Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Di sản UNESCO/2
Năm 1998, UNESCO đã quyết định bình chọn ‘Những kiệt tác Phi Vật thể và Truyền khẩu Nhân loại’ để bảo tồn các di sản văn hóa truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Theo đó, vào năm 2001, từ sau lần bình chọn đầu tiên cho tới nay, Hàn Quốc đã có Nghi thức tế lễ Jongmyo và Nhạc tế lễ Jongmyo (có nghĩa là âm nhạc nghi lễ và tế lễ của Hoàng gia), Pansori (bài hát trữ tình), lễ hội Gangneung Danoje v.v… được ghi vào danh mục di sản phi vật thể. Vào năm 2010 có thêm Gagok – âm nhạc truyền thống hát theo nhạc đệm của các nhạc cụ thổi, nhạc cụ có dây và bộ gõ, daemokjang xem như là kiến trúc sư ngày nay và săn bằng chim ưng được công nhận thêm.
Khi Hiệp ước Bảo hộ Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO được ký kết vào năm 2003, những di sản được bình chọn là ‘Những kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu nhân loại’ trong quá khứ đã được tự động chuyển sang danh mục những di sản phi vật thể của nhân loại năm 2008. Vào năm 2009, điệu múa vòng tròn Ganggangsullae, Namsadangnori, lễ tế Yeongsan, lễ cúng Jeju Chilmeoridang Yeongdeunggut và múa Cheoyongmu đã được công nhận thêm.
Jongmyojerye (Tông Miếu Tế lễ) là nghi thức tế lễ được cử hành ở Jongmyo (Tông Miếu) nơi thờ vua và hoàng hậu thời đại Joseon. Nhạc tế lễ Jong myo được cử lên vào lúc này. Nhạc tế lễ Jongmyo được biểu diễn kèm với múa có Botaepyeong (Bảo Thái bình - nghĩa là ‘duy trì hòa bình vĩ đại’) gồm 11 bài ca ngợi công đức của những người sáng lập ra vương triều và 15 bài Jeongdaeeop (Định đại nghiệp - nghĩa là ‘sự sáng lập vương triều vĩ đại’). Hai tác phẩm này được sáng tác vào năm 1447 và được biên soạn lại thành 11 bài vào năm 1464. Ngoài ra, hai bài nữa cũng được bổ sung thêm vài năm sau đó. Nghi thức tế lễ Jongmyo với sự tham gia của hàng trăm quan lại, nhạc sĩ, nghệ sỹ múa và người xem phản ánh tính nghiêm túc và trọng đại của nghi thức Nho giáo. Jongmyojerye là một ví dụ hiếm có về một di sản văn hóa phi vật thể với hình thức nguyên thủy được lưu truyền suốt 500 năm.
Pansori là thể loại âm nhạc tự sự với một người biểu diễn theo nhịp điệu của người đánh trống. Pansori có đặc điểm lời hát đa cảm, lời nói được hình thức hóa và điệu bộ mô phỏng chứa đựng cả văn hóa quý tộc và văn hóa dân gian. Chữ ‘pan’ trong pansori chỉ địa điểm công cộng nơi mọi người tụ họp, và ‘sori’ chỉ bài hát. Có trường hợp buổi biểu diễn pansori kéo dài liên tục 8 tiếng, người biểu diễn là nam hoặc nữ biểu diễn ngẫu hứng trên nền lời hát được kết hợp giữa tiếng địa phương và lối diễn đạt mang đậm chất văn. Bối cảnh, nhân vật xuất hiện và tình huống trong pansori được dựng trên nền là thời đại Joseon.
Danoje (Đoan Ngọ tế) là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, là thời điểm kết thúc việc gieo hạt giống và thu hoạch lúa mì. Trong truyền thống, Dano (Đoan Ngọ) thuộc 3 Tết lớn cùng với Tết Âm lịch và Trung thu. Danoje được tổ chức tại Gangneung tỉnh Gangwondo là lễ hội truyền thống lớn nhất Hàn Quốc kéo dài suốt 4 tuần từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Âm nhạc, các điệu múa, các văn bản, kịch, tác phẩm thủ công nghệ… có liên quan đến Danoje đều có giá trị nghệ thuật cao. Danoje đã được tiến hành trong suốt thời gian gần một nghìn năm và phản ánh rõ cuộc sống và lịch sử của tầng lớp dân thường. Rất nhiều buổi biểu diễn và các sự kiện được diễn ra tại Danoje - nơi các truyền thống tôn giáo như Nho giáo, tín ngưỡng Shaman, Phật giáo, Đạo giáo… cùng kết hợp.
