Bước tới nội dung

Giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018/4c

Tủ sách mở Wikibooks

Phần 4: Quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống tham nhũng
c. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng

Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng là nội dung mới được quy định Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, thể hiện một bước hoàn thiện của pháp luật về phòng, chống tham nhũng khi dần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư. Việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư cũng là một trong những xu hướng chung của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

Điều 12 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định: “Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán trong khu vực tư và, khi thích hợp, ban hành những chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự hiệu quả tương xứng và có tính răn đe đối với những hành vi không tuân thủ các biện pháp này” và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể đối với các quốc gia thành viên như: “Thúc đẩy xây dựng các chuẩn mực và thủ tục nhằm bảo vệ sự liêm khiết của các tổ chức tư nhân tương ứng, trong đó có quy tắc ứng xử về tính chính xác, tính chính trực và tính đúng đắn trong hoạt động kinh doanh và tất cả các nghề nghiệp liên quan, đồng thời thúc đẩy công tác phòng ngừa xung đột lợi ích, thúc đẩy nhân rộng các thực tiễn thương mại tốt trong hoạt động kinh doanh và trong quan hệ hợp đồng với quốc gia đó”.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trng lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trên cả phương diện là trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Về trách nhiệm chung, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã dành riêng một chương (Chương VI) về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào hai trụ cột chính đó là xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng và áp dụng Luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Thứ nhất, về xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định việc xây dựng và 32 thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh là chuẩn mực ứng xử phù hợp với đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của người hành nghề, người hoạt động kinh doanh nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề, kinh doanh. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật này và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác còn phải ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Thứ hai, về áp dụng Luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Điều 80 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã xác định trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện. Những biện pháp phòng, chống tham nhũng bắt buộc phải thực hiện bao gồm:

  • Nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật Phòng, chống tham nhũng
  • Kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23 của Luật Phòng, chống tham nhũng; 33
  • Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d khoản 3 Điều 73 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Để bảo đảm cho việc áp dụng Luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, Điều 82 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn quy định về thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và việc phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình.
  • Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định.