Giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018/4a

Tủ sách mở Wikibooks

Phần 4: Quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống tham nhũng
a. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy người đứng đầu có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách quản lý. Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được kế thừa phát triển từ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012, thể hiện trên ba nội dung:

Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chỉ đạo việc thực hiện Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng có trách nhiệm gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh.

Thứ hai, trách nhiệm trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng.

Quy định về áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng lần đầu tiên được quy định trong Nghị định số 59/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, việc quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và đồng thời người đó có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc. Việc lựa chọn áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ của từng vụ việc cụ thể và yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.Thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công 27 chức, viên chức tối đa là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Điều 71 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác như sau:

  • Khi có căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ, quyền hạn tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ, quyền hạn phải xem xét tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng.
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ, quyền hạn phải hủy bỏ ngay quyết định và thông báo công khai về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Thứ ba, chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách

Quy định về người đứng đầu chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 là một trong những biện pháp phòng ngừa và được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 107/2006/NĐ-CP, quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và Nghị định số 211/2013/NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐCP.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục quy định Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều 73 quy định việc xử lý trách nhiệm như sau:

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng thì bị xử lý kỷ luật.

Việc oại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét trong các trường hợp sau đây:

  • Được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng;
  • Được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc đã chủ động, kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật;
  • Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình ngoài việc bị xử lý theo quy định còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.


Chú thích