Bước tới nội dung

Giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018/4e

Tủ sách mở Wikibooks

Phần 4: Quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống tham nhũng
e. Xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng, chống tham nhũng

Xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng, chống tham nhũng là vấn đề rất quan trọng được quy định riêng một chương (Chương IX) trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Trước hết, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định những nguyên tắc trong việc xử lý người có hành vi tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng.

Về xử lý người có hành vi tham nhũng
  • Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
  • Người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
  • Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
  • Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Về xử lý tài sản tham nhũng
  • Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.
  • Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn quy định việc xử lý đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước và trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng là trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước bao gồm:

  • Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;
  • Vi phạm quy định về quy tắc ứng xử;
  • Vi phạm quy định về xung đột lợi ích;
  • Vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; +Vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng;
  • Vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
  • Vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Người có hành vi vi phạm trên đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Riêng vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm thì bị xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện vi phạm quy định về áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý như sau:

  • Doanh nghiệp, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
  • Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức đó.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các biện pháp xử lý đối với người giữ chức danh, chức vụ quản lý thì bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra công bố công khai về tên, địa chỉ và hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.