Lịch sử văn minh nhân loại/Tam giáo/Phật giáo/Siêu hình học

Tủ sách mở Wikibooks

Trong đạo Phật những vấn đề siêu hình không là vấn đề hệ trọng đối với những ai đang cố thực hiện cuộc thực nghiệm tâm linh. Đối với các vị tỳ kheo hay đặt những thắc mắc siêu hình, đức Phật thường quở phạt là vì lẽ đó. Ông dạy rằng điều hệ trọng nhất là phải tự tinh tiến lên để được giải thoát giác ngộ, đừng phí thì giờ và tâm lực vào những vấn đề siêu hình "Này các tỳ kheo, các thầy đừng thắc mắc về vấn đề thế giới nầy là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù thế giới nầy là hữu hạn hay vô hạn, là hữu cùng hay vô cùng, thì điều mà chúng ta phải nhận là thực có ở giữa đời nầy, vẫn là những khổ đau sinh lão bệnh tử". Đức Phật lựa chọn một ít những chân lý căn bản có lợi cho sự giải thoát diệt khổ để dạy cho tứ chúng đệ tử. Trong Kinh có chép câu chuyện của một người bị trúng tên độc không chịu cho người ta nhổ tên để rịt thuốc "Khoan, khoan nhổ mũi tên đã. Để tôi còn phải tìm hiểu kẻ nào đã bắn tôi, mặt mũi ra sao, tên gì, làng nào, có thù hằn gì với tôi không, rồi sau hãy nhổ." Nếu mà tìm hiểu được từng ấy thứ thì thuốc độc đã ngấm vào thân thể rồi, còn cứu làm sao được. Đức Phật cho rằng các đệ tử phải thực hành phương pháp giải thoát diệt khổ, đừng mất thì giờ đi tìm hiểu những chuyện vu vơ.[17]


Những vị đệ tử chưa chứng ngộ thường thắc mắc về Niết Bàn và đặt những câu hỏi về Niết Bàn. Đức Phật có nhiều lần đã im lặng trước những câu hỏi đó. Sự im lặng của ông cũng đã là một cách trả lời. Tìm hiểu về Niết Bàn là một việc làm mất thì giờ lại còn dễ đưa người tới những tưởng tượng hư vọng. Niết Bàn là một thực thể cần được thực chứng chứ không phải là đối tượng của những suy luận duy lý. Không cho những vấn đề siêu hình là quan trọng, đó là một điểm đặc biệt của đạo Phật. Một vị tỳ kheo quyết tâm chứng đạo, không bắt buộc phải có lòng tin của một tín đồ. Người ấy có thể không bận tâm đến các vấn đề cực lạc, thiên đường, luân hồi, địa ngục. Người ấy chỉ cần đặt vấn đề giải thoát diệt khổ. Bởi vì người ấy đã có thể nhận chân được tính cách khổ, không, vô thường, vô ngã của vạn hữu (khổ đế) cùng nguyên nhân của những khổ đau ràng buộc ấy (tập đế) và cương quyết trừ diệt chúng bằng những phương pháp hợp lý (đạo đế) để đi đến sự chiến thắng khổ đau, sống trong tịnh lạc (diệt đế). Một khi thành công, người sẽ biết tất cả, hiểu tất cả, vì bấy giờ người đã sống trong chân lý.[17] Cuộc thực nghiệm tâm linh sẽ đưa đến chỗ chứng đạo, thấu hiểu mọi chân lý mầu nhiệm bằng trí tuệ Bát nhã.[17] Có quan điểm cho rằng chân lý chỉ có thể thấu triệt bằng thực nghiệm, vậy thì những cuộc suy luận về các vấn đề siêu hình đều chỉ là "hý luận" không cần thiết vì vậy chớ nên nghĩ rằng giáo lý đạo Phật chỉ nhằm mục đích giải đáp những thắc mắc siêu hình.[17]