Nước Mỹ và chặng đường giành độc lập/7

Tủ sách mở Wikibooks

Các đạo luật cưỡng bức

Quốc hội đã đáp lại bằng các đạo luật mới mà người dân thuộc địa gọi là các đạo luật cưỡng bức hay độc đoán. Đầu tiên, Đạo luật Cảng Boston đã đóng cửa cảng Boston cho đến khi số chè đó được bồi thường đầy đủ. Hành động này đã khiến cả đời sống của cư dân thành phố bị lâm nguy, bởi lẽ việc ngăn Boston không giao thương bằng đường biển cũng đồng nghĩa với một thảm họa kinh tế. Các đạo luật khác hạn chế quyền lực của chính quyền địa phương và cấm tổ chức hầu hết các cuộc họp hội đồng thành phố nếu không được thống sứ chấp thuận. Đạo luật Hậu cần yêu cầu giới chức địa phương tìm chỗ ăn ở phù hợp cho binh lính Anh, kể cả nhà dân nếu cần thiết. Thay vì chỉ khuất phục và cô lập bang Massachusetts theo ý đồ ban đầu của Quốc hội, những đạo luật này lại tập hợp các thuộc địa khác để giúp đỡ cho bang Massachusetts. Đạo luật Quebec được thông qua gần như cùng lúc đã mở rộng địa giới phía Nam Quebec đến tận sông Ohio. Để phù hợp với các quy định trước đó của Pháp, đạo luật này cho phép xét xử không cần bồi thẩm đoàn, không thiết lập cơ quan lập pháp mang tính đại diện, đồng thời cho phép Cơ- đốc giáo hưởng quy chế bán chính thức. Phớt lờ những quy định nêu trong hiến chương trước đây, đạo luật này còn đe dọa chặn đứng việc mở rộng cương vực sang phía Bắc và Tây Bắc. Đạo luật này cũng thừa nhận các giáo phái Tin Lành đã xúc phạm Tòa thánh La-MÃ và có vị trí áp đảo ở tất cả mọi thuộc địa. Tuy không được thông qua như biện pháp trừng phạt, song Đạo luật Quebec cũng vẫn bị người Mỹ đánh đồng với các đạo luật cưỡng bức khác. Tất cả các đạo luật đó sau này bị người ta gọi là “Năm đạo luật không thể dung thứ”.

Theo đề nghị của Hội đồng Thị dân Virginia, đại diện các thuộc địa đã nhóm họp tại Philadelphia ngày 5/9/1774 để xem xét thực trạng đáng buồn hiện nay của các thuộc địa. Các đại biểu tham dự cuộc họp này – hay còn gọi Đại hội Lục địa lần thứ nhất – đã được bầu chọn qua đại hội nhân dân. Duy nhất bang Georgia không cử đại biểu tới dự, song tổng số 55 đại biểu đã đủ lớn để bảo đảm tính đa dạng quan điểm, đồng thời cũng đủ nhỏ để tổ chức cuộc tranh luận thực sự và hành động hiệu quả. Sự bất đồng ý kiến trong các thuộc địa đã gây ra tình huống tiến thoái lưỡng nan thật sự cho các đại biểu. Một mặt, họ sẽ phải thể hiện sự nhất trí mạnh mẽ để thuyết phục Chính phủ Anh nhượng bộ, nhưng mặt khác họ phải tránh để lộ bất kỳ tư tưởng cấp tiến hay tinh thần độc lập vốn có thể sẽ làm những người Mỹ chủ trương ôn hòa hơn cảm thấy lo sợ.

Một bài diễn văn thận trọng, kèm theo đó là một cam kết không tuân thủ các đạo luật cưỡng bức, đã kết thúc bằng việc thông qua một loạt nghị quyết khẳng định người dân thuộc địa có quyền sống, tự do và sở hữu, và các cơ quan lập pháp địa phương có quyền giải quyết tất cả mọi trường hợp đánh thuế và chính trị nội bộ. Tuy nhiên, quyết định quan trọng nhất của Đại hội là việc thành lập “Liên hiệp Lục địa nhằm khôi phục các biện pháp tẩy chay thương mại. Đại hội cũng xây dựng hệ thống các ủy ban điều tra hải quan, công bố tên những lái buôn vi phạm cam kết, tịch thu hàng hóa nhập khẩu của họ, khuyến khích tiết kiệm, phát triển kinh tế và công nghiệp.

Liên hiệp Lục địa ngay lập tức đã đảm nhận vai trò lãnh đạo ở các thuộc địa, khuyến khích các tổ chức mới ở địa phương xóa bỏ những quyền hành của hoàng gia còn sót lại. Dưới sự chèo lái của những nhà lãnh đạo ủng hộ độc lập, họ đã tranh thủ được sự ủng hộ không chỉ của những tầng lớp nghèo hơn mà cả những người thuộc tầng lớp trí thức (đặc biệt là các luật sư), hầu hết các chủ đồn điền ở thuộc địa miền Nam và một số lái buôn. Họ lôi kéo những người còn do dự tham gia phong trào dân túy; trừng phạt những kẻ thù địch; bắt đầu tích lũy quân nhu phẩm và động viên binh sỹ; và hướng dư luận thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng.

Nhiều người tuy phản đối việc người Anh xâm phạm các quyền của mình nhưng lại ủng hộ giải pháp thương thuyết và thỏa hiệp. Nhóm này gồm các sỹ quan do nhà vua bổ nhiệm, tín đồ Quaker và tín đồ các giáo phái phản đối sử dụng bạo lực, nhiều lái buôn (đặc biệt ở các thuộc địa miền Trung), những nông dân bất mãn và những cư dân vùng giáp ranh biên giới các thuộc địa miền Nam.

Lẽ ra nhà vua đã có thể gây dựng được liên minh với đông đảo những phần tử ôn hòa, đồng thời cùng với những nhượng bộ đúng lúc, củng cố được vị thế của họ tới mức đội quân cách mạng sẽ khó có thể đối phó với lực lượng thù địch. Nhưng vua George đệ Tam đã không có ý định nhượng bộ. Tháng 9/1774, phớt lờ đơn thỉnh cầu của các tín đồ Quaker ở Philadelphia gửi tới, ông viết giờ đây ván đã đóng thuyền, các thuộc địa hoặc sẽ phải khuất phục hoặc họ sẽ chiến thắng. Động thái này đã cô lập phe Bảo hoàng đang rất lo sợ trước những diễn biến của các sự kiện diễn ra sau khi ban hành các đạo luật cưỡng bức.