Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Di sản UNESCO/3
Năm 1997, UNESCO khởi động việc bầu chọn các di sản văn hóa ghi chép thế giới nhằm mục đích bảo tồn và phổ biến những di sản văn hiến thế giới có nguy cơ bị thất truyền mãi mãi. Di sản ghi chép thế giới của Hàn Quốc có Hunminjeongeum (‘Huấn dân Chính âm’: âm đúng dạy cho dân), Joseonwangjosillok (‘Triều Tiên Vương triều Thực lục’: ghi chép về vương triều Joseon), Jikjisimcheyojeol (‘Trực chỉ tâm thể yếu tiết’: lời dạy của những bậc thánh nhân Phật giáo và các đại sư phái Thiền Phật giáo), Seungjeongwon Ilgi (‘Thừa chính viện nhật kí’: nhật ký của các thư ký Quốc vương’), các bản khắc gỗ Đại Tạng kinh và nhiều bản kinh Phật ở chùa Haeinsa, Uigwe (‘Nghi quỹ’: ghi chép Nghi lễ của triều đại Joseon), Donguibogam (‘Đông y Bảo giám’: nguyên lý và thực tế của Y học phương Đông’)
Hunminjeongeum là giáo trình Hangeul chủ yếu được vua Sejong (Thế Tông Đại Vương: tại vị từ 1418 - 1450) sáng chế ra. Hangeul được ban bố vào năm 1446. Theo truyền thống ghi chép lại việc trị vì của từng nhà vua, Joseonwangjosillok được ghi chép liên tục kéo dài từ thời vua Taejo (Thái Tổ, người sáng lập ra triều đại Joseon (1413) cho đến năm cuối cùng của triều đại là 1910. Joseonwangjosillok do các vị quan biên sử (Chunchugwan) ghi chép và được bảo quản ở nhiều nơi đặc biệt trong cả nước.
Buljo Jikjisimcheyojeol (Phật Tổ Trực chỉ tâm thể Yếu tiết) được biên soạn vào năm 1372 bởi Hòa thượng Baegun (1298-1374) có nội dung chủ yếu của phái Thiền tông Phật giáo được ghi chép lại. Tên gọi Jikjisimche bắt nguồn từ đoạn kinh nổi tiếng nói về sự giác ngộ qua thiền. Ở phần thông tin phát hành ở trang cuối có ghi rằng được in bằng kỹ thuật sắp chữ kim loại tại chùa Heungdeoksa. Như vậy đây chính là bản in bằng kỹ thuật sắp chữ kim loại lâu đời nhất trên thế giới sớm hơn khoảng 80 năm so với Kinh thánh Gutenberg của Đức.
Seungjeongwon (Thừa chính viện - có thể coi là Văn phòng Thư ký của Quốc vương thời kỳ Joseon) đã cho ghi chép lại chi tiết những hoạt động thường ngày và các công việc triều đình của Hoàng thất trong Seungjeongwon Ilgi. Seungjeongwon Ilgi với nội dung ghi chép từ thời vị vua sáng lập của Vương triều Joseon là Taejo (tại vị từ 1392 - 1398) đến vị vua cuối cùng là Sunjong (Thuần Tông: tại vị từ 1907 – 1910) đến nay chỉ còn lại 3243 quyển. Trong Seungjeongwon Ilgi này có tương đối nhiều thông tin lịch sử và bí mật quốc gia của vương triều Joseon, đồng thời được sử dụng là nguồn chính của Joseonwangjosillok. Do đó, thậm chí có thể cho rằng Seungjeongwon Ilgi có giá trị lịch sử lớn lao hơn cả Joseonwangjosillok.
Bộ Goryeo Đại Tạng kinh còn được biết đến là ‘Bát vạn Đại Tạng kinh’ là một bộ tuyển tập kinh Phật. Vào thế kỷ 13 tương ứng vào thời đại Goryeo (918-1392), được lệnh của Quốc vương, bộ Goryeo Đại Tạng kinh được khắc trên 81. 258 bản khắc gỗ hiện tại đang được bảo quản ở chùa Haeinsa, tỉnh Gyeongsangnam-do.
Một trong những di sản ghi chép độc đáo là Uigwe, một tập hợp các ghi chép suốt 500 năm triều đại Joseon. Các loại văn bản, tranh vẽ được sắp xếp một cách bao quát và theo hệ thống đã ghi lại thật chi tiết những nghi lễ và sự kiện chủ yếu của triều đại. Cách ghi chép của Uigwe vô cùng độc đáo đến mức không thể tìm được trường hợp nào tương tự trên thế giới.
Donguibogam là một cuốn từ điển bách khoa toàn thư về y học do Heo Jun (1539 – 1615) biên soạn với sự giúp đỡ của các quan ngự y và học giả theo lệnh của Quốc vương vào đầu thế kỷ 17. Donguibogam cho thấy tình hình phát triển của y học tại vùng Đông Á và những khu vực khác. Xét ở khía cạnh chế độ y tế, Donguibogam đã phát triển một khái niệm đi trước thời đại là y tế cung đình dựa trên y học phòng ngừa và quốc gia.