Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Di sản UNESCO/1
UNESCO đã công nhận giá trị và đặc tính độc đáo của văn hóa Hàn Quốc bằng cách ghi tên nhiều di sản văn hóa của Hàn Quốc vào danh mục di sản thế giới. Vào năm 1995, chùa Bulguksa (Phật Quốc tự) và động Seokguram (Thạch Quật động) (Gyeongju, tỉnh Gyeongsangbuk-do), Janggyeongpanjeon thuộc chùa Haeinsa (tỉnh Gyeongsangnam-do) - nơi bảo quản bản khắc gỗ bộ kinh Phật Goryeo Đại Tạng kinh và Jongmyo (Tông miếu) (Seoul) - nơi thờ vua và hoàng hậu đã được công nhận thêm.
Năm 1997, cung điện Changdeokgung và thành Suwon Hwaseong đã được thêm vào danh sách. Các di tích mộ đá ở Gochang, Hwasun, Ganghwa và Quần thể Di tích Lịch sử Gyeongju với vô vàn những di tích văn hóa và lịch sử được bảo tồn một cách trân trọng đã được công nhận vào năm 2000. Năm 2007, đảo núi lửa và hang động dung nham ở Jeju tự hào với vẻ đẹp tuyệt vời, cho thấy một trong những đặc tính chủ yếu của lịch sử trái đất đã được công nhận là di sản thiên nhiên. Tiếp theo vào năm 2009, 40 lăng mộ các vua Joseon được ghi thêm vào danh mục. Những ngôi mộ này được xây dựng dựa trên thuật phong thủy thời cổ đại.
Chùa Bulguksa và động Seokguram đã được xây vào năm 751 bởi Tể tướng Silla là Kim Dae-seong (701-774) trong thời gian kéo dài 23 năm. Theo truyền thuyết được ghi lại, Kim Dae-seong trong kiếp trước là con trai của một bà mẹ đơn thân nghèo khổ và được hồi sinh làm con trai của tể tướng ở thế giới hiện tại. Kim Dae-seong cũng trở thành tể tướng, ông từ quan vào năm 750 và giám sát việc xây dựng chùa Bulguksa thờ phụng cha mẹ hiện tại và động Seokguram thờ phụng cha mẹ ở kiếp trước. Chùa Bulguksa đã trở thành ngôi chùa để nhân dân thờ cúng Phật, còn động Seokguram là nơi thờ cúng riêng tư của quốc vương.
Bulguksa được xây trên một dãy hành lanh đá nối liền với nhau, tạo nên một thể thống nhất hài hòa với địa hình đá tảng của chân núi Tohamsan với cây cối rậm rạp. Bên trong chùa có Seokgatap (‘Thích ca tháp’: ngôi tháp của Phật), Dabotap (‘Đa bảo tháp’: tháp có nhiều bảo vật) và các cầu thang có tên là Cheongungyo (‘Thanh vân kiều’: cầu mây xanh), Baekungyo (‘Bạch vân kiều’: cầu mây trắng), Chilbogyo (‘Thất bảo tháp’: cầu có bảy bảo vật). Lý do cầu thang được gọi là cầu là do những chiếc cầu thang này mang tính tượng trưng cho sự nối kết thế giới trần tục với chốn linh thiêng của cõi Phật. Ngoài ra ở bên trong và khu vực ngoài chùa Bulguksa còn có nhiều di sản văn hóa khác như tượng Phật bằng đồng v.v...
Seokguram đã trải qua quá trình trùng tu nhiều lần kéo dài nhiều năm. Seokguram là một hang động đá do con người dựng nên với đặc trưng có một tượng Phật ngồi lớn và 38 tượng Phật Bồ tát xung quanh. Động được làm bằng đá hoa cương giống như công trình kiến trúc Bulguksa gần đó.
Seokguram có cấu trúc là một sảnh hình vuông ở phía trước nối với điện chính có không gian tròn, mái vòm hình tròn như bầu trời bằng một hành lang hẹp. Tượng Phật ngồi xếp bằng trên đài hoa sen hướng về phía Đông được đúc bằng nguyên khối đá hoa cương cao 3,5m, có nét mặt thanh bình và thông thái, mắt nhắm như đang chìm vào mặc tưởng. Seokguram được kết hợp bởi kiến trúc, toán học, hình học, vật lý học, tôn giáo và kiến thức nghệ thuật tạo nên thể thống nhất, là một trong những di sản Phật giáo vĩ đại của Hàn Quốc.
Janggyeongpanjeon là hai dãy nhà kho ở chùa Haeinsa - nơi bảo tồn 81.258 bản khắc gỗ của bộ Goryeo Đại Tạng kinh. Bộ Goryeo Đại Tạng kinh được khắc lại chính xác từng chữ của hơn 5200 vạn chữ Hán là bộ kinh Phật lâu đời và bao quát nhất trong số các bộ kinh Phật hiện đang tồn tại trên thế giới.