Trong truyền thống, Ganggangsullae (múa vòng tròn, đứng quay thành vòng tròn và múa) được múa vào các đêm lễ hội và lễ tết tiêu biểu của Hàn Quốc như Tết Âm lịch Seollal, Rằm tháng Giêng, Dano, Baekjung (nghi thức Phật giáo được cử hành vào ngày 15 tháng 7 âm lịch để tỏ sự kính trọng với vong hồn người chết), Trung thu, Junggu (lễ hội được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 âm lịch)...
Ganggangsullae là loại hình nghệ thuật tổng hợp nguyên thủy kết hợp giữa lời hát, âm nhạc và múa có thể cho là hình thức khiêu vũ ballad của Hàn Quốc. Các phụ nữ tay nắm tay vừa tạo thành hình tròn vừa múa, vừa hát, người hát hay (sori) hát trước và những người còn lại hát phụ họa theo. Tại hình thức nghệ thuật Ganggangsullae có các điệu dân ca và điệu múa dân gian được biểu diễn kèm theo trên nền nhạc dân gian được thể hiện bằng các nhạc cụ truyền thống như buk (trống tròn) và trống janggu (trống hình đồng hồ cát)...
Jeju Chilmeoridang Yeongdeunggut (nghi thức dành cho thần gió) là một nghi thức Shaman giáo (gut) được diễn ra ở miếu thờ Chilmeoridang ở Geonip-dong thành phố Jeju. Geonip-dong là một ngôi làng nhỏ mà ở đó dân làng đánh bắt cá hoặc sò làm kế sinh nhai và có các haenyeo (thợ lặn nữ). Theo truyền thống, dân làng cử hành nghi thức theo đạo Shaman cầu vị thần nam có chức tước là Quan hành chính địa phương và vị nữ thần biển mang lại sự bình an và trù phú. Khi đến thời điểm đã định, toàn bộ khu vực Jeju tiến hành ‘gut’ cầu nguyện Nữ thần Gió là ‘Yeoungdeung’ cho mùa thu hoạch bội thu và bờ biển an lành. Jeju Chilmeoridang Yeongdeunggut là hình thức kết thợp các tín ngưỡng dân gian liên quan đến Yeongdeung và tín ngưỡng của các haenyeo. Nghi thức này có giá trị học thuật độc đáo ở điểm là chỉ được cử hành bởi các haenyeo mà thôi.
Namsadangnori thông thường nói đến buổi biểu diễn của nhóm những nghệ sỹ lang thang gồm hơn 40 người đàn ông là Namsadangpae. Namsadangnori được biểu diễn ở những vùng ngoại ô hoặc nông thôn chủ yếu cho các đối tượng thuộc tầng lớp dân thường. Điều này không chỉ cho thấy Namsadangnori bắt nguồn từ tầng lớp bình dân mà còn được biểu diễn phục vụ cho những người dân thường. Namsadangnori giải tỏa tâm trạng mệt mỏi của dân chúng do sự áp bức và cũng là nơi phê phán tính phi đạo đức của yangban (tầng lớp quý tộc) qua lối trào phúng thích hợp về mặt xã hội và là chất xúc tác phát triển ý thức của dân chúng.
