Nước Mỹ mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng/11

Tủ sách mở Wikibooks

Miền biên ải, miền Tây và trải nghiệm của nước Mỹ

Biên giới – ranh giới giữa lãnh thổ đã có người định cư với vùng đất chưa có người ở – bắt đầu từ Jamestown và Plymouth Rock. Biên giới dịch chuyển về phía Tây suốt chiều dài gần 300 năm, băng qua những vùng đất hoang sơ, rợp bóng rừng và những đồng bằng trống trải cho đến khi cuộc điều tra dân số cứ mười năm một lần tiến hành năm 1890 cho thấy chí ít, Hợp chủng quốc không còn nhận thấy ranh giới phân chia định cư một cách rõ ràng nữa.

Vào thời đó, đối với nhiều người, một chương lịch sử dài đã khép lại – một chương sử mà ở đó đất nước đã vươn lên từ vài thương điếm nhỏ mang dấu ấn văn minh của người Anh tới vị thế của một quốc gia độc lập có bản sắc riêng. Người ta dễ dàng có thể tin rằng quá trình khai hoang và hậu khai hoang, cứ thế liên tục diễn ra khi người ta đi chinh phục một lục địa mới, chính là nhân tố quyết định tới sự phát triển của quốc gia non trẻ này.

Năm 1893, nhà sử học Frederick Jackson Turner, khi thể hiện một cảm xúc thường thấy ở nhiều người như ông hồi đó, đã tuyên bố chính miền biên giới đã khiến cho nước Mỹ không phải là một khúc thừa của châu Âu. Miền biên cương đã giúp tạo nên một dân tộc có văn hóa có lẽ thô ráp hơn của châu Âu nhưng giàu thực tế, nhiệt huyết, cá tính và dân chủ hơn. Sự tồn tại của những khu vực đất tự do rộng lớn đã giúp tạo nên một dân tộc có nhiều chủ sở hữu và là van an toàn cho những tâm tư uẩn khúc ở các thành phố và những nơi định cư quá đông. Những phân tích của ông hàm ý một nước Mỹ không có miền biên ải hẳn sẽ rất giống như một châu Âu rệu rã, với những chế độ xã hội bị phân tầng, xung đột giai cấp và hiếm có cơ hội tốt.

Sau hơn một trăm năm, các học giả vẫn còn tranh luận về tầm quan trọng của miền biên ải trong lịch sử Hoa Kỳ. Rất ít người cho rằng miền biên ải giờ đây vẫn còn mang ý nghĩa quan trọng quyết định như Turner đã nêu. Một số người thậm chí còn đi xa hơn bằng cách bác bỏ lập luận của Turner. Họ cho rằng ông đã lãng mạn hóa cả một quá trình lịch sử đẫm máu và nước mắt – với những dấu ấn như cuộc chiến chinh phục Mexico, cách thức đối xử gần như diệt chủng với các bộ lạc da đỏ và tàn phá môi trường. Họ cho rằng những hình ảnh thường thấy ở miền biên giới là chỉ là khổ ải và thất bại.

Dẫu vậy, thật khó có thể tin rằng ba thế kỷ dài trong phong trào Tây tiến lại không có tác động nào tới bản sắc dân tộc. Chúng ta hãy nhớ lại, những nhà quan sát đầy tinh tế người nước ngoài như học giả người Pháp Alexis de Tocqueville lại mê mẩn trước miền Tây Hoa Kỳ. Thực vậy, khu vực định cư cuối cùng ở biên giới – một vùng đất rộng thênh thang, trải dài từ Texas lên phía Bắc cho tới tận biên giới Canada mà ngày nay người Mỹ gọi chung là miền Tây – dường như vẫn mang những lý tưởng đặc trưng nhất về chủ nghĩa cá nhân, dân chủ và cơ hội hiện hữu rõ ràng hơn nhiều so với phần còn lại của nước Mỹ. Có lẽ chúng ta cũng có thể phát hiện thấy rằng nhiều người ở nhiều vùng đất khác, khi nghe thấy hai tiếng người Mỹ cũng đều liên tưởng ngay tới biểu tượng của vùng biên giới cuối cùng đó – “cao bồi”.