Nước Mỹ và chặng đường giành độc lập/14

Tủ sách mở Wikibooks

Tầm quan trọng của cuộc Cách mạng Mỹ

Cách mạng Mỹ có ý nghĩa quan trọng không chỉ bó hẹp trong phạm vi biên giới lục địa Bắc Mỹ. Cuộc cách mạng đã thu hút sự chú ý của chính giới khắp châu Âu. Những nhân vật trứ danh theo chủ nghĩa lý tưởng như Thaddeus Kosciusko, Friedrich von Steuben, và Marquis de Lafayette đã cùng nhau khẳng định tư tưởng tự do mà họ hy vọng sẽ được lan tỏa tới các quốc gia của họ. Thành công của cuộc cách mạng đã tạo chỗ dựa vững chắc cho khái niệm quyền tự nhiên khắp thế giới phương Tây và càng thể hiện rõ hơn những lời phê phán của những người theo chủ nghĩa duy lý trong thời kỳ Khai sáng về mô hình cổ điển dựa trên chế độ quân chủ cha truyền con nối và giáo hội. Trên thực tế, Cách mạng Mỹ là phát súng báo hiệu cuộc Cách mạng Pháp, nhưng lại không có tính chất bạo lực và bạo loạn như cuộc Cách mạng Pháp bởi lẽ nó diễn ra ở một xã hội vốn đã rất tự do.

Những tư tưởng cách mạng đã được thể hiện rõ ràng nhất qua chiến thắng áp đảo của triết thuyết khế ước xã hội /quyền tự nhiên của John Locke. Diễn ra thật đúng lúc, tính chất của cuộc cách mạng này còn bác bỏ thật nhanh chóng tầm quan trọng của đạo Tin Lành phái Can-vanh bất mãn. Từ những người hành hương đến những tín đồ Thanh giáo đều ủng hộ những lý tưởng của khế ước xã hội và cộng đồng tự trị. Những học giả ủng hộ triết thuyết của John Locke và giới tăng lữ Tin Lành đều là lực lượng cổ xúy những tư tưởng tự do chủ nghĩa vốn đã rất phát triển ở các thuộc địa Bắc Mỹ thuộc Anh.

Các học giả cũng lập luận rằng tư tưởng cộng hòa cũng đã góp phần làm nên cuộc cách mạng này. Họ cho rằng tư tưởng cộng hòa không phủ nhận sự tồn tại của quyền tự nhiên mà đặt những quyền này dưới niềm tin cho rằng cần phải có một nhà nước cộng hòa tự do để duy trì trách nhiệm cộng đồng và dung dưỡng tính chất tự đào thải trong các nhà lãnh đạo của họ. Trái lại, việc đề cao quyền cá nhân, thậm chí cả mưu cầu hạnh phúc cá nhân, dường như là quá ích kỷ. Có một thời tư tưởng cộng hòa đã đe dọa gạt bỏ các quyền tự nhiên với tư cách là chủ đề lớn của cuộc cách mạng. Tuy vậy, hầu hết các sử gia ngày nay lại thừa nhận sự khác biệt như vậy đã bị đề cao quá mức. Hầu hết mọi cá nhân đều nghĩ như vậy trong thế kỷ XVIII và thấy rằng hai tư tưởng khác nhau này cũng chỉ như hai mặt của một đồng xu trí tuệ mà thôi.

Cách mạng thường gắn liền với những đảo lộn và bạo lực trong xã hội trên quy mô lớn. Nếu theo những tiêu chí như vậy thì Cách mạng Mỹ tương đối ôn hòa. Khoảng 100.000 nhân vật bảo hoàng đã rời bỏ Hợp chủng quốc mới được thành lập. Vài ngàn người thuộc giới tinh túy trước đây đã bị tịch thu tài sản và trục xuất. Nhiều người khác là dân thường trung thành với nhà vua. Phần lớn trong số họ đã lưu vong một cách tự nguyện. Cuộc cách mạng không mở ra và thúc đẩy tự do nhiều hơn ở một xã hội vốn đã tự do. Ở bang New York và hai bang Carolina, bất động sản lớn của những kẻ bảo hoàng đã bị chia cho nông dân nghèo. Những giả thuyết của tư tưởng tự do đã trở thành chuẩn mực chính thống trong văn hóa chính trị Mỹ – cho dù là thể hiện ở việc bãi bỏ giáo hội Anh, nguyên tắc bầu chọn giới chức hành pháp của tiểu bang và quốc gia, hay việc phổ biến rộng rãi tư tưởng tự do cá nhân. Song cơ cấu xã hội hầu như không thay đổi. Cho dù có cách mạng hay không thì hầu hết người dân vẫn được đảm bảo an toàn trong cuộc sống, quyền tự do và sở hữu của riêng họ.