Bước tới nội dung

Giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018/2a

Tủ sách mở Wikibooks

Phần 2: Quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Quy định về công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn được xác định là biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng hàng đầu trong phòng, chống tham nhũng, được quy định tại Mục 1 Chương 2 Luật Phòng, chống tham nhũng với 9 điều luật. So với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012, số lượng điều khoản về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tuy có giảm nhưng điều đó cũng là phù hợp, bởi lẽ, qua thời gian thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đến nay, những nội dung cụ thể về công khai minh bạch trong các lĩnh vực hầu hết đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về quản lý trên các lĩnh vực. Vì vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chỉ quy định những vấn đề chung trong việc thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là phù hợp và bảo đảm sự đồng bộ và tránh trùng lặp, chồng chéo với các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Những vấn đề chung về công khai, minh bạch được Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm công khai và cung cấp thông tin cho báo chí, trách nhiệm giải trình.

Về nguyên tắc

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật. Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật.

Về nội dung

Cơ quan, tổ chức, đơn vị bắt buộc phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung sau đây:

  • Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân;
  • Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;
  • Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn;
  • Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định trên đây nhưng theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

Về hình thức

Việc công khai được thực hiện bằng các hình thức sau:

  • Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;
  • Phát hành ấn phẩm;
  • Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
  • Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử;
  • Tổ chức họp báo;
  • Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Với các hình thức này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức công khai là công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhưng bắt buộc phải phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai còn lại.

Trong các hình thức công khai nêu trên, hình thức tổ chức họp báo là hình thức công khai mới được bổ sung và được quy định chi tiết tại Điều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí. Việc tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà dư luận xã hội quan tâm.

Về trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện công khai, minh bạch; trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về công khai, minh bạch thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Về quyền yêu cầu cung cấp thông tin

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai; trường hợp 8 không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và nêu rõ lý do.

Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.

Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công tác, làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật có liên quan.

Về trách nhiệm giải trình

Điều 32a Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước nhưng chưa giải thích thuật ngữ “trách nhiệm giải trình”. Nghị định số 90/2013/NĐ, quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao mới giải thích: “Giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó”.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chính thức giải thích thuật ngữ này như sau: “Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao[1]. Mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện trách nhiệm giải trình nhưng cũng đưa ra những quy định chung như sau:

Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.

Thứ hai, trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.


Chú thích
  1. Khoản 5 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018