Bước tới nội dung

Nước Mỹ xây dựng chính phủ quốc gia/3

Tủ sách mở Wikibooks

Vấn đề mở rộng lãnh thổ

Cùng với sự kết thúc của cuộc cách mạng, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lại phải đối mặt với vấn đề miền Tây vẫn chưa được giải quyết – vấn đề mở rộng lãnh thổ với những mặt phức tạp về đất đai, buôn bán lông thú, người da đỏ, khu định cư và chính quyền địa phương. Bị quyến rũ bởi đất đai vô cùng màu mỡ mới được phát hiện, những người tiên phong đã vượt qua dãy núi Appalachian và tiến tới xa hơn nữa. Cho đến năm 1775, những triền đồi xa xôi nằm rải rác dọc theo những tuyến đường sông có đến hàng chục nghìn người định cư. Bị chia cách bởi những dãy núi và hàng trăm cây số xa những trung tâm quyền lực chính trị ở miền Đông, cư dân ở đó đã thành lập các chính quyền của riêng mình. Cư dân từ tất cả các bang vùng Tidewater đã dồn về các thung lũng sông màu mỡ có những thảo nguyên bao la nằm sâu trong lục địa. Tới năm 1790, dân số của vùng Appalachian đã lên tới hơn 120.000 người.

Trước chiến tranh, một số thuộc địa đã đưa ra những tuyên bố khẳng định phần đất sở hữu của họ thật lớn và nhiều khi chồng chéo vượt khỏi dãy Appalachian. Đối với những người không có những yêu sách như thế thì chiến lợi phẩm về lãnh thổ giàu có này dường như được chia phần không công bằng. Đứng về phía những người đó, bang Maryland đã đưa ra một quyết nghị khẳng định các vùng đất miền Tây phải được coi là tài sản chung do Đại hội Lục địa phân chia thành những chính quyền tự do và độc lập. ý tưởng này không được đón nhận một cách hồ hởi. Tuy vậy, vào năm 1780 bang New York đã tiên phong bằng cách nhường lại tất cả phần đất mà họ khẳng định thuộc quyền sở hữu. Năm 1784 bang Virginia vốn nắm giữ những quyền sở hữu lớn nhất đã từ bỏ toàn bộ đất đai ở phía bắc sông Ohio. Các bang khác cũng đã nhượng lại những vùng đất họ khẳng định thuộc quyền sở hữu. Đại hội có thể sẽ thừa hưởng quyền sở hữu tất cả mọi đất đai ở phía bắc sông Ohio và phía Tây dãy núi Allegheny. Việc sở hữu chung hàng triệu héc – ta đất chung như vậy là một bằng chứng hiển nhiên nhất về tính chất quốc gia và tính thống nhất, và điều đó đã đem lại nội dung nhất định cho tư tưởng thống nhất và hợp nhất thành quốc gia, đồng thời những phần lãnh thổ rộng lớn này cũng là một khó khăn đòi hỏi phải được giải quyết.

Đại hội Liên bang đã xây dựng một hệ thống tự trị hạn chế cho vùng lãnh thổ Tây Bắc mới đó. Sắc lệnh Tây Bắc năm 1787 đã quy định về bộ máy tổ chức mới này. Lúc đầu, đây được coi là một quận với người đứng đầu là thống sứ cùng các thẩm phán do Đại hội bổ nhiệm. Khi lãnh thổ này có đến 5.000 cư dân nam giới tự do nằm trong độ tuổi bầu cử thì sẽ được có quyền lập Quốc hội lưỡng viện, và chính khu vực này sẽ tự bầu ra Hạ viện. Ngoài ra, khu vực này còn được cử một đại biểu không có quyền bỏ phiếu tới Đại hội. Cứ khi nào một trong số các bang có tới 60.000 cư dân tự do thì sẽ được gia nhập Liên bang có vị thế bình đẳng với các bang sáng lập trên mọi phương diện. Sắc lệnh cũng đảm bảo các quyền dân sự và các quyền tự do, khuyến khích giáo dục và nghiêm cấm chế độ nô lệ hay các thức nô lệ cưỡng bức khác.

Chính sách mới đã bác bỏ quan niệm vốn có từ lâu đời cho rằng các thuộc địa tồn tại vì lợi ích của mẫu quốc và lệ thuộc về chính trị, có địa vị thấp kém về xã hội. Trái lại, chính sách mới đề ra nguyên tắc các thuộc địa (lãnh thổ) là phần mở rộng của quốc gia và được phép – không phải là đặc quyền và chỉ là quyền – được hưởng tất cả mọi lợi ích của bình đẳng.