Bước tới nội dung

Nước Mỹ thời thuộc địa/8

Tủ sách mở Wikibooks

Một dân tộc phi thường?

Phải mất 175 năm sau khi một nhóm gồm hầu hết các thuộc địa của Anh được thành lập thì Hoa Kỳ mới trở thành một quốc gia. Nhưng ngay từ đầu, Hoa Kỳ là một xã hội hoàn toàn khác biệt trong con mắt của người châu Âu vốn quan sát họ từ xa, cho dù với niềm hy vọng hay nỗi lo sợ. Hầu hết những người định cư nơi đây – dù là thế hệ con cháu của giới quý tộc, những người bất đồng tôn giáo hay những người hầu bị bần cùng hóa – đều được cuốn hút bởi tương lai đầy triển vọng hoặc quyền tự do mà họ không thể có ở Cựu Thế giới. Những người Mỹ đầu tiên lại được hồi sinh một cách tự do, được khẳng định chính mình ở vùng đất hoang sơ không bị bất kỳ một trật tự xã hội nào cản trở, ngoại trừ cuộc sống nguyên thủy của những người thổ dân mà họ đã chiếm đất. Bỏ lại đằng sau gánh nặng của trật tự phong kiến cũ, họ hầu như không gặp phải bất kỳ trở ngại nào trong quá trình xây dựng xã hội dựa trên các nguyên tắc tự do chính trị và xã hội được xây dựng trong thời kỳ đầy khó khăn ở thế kỷ XVII và XVIII ở châu Âu. Dựa theo tư duy của nhà triết học John Locke, mô hình tự do đó đã đề cao quyền của các cá nhân và hạn chế quyền lực của chính phủ.

Hầu hết người nhập cư đến Mỹ đều xuất phát từ quần đảo Anh – chính thể tự do nhất ở châu Âu cùng với Hà Lan. Về tôn giáo, phần lớn trong số họ đi theo các nhánh khác nhau của giáo phái Can-vanh, đề cao cả mối quan hệ thần thánh và thế tục theo khế ước. Tất cả những điều đó đã mở đường cho sự ra đời của một trật tự xã hội được xây dựng trên nền tảng quyền cá nhân và sự uyển chuyển của xã hội. Việc xây dựng một xã hội trọng thương phức tạp và có trật tự chặt chẽ hơn ở các thành phố duyên hải trong thế kỷ XVIII cũng không cản trở xu thế này. Chính các thành phố này lại trở thành cái nôi của cuộc Cách mạng Mỹ. Đồng thời việc thường xuyên xây dựng lại xã hội với việc mở rộng biên giới phía Tây nhanh chưa từng thấy cũng đã góp phần thúc đẩy tư tưởng dân chủ – Tự do như vậy.

Ở châu Âu, các lý tưởng về quyền cá nhân diễn ra chậm hơn và khác biệt hơn. Khái niệm dân chủ thậm chí còn xa lạ hơn thế. Những cố gắng nhằm tăng cường quyền cá nhân và dân chủ ở quốc gia già cỗi nhất châu Âu đã dẫn tới cuộc Cách mạng Pháp. Những nỗ lực đập tan chế độ phong kiến mới đồng thời thiết lập quyền của cá nhân và tư tưởng bác ái dân chủ đã gây ra nỗi khiếp sợ, dẫn tới chế độ độc tài và chuyên quyền của Napoleon. Cuối cùng, điều đó đã dẫn tới những phản ứng và việc hợp pháp hóa trật tự cũ đang suy tàn. Ở Hoa Kỳ, hình ảnh châu Âu xưa đã bị nhòa đi trước những lý tưởng xuất hiện thật tự nhiên trong quá trình xây dựng một xã hội mới trên vùng đất hoang sơ. Những nguyên tắc tự do và dân chủ đã nổi lên rất mạnh ngay từ giai đoạn đầu. Một xã hội gạt bỏ những gánh nặng trong lịch sử châu Âu cuối cùng đã khai sinh một dân tộc tự thấy mình là phi thường trong lịch sử.