Đền thờ Jongmyo (Tông miếu) thờ vua và hoàng hậu được xây dựng vào năm 1395 - 3 năm sau khi Joseon được lập ra. Nghi lễ thờ cúng Jongmyo và Jongmyojeryeak (Tông miếu tế lễ nhạc) - âm nhạc được cử hành trong lễ cúng này đã được chỉ định là di sản phi vật thể của nhân loại. Vào chủ nhật đầu tiên của tháng 5 hàng năm, nghi lễ thờ cúng của triều đại Joseon này được tái hiện và cử hành tại Jongmyo.
Cung điện Changdeok-gung là cung điện được xây dựng vào năm 1405 và được xây dựng lại sau đó do bị phá hủy bởi sự xâm lược của Nhật năm 1592. Bản thân cung điện đã cho thấy sự khéo léo của các nghệ nhân nhưng công trình đáng chú ý nhất là khu vườn Huwon (Hậu uyển) phía sau. Khu vườn cũng được gọi là Biwon (Bí uyển - khu vườn bí mật) nổi tiếng với cảnh quan tươi đẹp của nó và sự khéo léo đầy sáng tạo. Khu vườn này chiếm gần như 3/4 diện tích bên trong cung điện với quy mô 405.636m², những cung điện và mái đình làm nơi ngắm cảnh đẹp như tranh vẽ, hồ hoa sen, hòn đá, cầu đá, cầu thang, hồ nước có hình dáng độc đáo và những con suối tỏa ra giữa những tán cây um tùm... tất cả những yếu tố buộc phải có trong khu vườn truyền thống Hàn Quốc kết hợp với nhau trải ra một cách thanh thoát.
Hwaseong được xây dựng vào năm 1796 tại Suwon thuộc phía Nam Seoul trong 34 tháng. Đây là sự ra đời của một pháo đài quân sự tiến bộ nhất trong lịch sử bán đảo Triều Tiên được xây dựng bằng kỹ thuật kiến trúc mới nhất kết hợp với lý thuyết phòng ngự quân sự và các nguyên lý mỹ thuật vào thời đó. Hwaseong bao bọc trọn khu trung tâm của thành phố hiện nay vốn có địa hình cao thấp khác nhau, gồm 4 cổng thành lớn và một số cổng thành nhỏ, đài chỉ huy, đài quan sát, công sự nổi, trạm gác, trận địa... Phần lớn tường thành ở phía ngoài dài 5743km vẫn còn tồn tại.
Các di tích mộ đá ở Gochang thuộc tỉnh Jeollabuk-do, Hwasun thuộc tỉnh Jeollanam-do và Ganghwa thuộc Incheon cùng với Quần thể Di tích Lịch sử Gyeongju cũng được ghi tên vào danh mục năm 2000. Gyeongju – kinh đô hàng ngàn năm của Silla hiện tồn tại vô số các di tích lịch sử nên được gọi là ‘Viện Bảo tàng không tường chắn’.
Núi lửa và động dung nham ở đảo Jeju có tổng diện tích 18.846 ha gồm 3 khu vực (Geomunoreum, Seongsan Ilchulbong và Hallasan). Trong đó Geomunoreum là hang động dung nham có hệ thống hang động đẹp nhất thế giới với đặc trưng là trần và nền được cấu tạo bằng chất Canxi Cacbonat nhiều màu sắc và tường màu tối sẫm. Đỉnh Seongsan Ilchulbong có hình dánh thành quách bao phủ đầy ấn tượng là miệng núi lửa vươn lên trên mặt biển. Núi Hallasan là ngọn núi cao nhất ở Hàn Quốc có những đặc điểm là ngọn thác, những hòn đá hình thù kỳ thú và một hồ nước nhỏ vốn là miệng núi lửa. Những địa điểm với vẻ đẹp xuất chúng đầy tự hào này cũng là những di sản chứng minh được đặc điểm và quá trình chủ yếu của lịch sử hình thành trái đất.
Khu Lăng mộ Hoàng gia Joseon được xây dựng trên lý thuyết phong thủy cổ đại và nguyên lý của Nho giáo là tư tưởng thống trị trong thời đại Joseon tự hào về những vẻ đẹp khó có thể tìm được tại lăng mộ của những nước khác. Sự sắp đặt về mặt không gian, thiết kế kiến trúc và mục đích sử dụng, quy mô của các công trình kiến trúc bằng đá… phản ánh quan điểm về thiên nhiên và vũ trụ của thời đại Joseon. Thêm vào đó, các nghi lễ truyền thống vẫn được cử hành trong một thời gian dài từ thời đại Joseon cho tới hiện nay cũng là điều giúp ta có thể nhận thấy được giá trị văn hóa của Khu Lăng mộ Hoàng gia Joseon.
Làng Hahoe và làng Yangdong thuộc tỉnh Gyeongsangbukdo đã được công nhận là di sản thế giới với giá trị văn hóa độc đáo của nó tại Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới (World Heritage Commission) được tổ chức tại Brasilia, Brasil vào tháng 7 năm 2010. Những ngôi làng này đã duy trì nếp sinh hoạt thị tộc và hướng theo Nho giáo thời đại Joseon.