Bước tới nội dung

Nước Mỹ với cải cách và tăng trưởng/12

Tủ sách mở Wikibooks

J.P. Morgan và chủ nghĩa Tư bản tài chính

Nền công nghiệp của Mỹ phát triển không chỉ nhờ vào các nhà công nghiệp vĩ đại. Một nền công nghiệp lớn đòi hỏi một lượng vốn lớn; sự phát triển kinh tế vượt bậc cần tới các nhà đầu tư nước ngoài. John Pierpont (J.P) Morgan là nhà tài chính vĩ đại nhất của Mỹ đã thỏa mãn cả hai điều kiện trên.

Trong suốt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Morgan làm chủ ngân hàng đầu tư lớn nhất tại Hoa Kỳ. Ngân hàng này làm môi giới giữa các công ty chứng khoán Mỹ với các nhà đầu tư giàu có trong nước và ngoài nước. Do các nhà đầu tư nước ngoài cần được đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ luôn được đại diện bởi một đồng tiền ổn định, Morgan đã rất quan tâm đến vấn đề gắn đồng đô-la với giá trị bằng vàng của nó. Trong khi nước Mỹ chưa có một ngân hàng trung ương, ngân hàng của ông, trên thực tế, đã thực hiện nhiệm vụ của một ngân hàng trung ương.

Kể từ những năm 1880 đến đầu thế kỷ XX, Morgan và công ty của ông không chỉ quản lý các công ty chứng khoán bảo lãnh cho nhiều vụ sáp nhập công ty quan trọng, mà nó còn khởi xướng khá nhiều vụ sáp nhập đó. Ngoạn mục nhất là vụ sáp nhập Tập đoàn Thép của Mỹ từ công ty Thép Carnegie với nhiều công ty khác. Giá trị cổ phiếu và trái phiếu mà tập đoàn này bán ra cho các nhà đầu tư đã đạt mức chưa từng có trong lịch sử trước đó là 1,4 tỷ đô-la.

Morgan đạo diễn và thu những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các vụ sáp nhập. Đóng vai trò là ngân hàng chủ đạo của các dự án đường sắt, ông đã thành công trong việc ngăn chặn sự cạnh tranh giữa các công ty. Các nỗ lực tổ chức của ông đã mang lại sự ổn định cho nền công nghiệp Mỹ qua việc chấm dứt các cuộc chiến tranh giá cả và mang phần thua thiệt đến cho nông dân và các nhà sản xuất nhỏ, những người coi ông như kẻ thù. Trong năm 1901, khi ông thành lập Công ty Chứng khoán phía Bắc để quản lý các công trình đường sắt quan trọng, Tổng thống Theodore Roosevelt đã thông qua Đạo luật Chống độc quyền Sherman nhằm ngăn chặn vụ sáp nhập này.

Với vai trò không chính thức của một ngân hàng trung ương, ngân hàng của Morgan đi tiên phong trong việc giữ giá đồng đô-la trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế giữa những năm 1890 bằng việc chào bán số lượng lớn trái phiếu chính phủ nhằm gây quỹ cho kho dự trữ vàng của Kho bạc nhà nước. Đồng thời, công ty của ông cũng đứng ra bảo lãnh ngắn hạn dự trữ vàng của quốc gia. Năm 1907, ông dẫn đầu cộng đồng tài chính New York trong việc ngăn chặn nguy cơ phá sản hàng loạt của các công ty. Trong quá trình này, công ty của chính ông đã mua lại được một công ty thép độc lập lớn, sau này được sáp nhập với Công ty Thép của Mỹ và đích thân Tổng thống Roosevelt đã thông qua vụ sáp nhập này nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Vào thời điểm đó, quyền lực của Morgan lớn đến mức hầu hết dân Mỹ bỗng quay ra nghi ngờ và không ưa ông. Với một chút cường điệu, nhiều nhà cải cách đã miêu tả ông là giám đốc của tờ -rớt tài chính đã kiểm soát toàn bộ nước Mỹ. Vào lúc ông qua đời năm 1913, nước Mỹ đang trong quá trình hoàn tất việc thiết lập một ngân hàng trung ương, Cục Dự trữ Liên bang, thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây ông vẫn đảm nhiệm một cách không chính thức.