Nước Mỹ xây dựng chính phủ quốc gia/13

Tủ sách mở Wikibooks

Cơn giác ngộ vĩ đại lần hai

Đến cuối thế kỷ XVIII, nhiều người Mỹ có học thức đã tự nhận không còn theo những tín ngưỡng Cơ-đốc truyền thống nữa. Đáp lại phong trào thế tục đang diễn ra trong thời đại, phong trào phục hưng tôn giáo đã nhanh chóng tiến về phía tây vào nửa đầu thế kỷ XIX.

“Cơn giác ngộ vĩ đại lần hai này có nhiều loại hình hoạt động và có sự khác biệt theo địa phương và cách thức thể hiện gắn bó tôn giáo. Ở bang New England, tinh thần tôn giáo trỗi dậy đã kích thích một làn sóng tuyên truyền mạnh mẽ trong xã hội. Ở phía tây New York, tinh thần phục hưng đã khuyến khích sự xuất hiện những giáo phái mới. Ở vùng Appalachian thuộc bang Kentucky và Tennessee, phong trào phục hưng đã củng cố các giáo phái Giám lý và Baptist, và sản sinh một hình thức thể hiện tôn giáo mới – tụ họp trong lều trại.

Trái với Cơn giác ngộ vĩ đại trong thập niên 1730, phong trào phục hưng ở miền Đông nổi tiếng vì không có kích động cuồng loạn và công khai cảm xúc. Trái lại, những người phi tín ngưỡng đã kinh sợ với sự im lặng đáng kính của những người đang mang những bằng chứng cho đức tin của họ. Tinh thần phục hồi phái phúc âm ở bang New England đã dẫn đến sự ra đời những hội truyền giáo liên giáo phái để truyền bá phúc âm tới miền Tây. Các thành viên của những giáo phái này không chỉ hành động như những tông đồ vì đức tin mà còn như những nhà giáo dục, những nhà lãnh đạo nhân dân và đại diện của nền văn hóa đô thị miền Đông. Việc ấn hành sách báo và các hội giáo dục đã góp phần đẩy mạnh truyền bá đạo Cơ- đốc. Nổi bật nhất trong số các hội này là Hội Thánh kinh Hoa Kỳ thành lập năm 1816. Lòng hăng say hoạt động xã hội vốn được kích thích bởi phong trào phục hưng tôn giáo đã góp phần mở đường cho các nhóm bãi nô, Hội Khuyến khích Thanh tịnh và những nỗ lực cải tạo nhà tù, đồng thời chăm sóc người tàn tật và người thiểu năng trí tuệ.

Miền Tây New York, từ Hồ Ontario đến dãy núi Adirondack đã là nơi hoạt động của nhiều cuộc phục hưng tôn giáo trước đây – hay còn gọi là phong trào Rực cháy khắp quận. Chính tại nơi đây có một nhân vật nổi tiếng, Charles Grandison Finney, luật sư đã trải qua lễ hiển linh và chuẩn bị giảng Phúc âm. Phong trào thúc đẩy lòng mộ đạo của ông đã được chuẩn bị chu đáo, thu hút được đông đảo quần chúng và quảng bá rất rộng. Finney đã giảng đạo ở khu vực Rực cháy khắp quận suốt thập niên 1820 và đầu thập niên 1830 trước khi chuyển tới bang Ohio vào năm 1835 làm giảng viên thần học tại Đại học Oberlin. Sau này ông trở thành hiệu trưởng của trường.

Hai giáo phái khác ở Mỹ là Mormons (các Thánh ngày nay) và Seventh Day Adventists (giáo phái Tin vào lần xuất hiện thứ hai của Chúa), cùng khởi đầu ở miền đất rực cháy này.

Ở khu vực Appalachian, phong trào phục hưng tôn giáo có những nét đặc điểm giống Cơn giác ngộ vĩ đại của thế kỷ trước. Nhưng tại đây, trung tâm của phong trào phục hưng là những cuộc gặp gỡ trong lều – một nghi lễ tôn giáo kéo dài nhiều ngày cho nhóm tín đồ phải lưu lại nơi hành lễ vì quá xa nhà. Những người tiên phong ở vùng thưa thớt dân cư đã tìm đến những buổi hành lễ trong lều làm nơi trốn tránh cuộc sống đơn côi nơi biên ải. Niềm hân hoan từ việc tham gia buổi lễ phục hưng tôn giáo cùng với hàng trăm và có lẽ hàng nghìn người đã thôi thúc họ vui ca, nhảy múa, hò hét thâu suốt các buổi lễ.

Phong trào phục hưng tôn giáo nhanh chóng lan khắp các bang Kentucky, Tennesssee và miền Nam bang Ohio, trong đó người hưởng lợi chủ yếu là tín đồ Giám lý và Baptist. Mỗi giáo phái đều có tài sản giúp họ trở nên hưng thịnh ở miền biên ải. Các tín đồ Giám lý có bộ máy tổ chức rất hiệu quả, chủ yếu dựa vào các mục sư – hay còn gọi là những kỵ sỹ kinh lý – tìm đến những con người sinh sống ở khu vực biên giới xa xôi. Các kỵ sỹ kinh lý đến với dân thường để giúp đỡ họ gây dựng quan hệ với các gia đình sống ven biên giới. Họ hy vọng sẽ cải biến những con người này thành những tín đồ. Những người thuộc Giáo phái Baptist không có tổ chức giáo hội chính thức. Những người giảng đạo kiêm chủ trang trại của họ đqược tôn vinh là “những người nhận được lời hiệu triệu của Chúa Trời”. Họ học kinh thánh và lập nhà thờ nơi sau này chính họ sẽ được thụ phong. Những ứng viên mục sư khác cũng xuất phát từ các nhà thờ này, giúp giáo phái Baptist thiết lập được sự hiện diện xa hơn vào miền đất hoang sơ. Sử dụng những phương pháp như vậy, giáo phái Baptist đã đóng vai trò chủ đạo ở khắp các bang giáp biên giới và hầu hết miền Nam.

Cơn giác ngộ vĩ đại lần hai đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới lịch sử nước Mỹ. Sức mạnh của các tín đồ Baptist và Giám lý đã gia tăng đáng kể so với những giáo phái chủ đạo khác thời thuộc địa – Anh giáo, Giáo hội Trưởng lão và những người theo giáo đoàn. Sự khác biệt ngày càng lớn trong nội bộ giáo hội Tin Lành Hoa Kỳ đã phản ảnh sự lớn mạnh và đa dạng của một dân tộc đang vươn dậy.