Nước Mỹ xây dựng chính phủ quốc gia/1

Tủ sách mở Wikibooks

Hiến pháp của các tiểu bang

Thành công của cuộc cách mạng đã đem lại cho người Mỹ cơ hội xây dựng khung pháp lý cho những lý tưởng của họ như đã được trình bày trong bản Tuyên ngôn Độc lập, đồng thời khắc phục mọi nỗi oan Đức thông qua các bản hiến pháp của tiểu bang. Ngày 10/5/1776, Đại hội Lục địa đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các thuộc địa thành lập các chính phủ mới đảm bảo tốt nhất việc mưu cầu hạnh phúc và an toàn cho tất cả mọi cử tri. Một số chính phủ đã làm được như vậy, và trong vòng một năm sau khi Tuyên ngôn Độc lập ra đời, tất cả ngoại trừ ba tiểu bang, đã soạn thảo xong hiến pháp.

Các bản hiến pháp mới đã thể hiện ảnh hưởng của các tư tưởng dân chủ. Không có bản hiến pháp nào đoạn tuyệt thô bạo với quá khứ cả vì tất cả các bản hiến pháp đó đều được xây dựng trên một nền tảng vững chắc của những trải nghiệm qua thời kỳ thuộc địa và thực tiễn cuộc sống ở nước Anh. Nhưng mỗi bản hiến pháp đều được thổi thêm luồng sinh khí mới của tinh thần chủ nghĩa cộng hòa – một lý tưởng vốn từ lâu đã được các triết gia thời kỳ Khai sáng ca ngợi.

Theo lẽ tự nhiên, mục tiêu đầu tiên của những người khởi thảo những bản hiến pháp bang là bảo vệ những quyền tất yếu bởi việc vi phạm những quyền đó là nguyên nhân khiến các thuộc địa cũ đoạt tuyệt với nước Anh. Như vậy, mỗi bản hiến pháp đều bắt đầu bằng một tuyên ngôn về quyền. Bản hiến pháp của bang Virginia vốn được coi là mẫu mực cho tất cả các bang khác bao gồm bản tuyên ngôn về các nguyên tắc như chủ quyền nhân dân, giữ chức luân phiên, tự do bầu cử và xác định những quyền tự do căn bản: bảo lãnh có mức độ và trừng phạt mang tính nhân đạo, xử án nhanh thông qua bồi thẩm đoàn, tự do báo chí và tự do tín ngưỡng, và quyền của đa số được cải cách hay thay đổi chính phủ.

Các bang khác đã mở rộng danh mục các quyền tự do để bổ sung thêm quyền tự do ngôn luận, hội họp và thỉnh nguyện. Các bản hiến pháp của họ thường có những quy định như quyền được mang vũ khí, quyền bảo hộ nhân thân, quyền bất khả xâm phạm nơi cư trú và bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, tất cả các bản hiến pháp đều bày tỏ sự trung thành với mô hình tam quyền phân lập – hành pháp, lập pháp và tư pháp – mỗi cơ quan đều được hai cơ quan còn lại kiểm soát và cân bằng.

Hiến pháp bang Pennsylvania là cấp tiến nhất. Ở tiểu bang này, các nghệ nhân Philadelphia, tín đồ Tin Lành đến từ Bắc Ai-len sinh sống ở biên giới và các chủ trang trại nói tiếng Đức đã nắm vai trò kiểm soát. Hội đồng lập pháp địa phương thông qua hiến pháp cho phép mọi người đóng thuế là nam giới và các con trai của mình có quyền bầu cử; yêu cầu các chức vụ phải được đảm nhiệm theo chế độ luân phiên (không ai có thể được làm đại diện quá bốn năm trong mỗi nhiệm kỳ bảy năm) và xây dựng cơ quan lập pháp đơn nhất.

Các bản hiến pháp bang có một số hạn chế rõ ràng, đặc biệt nếu xét theo tiêu chí hiện nay. Các hiến pháp được khởi thảo để đảm bảo cho mọi người những quyền tự nhiên của họ nhưng lại không bảo vệ được cho tất cả mọi người quyền tự nhiên căn bản nhất – bình đẳng. Các thuộc địa ở phía nam bang Pennsylvania đã tước đi của những người dân nô lệ các quyền tất yếu với tư cách là những con người. Phụ nữ không có các quyền chính trị. Không bang nào đi xa tới mức cho phép quyền phổ thông đầu phiếu cho tất cả nam giới. Thậm chí ngay cả ở những bang cho phép tất cả những người đóng thuế được đi bầu cử (ngoài bang Pennsylvania còn có các bang Delaware, Bắc Carolina và Georgia), thì những người giữ chức vụ trong chính quyền bắt buộc phải có một lượng tài sản nhất định.