Yeongsanjae (Linh Sơn Trai) thông thường được cử hành vào ngày 49 sau khi người chết mất đi nhằm giúp đỡ hồn người chết có thể tới được thế giới Niết bàn. Nghi thức Yeongsanjae mang ý nghĩa tượng trưng tái hiện lại Yeongsan Hoesang (Linh Sơn Hội Thượng – Pháp hội nơi đại chúng tụ họp ở Linh Thứu sơn) bắt nguồn từ nghi thức Linh sơn được cử hành lúc Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng Kinh Pháp hoa tại Linh Thứu sơn (Gridhrakuta Hill) Ấn Độ. Yeongsanjae – văn hóa truyền thống tỏa sáng của Hàn Quốc không chỉ để giúp đỡ linh hồn của những người đã chết mà còn giúp đỡ tất cả những người đang sống thoát khỏi mọi khổ nạn của thế gian trần trục bằng sự thức tỉnh về chân lý của Phật. Có thể cho Yeongsanjae là một nghi thức Phật giáo trang nghiêm có sự tham gia của dân chúng hơn là một buổi biểu diễn.
Cheoyongmu - điệu múa của Cheoyong là điệu múa đeo mặt nạ, điệu múa cung đình duy nhất dùng mặt nạ hình người. Cheoyongmu được dựa trên nền truyền thuyết về Cheoyong từng sống ở thời vua Heongang (cai trị từ 875 – 886) thời Silla thống nhất. Câu truyện tương truyền về Cheoyong múa và hát trước mặt thần bệnh tật định hại vợ mình và xua đuổi được ma quỷ đi. Cheoyongmu chứa đựng ý nghĩa đánh đuổi vận xấu căn cứ trên thuyết Âm dương Ngũ hành. Điệu múa sặc sỡ và chói lọi, có thể thấy hình ảnh mạnh mẽ và hào hiệp trong chuyển động hiên ngang đầy sức sống và cũng rất hài hòa với mặt nạ.
Gagok là các bài hát thanh nhạc truyền thống hát theo nhịp đệm của các nhạc cụ truyền thống. Khác với một thể loại nhạc kịch như Pansori, minyo (‘dân ca’: bài hát của dân chúng) và japga (‘tạp ca’: các bài hát đa tạp), gagok thuộc hình thức âm nhạc cổ truyền là chính nhạc (‘bài hát đúng đắn’). Gagok được hát nhiều trong thời kỳ Joseon sử dụng Sijo là hình thức thơ truyền thống của Hàn Quốc làm lời bài hát và qua đó có thể thấy được tinh thần và quan điểm nghệ thuật của người Hàn Quốc trong quá khứ. Gagok ngày nay đã phát triển thành bài hát mà cả người hát và người nghe đều say sưa thưởng thức.
Daemokjang là người thợ mộc chính hoặc kỹ thuật xây dựng các tòa nhà chủ yếu như cung điện, đình chùa, nhà ở… Tên gọi truyền thống daemokjang có thể coi như tương đương với kiến trúc sư của thời nay. Daemokjang mang ý nghĩa ở điểm là kỹ thuật lành nghề đầu tiên của Hàn Quốc được công nhận là di sản phi vật thể. Công việc trùng tu lại các di sản thế giới UNESCO như cung Changdeok-gung, Gwanghwamun và Sungnyemon gần đây cũng được tiến hành dưới sự chủ đạo của các daemokjang.
Săn bằng chim ưng là hình thức huấn luyện chim ưng hoặc các loại chim ăn thịt khác để bắt các con mồi sống. Săn bằng chim ưng được công nhận là di sản phi vật thể ở Hàn Quốc đồng thời được công nhận ở 11 nước khác như Các tiểu vương quốc Ai Cập (UAE), Bỉ, Pháp, Mông Cổ v.v...
Jultaki (nhào lộn trên dây) là một loại hình giải trí được biết rộng rãi tại nhiều nước chủ yếu tập trung vào nghệ thuật nhào lộn. Trong nghệ thuật Jultaki truyền thống của Hàn Quốc có đặc trưng là được điểm xuyết bằng âm nhạc và những câu chuyện dí dỏm giữa người nghệ sĩ biểu diễn trên dây và chú hề dưới đất với nhau. Đi trên dây thường được biểu diễn ngoài trời. Người nhào lộn trên dây vừa pha trò, vừa bắt chước, vừa hát múa và thể hiện nhiều động tác nhào lộn đa dạng. Mặt khác, chú hề cũng trò chuyện tung hứng với người nhào lộn, còn các thành viên của dàn nhạc thì biểu diễn nhạc cụ để tăng thêm phần hứng thú. Người biểu diễn trên dây bắt đầu từ những bước nhào lộn đơn giản và dần dần đến những kỹ thuật khó hơn, bình thường trong một buổi biểu diễn kéo dài mấy tiếng đồng hồ có đến hơn 40 loại kỹ xảo được trình diễn. Người biểu diễn nhào lộn trên dây ngày nay thường được khắp nơi trên cả nước mời đến biểu diễn vào mùa xuân và mùa thu. Tại tỉnh Gyeonggi Hàn Quốc có cả Hiệp hội chuyên bảo tồn nghệ thuật nhào lộn trên dây và truyền bá lại nghệ thuật này.
