Bước tới nội dung

Giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018/3b

Tủ sách mở Wikibooks

Phần 3: Quy định về các biện pháp phát hiện và xử lý tham nhũng
b. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán

Phát hiện tham nhũng qua hoạt động giám sát

Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý[1]. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định các chủ thể giám sát bao gồm: Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thông qua hoạt động giám sát, các chủ thể có thể phát hiện tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng giám sát. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 coi đây là một trong những biện pháp phát hiện tham nhũng của cơ quan có thẩm quyền và quy định tập trung vào hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và xử lý đề nghị của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì đề nghị Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật.

- Phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán

Hoạt động thanh tra, kiểm toán hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Hoạt động thanh tra trong việc phát hiện tham nhũng được hiểu là thanh tra nhà nước, đó là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân[2].

Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công[3].

Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước là những cơ quan có vai trò rất quan trọng trong phát hiện tham nhũng. Trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.234 tập thể, 33.722 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.160 tỷ đồng, 993.978 USD và 51.515 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 752 vụ, 1.143 đối tượng. Qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187.530 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc (trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng); đóng góp nhiều kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật[4].

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục quy định trách nhiệm của các cơ quan thanh tra và kiểm toán trong phát hiện tham nhũng. Cụ thể là thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý theo quy định. Với vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cung cấp. Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị.

Để tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong phát hiện tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán theo hướng nếu đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung nhưng không phát hiện tham nhũng mà sau đó cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra kiểm toán thì tùy theo mức độ người ra quyết định thanh tra, kiểm toán, Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm toán trước đó phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.


Chú thích
  1. Khoản 1 Điều 2 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
  2. Khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010.
  3. Khoản 5 Điều 3 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.
  4. Chính phủ: Báo cáo số 330/BC-CP ngày 22 tháng 9 năm 2016 tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN