh tế, sự ổn định về mặt chính trị và sự phát triển về mặt tư tưởng ở thế kỷ 18 đã đóng vai trò chất xúc tác cho trào lưu hình thức hội họa độc đáo. Những xu hướng này được phát hiện thấy ở tranh phong cảnh mô tả phong cảnh thực tế của Hàn Quốc và tranh mô tả sinh hoạt đời thường với các chủ đề dân gian. Jeong Seon (1676-1759) và Kim Hong-do (1745- 1806 ?) được đánh giá là những họa sĩ tiêu biểu của thời kỳ này. Jeong Seon tuy chịu ảnh hưởng của trường phái Namhwa Trung Quốc nhưng đã lấp đầy các bức vẽ của mình bằng vẻ đẹp sơn thủy của Triều Tiên, tạo nên một phong cách độc đáo của tranh thủy mặc Triều Tiên. Jeong Seon ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tranh do giới văn sĩ vẽ thời ấy hơn bất cứ họa sĩ nào khác và sức mạnh của ảnh hưởng đó vẫn được nối tiếp đến ngày nay. Một trong những tuyệt tác của Jeong Seon là bức Geumgangjeondo (Kim Cương toàn đồ: toàn cảnh núi Kim Cương).

Hội họa của Kim Hong có giá trị lớn ở điểm đã nắm bắt được đời thường của nông dân, thợ thủ công và lái thương… Ngoài ra, các tác phẩm của ông còn có đặc điểm là mô tả rất chính xác nhưng cũng rất hóm hỉnh. Các hình thức hội họa bước vào thời kỳ cuối của Joseon lại càng phát triển đa dạng hơn. Những họa sĩ không được đào tạo chính thức bắt đầu vẽ tranh dân gian để đáp ứng cho nhu cầu của dân thường. Những bức tranh dân gian này mang đặc trưng sử dụng màu sắc tự do và mạnh mẽ, táo bạo cùng bố cục được đơn giản hóa và cách điệu hóa.

Sau khi Nhật Bản cưỡng chế dành quyền thống trị Hàn Quốc vào năm 1910, những hình thức hội họa truyền thống dần dần bị trào lưu tranh sơn dầu của phương Tây thâm nhập vào Hàn Quốc làm cho lu mờ. Sau giải phóng năm 1945, hình thức hội họa truyền thống đã được khôi phục lại bởi một số họa sĩ xuất chúng. Đồng thời, nhiều họa sĩ Hàn Quốc được đào tạo ở châu Âu và Mỹ cũng đã góp phần giúp Hàn Quốc không bị tụt hậu so với xu hướng hội họa hiện đại.

Vào những năm 1950, Triển lãm Mỹ thuật Đại Hàn Dân Quốc do chính phủ điều hành đã đóng một vai trò chủ đạo trong bước tiến của mỹ thuật Hàn Quốc. Không khí chung của trung tâm này là coi trọng hình thức và hướng về học thuật nên có khuynh hướng chọn những tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực. Do đó, các họa sĩ trẻ theo đuổi tính sáng tạo của tác phẩm đã đi tìm một nền nghệ thuật phù hợp với thời đại mới. Từ những năm cuối 1960, hội họa hiện đại Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển hướng sang tính trừu tượng hình học. Mặt khác, cũng có những họa sĩ thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến chủ đề sự hợp nhất bên trong giữa người và thiên nhiên.

Hội họa Hàn Quốc của thập niên 1980 là một sự phản ứng lại chủ nghĩa cận đại của thập niên 1970. Các họa sĩ thời kỳ này có ý thức mạnh mẽ về việc phải truyền đi bức thông điệp về các vấn đề xã hội hiện thời, từ đó đã hiện rõ mối quan tâm đến chủ nghĩa cận đại và và hậu hiện đại. Năm 1995, Triển lãm Gwangju Biennale lần thứ I đã được tổ chức. Gwangju Biennale là một sự kiện hội tụ các nhà mỹ thuật Hàn Quốc và những tên tuổi lớn trong giới mỹ thuật thế giới. Một trong những tác phẩm được trưng bày nổi bật tại sự kiện lần thứ I này là nghệ thuật video của Paik Nam-june.

Ngày nay tại Hàn Quốc, hội họa phương Đông và phương Tây đều được giảng dạy và theo đuổi nên những họa sĩ đa tài đa năng nhất thế giới đang liên tục được đào tạo ra. Phần lớn các họa sĩ người Hàn Quốc đang hoạt động tại các trung tâm của nghệ thuật đương đại như New York, Paris.