Có 2 hình thức huấn luyện để thành thạo được nghệ thuật biểu diễn trên dây: hình thức thứ nhất là chế độ học nghề do thầy dạy trực tiếp huấn luyện học viên và hình thức thứ hai là huấn luyện một cách đại chúng qua việc dạy ở các trường học, các hoạt động trải nghiệm và trại hè...
Taekkyeon là một môn võ thuật truyền thống Hàn Quốc sử dụng động tác uyển chuyển mềm mại để tấn công hoặc đánh ngã đối phương. Khi xem các động tác do người biểu diễn đã dày công tập luyện, ta sẽ thấy chúng mềm mại và như vẽ lên những vòng tròn hơn là đường thẳng và cứng nhắc. Thế nhưng các động tác này vừa rất mềm dẻo lại vừa rất mạnh mẽ. Động tác chân quan trọng không kém động tác tay. Taekkyeon mang lại cảm giác mềm mại nhưng là một môn võ thuật có kỹ thuật tấn công và phòng thủ đa dạng huy động tất cả các chiến thuật.
Taekkyeon còn dạy cách nghĩ đến cho đối phương: người biểu diễn taekkyeon có thể trấn áp đối thủ trong tích tắc, nhưng một cao thủ thực thụ sẽ biết cách khiến đối thủ tự rút lui mà không cần tấn công. Taekkyeon trong nền văn hóa nông nghiệp giúp cho xã hội địa phương hòa hợp và cũng là môn thể thao đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao sức khỏe cho dân địa phương. Taekkyeon ngày thường cũng được nhiều nhóm người tụ tập lại cùng tập luyện. Hiện nay có hơn 50 người chuyên biểu diễn taekkyeon và Hiệp hội Taekkyeon giữ vai trò quan trọng trong việc truyền bá và phát triển bộ môn võ thuật truyền thống này.
Kỹ thuật dệt sợi Mosi tại Hansan được các phụ nữ trung niên tại một làng thuộc tỉnh Chungcheongnamdo Hàn Quốc truyền bá lại. Địa phương này vốn có đất đai màu mỡ và có gió biển thổi quanh năm nên là khu vực cây mosi mọc rất tốt. Muốn dệt mosi phải trải qua nhiều quá trình như trước tiên phải thu hoạch cỏ mosi, luộc lên và tẩy trắng, rút sợi và dệt vải mosi trên khung cửi… Vải mosi rất hữu ích trong mùa hè nóng nực, được sử dụng trong việc may các loại quần áo đa dạng như quần áo hàng ngày, quân phục, trang phục leo núi… Mosi có thớ vải sang trọng và tạo cảm giác mát mẻ với màu trắng tinh đặc thù nên không chỉ được ưa chuộng trong các vật liệu may trang phục hàng ngày mà cũng là một loại vải rất cao cấp. Dệt mosi là một công việc chủ yếu do phụ nữ làm nên kỹ thuật đó được truyền lại cho con gái và con dâu từ đời này qua đời khác.
Truyền thống này thường được dân làng tập trung tại một địa điểm quy định trong làng và cùng nhau dệt sợi nên cũng giúp cho xã hội địa phương hòa hợp với nhau. Hiện nay tại địa phương này có hơn 500 người chuyên làm nghề dệt mosi.
- Các thông tin chi tiết về di sản của Hàn Quốc được UNESCO công nhận được cung cấp ở trang web của Sở Di sản Văn hóa https://www.cha.go.kr/main.html