Giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018/3a
Phần 3: Quy định về các biện pháp phát hiện và xử lý tham nhũng
a. Phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị
Hoạt động kiểm tra là hoạt động thường xuyên trong quản lý, thôn qua việc kiểm tra, chủ thể quản lý nắm bắt được tình hình thực hiện công vụ, nhiệm vụ của cấp dưới, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, bất cập hoặc những vi phạm để khắc phục, xử lý. Để phát huy được vai trò, ý nghĩa của hoạt động kiểm tra với việc phát hiện tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục kế thừa Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và quy định công tác kiểm tra để phát hiện tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người đứng đầu của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý. Cụ thể là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc đơn vị trực thuộc kiểm tra người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định việc kiểm tra có thể thực hiện theo hình thức thường xuyên hoặc đột xuất. Kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng. Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.